Trong nước

Hà Tĩnh: Những con tàu nhớ biển!

Cũng như ngư dân của hàng chục xã biển của Hà Tĩnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ xả thải của Formosa, ngư dân xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đang trải qua những ngày khó khăn nhất trong hành trình bám biển mưu sinh. Ngư trường bị ảnh hưởng, “chiến lợi phẩm” từ biển mất giá, những con thuyền nằm bờ chờ đợi…

Xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh vốn chỉ cách trung tâm vụ xả thải của Formosa chừng 10km về hướng Bắc. Cả xã có 8 xóm thì 5 xóm có 100% người dân sống gắn liền với biển, hay nói cách khác, biển là nguồn sống duy nhất của bà con ngư dân nơi đây.

“Thiệt hại do vụ xả thải của Formosa với bà con ngư dân là không thể đo đếm được. Anh cứ tính, mỗi ngày hàng trăm tàu thuyền của bà con ra khơi khi cập bờ đều mang theo từ 4 - 5 tấn cá các loại. Nhưng, từ hơn hai tháng nay, cá bà con đánh bắt về giá rớt thảm hại. Một cân mực bình thường có giá 220.000 đồng, nay bán 80.000. Giá rớt dữ vậy mà cũng rất ít người mua. Đã có 681 hộ với 2.700 nhân khẩu sống bằng nguồn gạo hỗ trợ của tỉnh” - ông Hoàng Minh Huế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kỳ Phú, chia sẻ với chúng tôi.


Ông Huê dẫn chúng tôi xuống bãi biển kéo dài hàng cây số, chỉ tay về bãi biển dài chật kín tàu, thuyền của ngư dân nằm bờ. "Chưa bao giờ thấy tàu thuyền của bà con ngư dân nằm bờ lâu đến thế"- ông Huê vịn tay vào chiếc thuyền 16CV nằm bờ bên cạnh buồn bã nói.


Theo ông Huê, chỉ tính riêng xóm Phú Hải mà chúng tôi đặt chân đã có đến 80 tàu thuyền lớn nhỏ nằm bờ hơn hai tháng nay.


Thảm họa môi trường đã khiến hải sản đánh bắt được bị rớt giá thảm hại, thậm chí không tiêu thụ được. Trong ảnh: ngư dân Kỳ Phú đang kéo một con thuyền lên bờ.


Những con thuyền được kéo sát lên tận vườn nhà dân, tháo chân vịt và máy móc.




Tàu thuyền, ngư cụ được trùm bạt nằm chờ bên bờ biển. Người dân tính toán những con tàu của họ sẽ còn nằm bờ dài ngày, chưa biết khi nào ra khơi.



Tàu thuyền nằm bờ dù được bọc bạt kín nhưng vẫn không lại được với mưa nắng và gió biển, dễ hư hỏng, phải bảo dưỡng thường xuyên. Lớp bạt bảo vệ cũng đã phải thay 2-3 lần rồi mà vẫn bị gió đánh rách toác.


Để tránh thuyền bị nứt nẻ, hằng ngày, nhất là vào cao điểm ban trưa, ngư dân này phải múc nước biển dội cho mát thân thuyền.


Không ít tàu, thuyền bị nứt nẻ, hỏng hóc. Lão ngư Nguyễn Tiến Trẩn, 78 tuổi, đang sửa thuyền, chia sẻ: "Kiếm được con cá, con mực lúc này không dễ như trước, nhưng kiếm được rồi giá bán thấp tới 1/3 giá bình thường. Nếu cứ thế này mãi, chúng tôi chắc phải giải nghệ thôi".


Các hàng quán kinh doanh hải sản cũng đóng cửa.


"Trước đây, mỗi ngày quán hàng của tui bán 5-7 triệu đồng đồ hải sản, buổi chiều khách từ nhiều nơi đổ về thưởng thức hải sản tươi sống đông chật quán. Nhưng hai tháng nay thì quá thảm hại, chỉ bán được vài két bia với lạc" - ông Dương Văn Hoa, chủ một nhà hàng ăn uống ở xóm Phú Hải nhìn ra biển thẫn thờ nói.


Tác giả bài viết: Văn Dũng - Tiến Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP