Trong tỉnh

Dự án Cầu Cửa Hội: Dấu hỏi chất lượng nền đường từ nhà thầu phụ?

Công trình Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam (nối Nghệ An và Hà Tĩnh) dự kiến hợp long vào tháng 9/2020 sau hơn 1 năm thi công. Trong đó, gói thầu XL.02 thuộc phạm vi thi công phía tỉnh Hà Tĩnh đang "phát lộ" những quan ngại về chất lượng thi công công trình dường dẫn.

Cầu Cửa Hội nối TX. Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khi hoàn thành sẽ là cầu đường bộ dài nhất miền Trung

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, dự án xây dựng công trình Cầu Cửa Hội có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương (Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 250 tỷ đồng).

Dự án có tổng chiều dài cầu là 5,271km, trong đó phần cầu dài 1,728km; bề rộng cầu 12m với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và gờ lan can. Điểm đầu tự án tại Km0+00 nối với đường tỉnh 535 và đường quy hoạch TX. Cửa Lò thuộc địa phận phường Nghi Hải, TX.Cửa Lò (tỉnh Nghệ An): điểm cuối dự án khớp nối tuyến đường ven biển tại xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Cầu Cửa Hội được khởi công tháng 2/2019 với thời gian thi công theo kế hoạch là 18 tháng. Đến thời điểm này, việc thi công công trình đã đạt hơn 70% khối lượng công việc.

Cầu được chia làm 2 gói thầu chính, gói XL.01 thuộc phạm vi thi công phía tỉnh Nghệ An và gói thầu XL.02 thuộc phạm vi thi công phía tỉnh Hà Tĩnh.

Trong đó, gói thầu XL.02 (giá trị trúng thầu 341,57 tỷ đồng) có tổng chiều dài tuyến chính là 4.141m do liên danh hai nhà thầu lớn thi công là Tập đoàn Cienco4 và CTCP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An.

Đến thời điểm này, việc thi công công trình đã đạt hơn 70% khối lượng công việc.

Trong gói thầu XL.02 này, phần đường nối với cầu có chiều dài 3.160m được Bộ GTVT chấp thuận năng lực cho phép CTCP Tư vấn và xây dựng Thành Sen (đăng ký kinh doanh tại địa chỉ: số 02, đường Vũ Quang, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) và CTCP Xây dựng Hợp Lực (đóng tại số nhà H5, khu đô thị mới Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) làm nhà thầu phụ.

Chất lượng nền đường có đảm bảo?

Ông Mai Thanh Phúc, Phó trưởng phòng điều hành dự án thuộc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải cho biết, chiều dài đoạn đường nối với cầu phía Hà Tĩnh thuộc gói XL.02 là 3.160m, được thiết kế theo đường cấp III đồng bằng với vận tốc 80km/h; bề rộng nền B nền=12m, B mặt=11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới Bcg=2x3.5=7.0m và 2 làn xe hỗn hợp Bhh=2x2.0=4.0m; lề đất 2 bên Blđ =2 x0.5=1.0m; riêng đoạn đường hai đầu cầu bề rộng nền đường B nền=16.0m và B mặt=15.0m.​

Phần đường dẫn từ KM0+2 đến KM5+200 do Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Thành Sen thi công. Từ KM2+214 đến KM5+271 do Công ty Cổ phần Xây dựng Hợp Lực thi công. Công ty CP TVXD Thăng Long là đơn vị tư vấn giám sát công trình.

Đoạn đường nối này có giá trị đầu tư gần 66 tỷ đồng. Sau nhiều tháng gấp rút thi công, đến nay đoạn do CTCP Xây dựng Hợp Lực thi công đã cơ bản xong phần nền đất K95 và K98 và đang cho đắp lớp gia tải (lớp đá bây), còn CTCP Tư vấn và xây dựng Thành Sen đang trong quá trình đắp lớp đất nền K95.

... Đến khổ với ôngThành Sen! Từ đầu đến giờ, chủ đầu tư cũng đã phản ứng, văn bản như bươm bướm nhưng có ăn thua gì đâu. Trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án toàn tuyến đã thảm hết rồi nhưng còn mỗi ông Thành Sen...

Ông Mai Thanh Phúc - Phó trưởng phòng điều hành dự án thuộc Ban Quản lý dự án 6,

Thông tin về khối lượng thi công phần đường dẫn, ông Mai Thanh Phúc cho biết, khối lượng đất K95 và K98 sử dụng đắp nền đường cho dự án này được khảo sát, quy hoạch tại mỏ đất Xuân Liên (huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh), nhưng trong quá trình thi công xét thấy nguồn đất không đảm bảo nên được khảo sát và sử dụng nguồn đất ở điểm mỏ Núi Thành (Nghệ An).

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV qua các đợt thực địa tại dự án, quá trình thi công dự án này nhà thầu đã sử dụng nhiều loại đất đá ở các điểm khai thác trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để thi công công trình.

Khi phóng viên phản ánh người dân quan ngại về chất lượng công trình khi quan sát thấy nhà thầu sử dụng đất lẫn đá hộc để đắp nền đường, ông Phúc cho rằng "đất đưa về hiện trường là đất đẹp, Ban đã nghiệm thu, đất đạt thì mới cho lu lèn". Vị này giải thích thêm, "đất lẫn đá nhỏ càng tốt, còn đá to thì phải lựa đưa ra ngoài, còn chọn trên mỏ thì lâu lắm...".

Khi tận mắt chứng kiến một số hình ảnh do PV Nhadautu.vn cung cấp về việc nhà thầu sử dụng đá hộc để thi công phần nền đường, ông Phúc khẳng định: "một số điểm lu cả đá hộc về nguyên tắc là không được".

"Ban sẽ làm việc lại với đơn vị tư vấn giám sát, xem những chỗ nào có đá to phải đề nghị nhà thầu lọc ra. Từ giờ trở đi phải quán triệt, chứ không thể để như thế được, sau này nó lõm đường trách nhiệm về sau thì Ban lại phải chịu...", ông Phúc nói.

Liên quan đền nguồn gốc đất, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Thế Anh, chủ mỏ đất Núi Thành (ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cho biết, trước đây CTCP Tư vấn và Xây dựng Thành Sen và CTCP Xây dựng Hợp Lực có lấy đất ở mỏ Núi Thành một thời gian. “Số lượng đất mà 2 Công ty này lấy ở mỏ đất Núi Thành chưa đến 5.000 khối và đã khoảng hơn 2 tháng nay không thấy 2 công ty này đến lấy đất ở đây”- ông Anh khẳng định.

Được biết, chi phí cho m3 khối đất tốt tại mỏ Núi Thành cao gấp nhiều lần so với đất thu mua tại các điểm mỏ khác.

Dưới đây là một số hình ảnh của phóng viên Nhaudautu.vn, ghi nhận tại dự án:

BQL cho biết đất đắp nền đường được lấy ở điểm mỏ Núi Thành (Nghệ An) nhưng theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV, nhà thầu lấy đất lẫn đá hộc ở các điểm tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Phần đường được đắp quy định đắp bằng lớp đất K95 nhưng trên thực tế nhà thầu sử dụng đất đá lổn nhổn để thi công

Nguồn đất chứa nhiều đá lẫn tạp chất nhưng vẫn dùng đắp nền đường...

Đất chứa hàng tá tảng đá hộc

Nhà thầu nỗ lực cho máy lu đầm nén nhưng các mảng đá vẫn không vỡ vụn mà lộ thiên lên trên bề mặt...

Khi nhiều tảng đá lớp dưới vẫn còn nguyên thì nhà thầu tiếp tục cho đổ lớp đá khác lên trên thi công.

Sử dụng đá hộc thi công nền đường , công trình có đảm bảo chất lượng?

Cầu Cửa Hội là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Lam nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cầu được xây dựng theo công nghệ dây văng đúc hẫng cân bằng EXTRADOESD – một công nghệ xây dựng cầu mới đã được triển khai ở một số dự án ở khu vực phía Nam. Dự kiến đến cuối năm 2020 công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Công trình được xem là cầu đường bộ dài nhất miền Trung sau khi hoàn thành. Phá kỷ lục cầu Đà Rằng mới bắc qua sông Ba đoạn qua TP Tuy Hòa (Phú Yên) dài 1,6 km.

Tác giả: VĂN TUÂN - VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP