Pháp luật

Giám đốc CDC Đà Nẵng và 2 thuộc cấp đối diện hình phạt nào?

Theo luật sư Phạm Ngọc Hải, trong vụ án này, mức hình phạt có thể được áp dụng là phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như Người Đưa Tin phản ánh, chiều 20/6, cơ quan chức năng Tp.Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tôn Thất Thạnh (SN 1964), nghề nghiệp bác sĩ, thường trú quận Hải Châu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Đà Nẵng (gọi tắt là CDC Đà Nẵng) về hành vi tham ô tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 353 BLHS.

Cơ quan CSĐT Công an Tp.Đà Nẵng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1982, nghề nghiệp bác sĩ, thường trú quận Hải Châu, Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Tp.Đà Nẵng; khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Lê Thị Kim Chi (SN 1986), nghề nghiệp bác sĩ, thường trú quận Thanh Khê, nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Tp.Đà Nẵng cùng về tội danh trên.

Ông Tôn Thất Thạnh khi bị bắt giữ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư Tp.Đà Nẵng nhận định, trong bối cảnh giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả nước đang chung tay chống dịch, một số cán bộ lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Hành vi này là đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý y tế. Bằng việc làm giả sổ sách, nâng khống chứng từ thể hiện các đối tượng biết rõ và hoàn toàn có chủ đích và tính toán từ trước để thực hiện việc tham ô.

Với số tài sản chiếm đoạt trị giá hơn 4 tỷ đồng, hành vi của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Mức hình phạt có thể được áp dụng là phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Hải phân tích, do việc thực hiện hành vi giữa các đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ với nhau, đồng thời có sự giúp sức của các đối tượng bên ngoài khác (Công ty Việt Á) nên nhiều khả năng có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 52 Bộ luật hình sự phạm tội có tổ chức.

Luật sư Phạm Ngọc Hải.

“Với nhiệm vụ quyền hạn của mình, đáng lẽ ra, các cán bộ nêu trên phải đặt mục đích vì xã hội lên trên hết để đảm bảo tối đa lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, với cám dỗ từ số tiền lớn, ranh giới giữa đúng và sai đã không còn được phân chia rạch ròi.

Hành vi vi phạm của các đối tượng đã ảnh hưởng xấu đến tình hình phòng chống dịch bệnh của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Đây cũng là một tổn thất của ngành y tế khi mất đi những cán bộ có chuyên môn, nếu họ nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật liên quan thì sẽ có đóng góp rất lớn cho xã hội, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh như hiện nay”, luật sư Hải chia sẻ.

Kết quả điều tra ban đầu Công an Tp.Đà Nẵng xác định, Từ năm 2020 - 2021, ông Tôn Thất Thạnh cùng các đồng phạm đã móc nối với Công ty Việt Á nhằm mục đích tham ô số vật tư xét nghiệm Covid-19 đã được Tp.Đà Nẵng mua để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Thạnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Lê Thị Kim Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 thành mẫu đơn, đồng thời biến hàng chục ngàn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á. Số vật tư dôi dư sau khi “phù phép”, ông Thạnh cùng các đồng phạm đã chuyển lại cho Công ty Việt Á để chiếm đoạt số tiền với giá trị thỏa thuận.

Theo xác định ban đầu của Cơ quan điều tra, giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP