Kinh tế

Doanh nghiệp của tỷ phú Việt làm ăn ra sao trong ‘bão’ COVID-19?

Tâm bão COVID-19, trong khi Vinhomes, Masan, Vinamilk, Hoà Phát… mạnh mẽ “đi xuyên khủng hoảng” thì FLC, Hoàng Anh Gia Lai… lỗ khủng.

Doanh thu đột biến, lợi nhuận bùng nổ

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes, mã chứng khoán VHM) vừa công bố cho thấy quý I/2020 Vinhomes lãi trước và sau thuế lần lượt 10.124 tỷ đồng và 7.654 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2019.

COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp "thấm đòn" song cũng giúp nhiều doanh nghiệp tối ưu hoá nguồn lực, đẩy mạnh doanh thu và lợi nhuận.

Nguyên nhân khiến thương hiệu bất động sản do Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm trên 70% vốn sở hữu bùng nổ lợi nhuận chủ yếu nhờ ghi nhận nguồn doanh thu tài chính đột biến xấp xỉ 7.510 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng các khoản đầu tư.

Doanh thu thuần của Vinhomes cũng tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ, đạt gần 6.520 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán lại giảm 21% nên lợi nhuận gộp đạt 2.949 tỷ đồng tăng 122%. Doanh thu từ hoạt động tài chính cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, ghi nhận 8.591 tỷ đồng.

Vinhomes cho biết, sau khi tạm đóng cửa theo yêu cầu giãn cách xã hội của Chính phủ từ 1/4, các công trường xây dựng của Vinhomes tại Hà Nội đã hoạt động trở lại vào 16/4, và toàn bộ hệ thống showroom cũng đã mở cửa trở lại vào ngày 23/4.

Khu đô thị thông minh Vinhomes Smart City mới đây ra mắt phân khu Sapphire Parkville. Vinhomes Ocean Park cũng bắt đầu bàn giao những căn hộ đầu tiên tại phân khu Sapphire 2, đồng thời tiếp tục mở bán phân khu Sapphire by the Sea. Ngoài ra, các dự án mang thương hiệu Vinhomes khác cũng có các hoạt động mở bán đáng chú ý trong quý vừa qua, bao gồm Vinhomes Symphony tại Hà Nội và Vinhomes Marina tại Hải Phòng.

Masan – doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – cũng vừa công bố doanh thu và lãi khủng trong quý đầu năm. Theo đó, Masan Gourp cho biết doanh thu thuần hợp nhất quý I đạt hơn 17.630 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Trong đó, VinCommerce đóng góp gần phân nửa doanh thu cho tập đoàn, tương đương hơn 8.700 tỷ đồng.

Masan Consumer - công ty hàng tiêu dùng - thu hơn 4.600 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng hơn 26%. Tăng trưởng của doanh nghiệp này đến từ chiến lược cao cấp hoá các dòng sản phẩm, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại nhà tăng mạnh trong mùa dịch. Phần còn lại đến từ ngành thịt, chăn nuôi của Masan MEATLife và khoáng sản của Masan Resources với tỷ trọng lần lượt hơn 19,2% và 6%.

Trong khi đó Vinamilk (mã VNM) – doanh nghiệp gắn liền tên tuổi bà Mai Kiều Liên – cho biết doanh thu quý I/2020 của VNM đạt 14.153 tỷ đồng tăng 7% so cùng kỳ, lợi nhuận 2.776,8 tỷ đồng, đi ngang so quý I/2019.

Về cơ cấu lợi nhuận gộp theo bộ phận, Vinamilk cho biết, lợi nhuận gộp trong nước là 5.704,4 tỷ đồng, chiếm 86,4% cơ cấu lợi nhuận gộp, lợi nhuận gộp nước ngoài là 901,4 tỷ đồng, chiếm 13,6% cơ cấu lợi nhuận gộp.

Xét về dòng tiền, trong kỳ hoạt động kinh doanh chính tạo ra được 1.879,6 tỷ đồng, cao hơn mức 1.398,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Tính tới 31/3/2020, Vinamilk có 15.750 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 34,2% tổng tài sản. Trong kỳ, lượng tiền và đầu tư tài chính đã thêm 649,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng tiền và đầu tư tài chính trên tổng tài sản đã tăng từ 33,8% lên 34,2%.

Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trịnh Đình Long mới đây cũng báo lãi tăng trưởng hai chữ số. Theo đó, báo cáo tài chính quý đầu năm của Hòa Phát ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt trên 19.200 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng, đều tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép đóng góp hơn 81% vào tổng doanh thu. Tiếp đến mảng nông nghiệp chiếm hơn 14%, phần còn lại từ sản xuất công nghiệp và kinh doanh bất động sản.

Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ của Hòa Phát đạt hơn 107.000 tỷ đồng, trong đó hơn phân nửa là các khoản nợ phải trả.

Doanh thu các mảng kinh doanh của Hòa Phát đều cải thiện so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu nên mảng thép tăng trưởng chậm hơn, chỉ đạt khoảng 30%. Trong khi đó, nguồn thu từ nông nghiệp mang về cho tập đoàn gần 2.800 tỷ đồng và tăng trưởng xấp xỉ 60%.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, công suất nhà máy lớn là yếu tố quan trọng giúp Hòa Phát đẩy nhanh quá trình chiếm thị phần trong lúc các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.

Nhiều ông lớn “thấm đòn” COVID-19

Tuy nhiên bức tranh tài chính quý đầu năm tại doanh nghiệp của các tỷ phú Việt cũng chứng khiến nhiều gam màu tối. Trong đó, FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lỗ ròng tới gần 1,172 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo tài chính cho thấy doanh thu thuần quý I/2020 của FLC ghi nhận gần 4.768 tỷ đồng, tăng 60%. Tuy nhiên giá vốn trong kỳ lên tới 6.215 tỷ đồng khiến FLC lỗ gộp gần 1.448 tỷ đồng.

Theo giải trình của FLC, giá vốn tăng mạnh là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Bên cạnh đó, các khoản chi phí hoạt động trong kỳ đồng loạt gia tăng. Đặc biệt là chi phí tài chính khi tăng hơn 2 lần, lên gần 368 tỷ đồng.

Về tình hình tài sản, đáng chú ý khi lượng tiền mặt của FLC chỉ còn ghi nhận hơn 48,5 tỷ đồng tại ngày 31/3, giảm mạnh so với con số gần 633 tỷ đồng hồi đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng thu hẹp hơn 62%, về còn chưa tới 71 tỷ đồng.

Không được như Vinhomes, Vingroup – Tập đoàn do tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm cổ phần chi phối – chỉ lãi hơn 438 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do doanh thu thuần hợp nhất trong quý đạt 15.368 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ.

Trong quý, doanh thu thuần của Vingroup chủ yếu đến từ chuyển nhượng bất động sản 44,79%, hoạt động sản xuất 21.21%, cho thuê bất động sản đầu tư 11.69% và cung cấp dịch vụ khách sạn, vui chơi, giải trí 11.75%. Đáng chú ý là doanh thu từ hoạt động sản xuất gấp 2,6 lần cùng kỳ, đạt 3.259 tỷ đồng do trong năm 2019 doanh thu bán ô tô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 8.934 tỷ đồng, gấp 2, 6 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lãi từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con gần 8,359 tỷ đồng. Tuy vậy, chi phí tài chính gấp 2,5 lần cùng kỳ, lên mức gần 3.606 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng.

Doanh nghiệp gắn với tên tuổi tỷ phú Đoàn Nguyên Đức là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng vừa báo lỗ hơn 79 tỷ đồng. Cụ thể, ba tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu hơn 830 tỷ với lợi nhuận gộp hơn 280 tỷ đồng. Tỷ trọng lớn nhất từ mảng trái cây, chiếm hơn 83%. Biên lợi nhuận gộp đạt 34%, tăng đột biến so với mức hơn 20% cùng kỳ năm trước. Tổng chi phí trong kỳ không biến động quá nhiều, trong đó chi phí lãi vay và lãi trái phiếu vẫn chiếm chủ yếu. Kết quả là lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn gần 65 tỷ đồng, bằng 1/4 cùng kỳ.

Tuy nhiên, do không còn khoản lợi nhuận khác đột biến, HAGL vẫn phải chịu thua lỗ trong quý I.

Tác giả: Hòa Bình

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP