Trong tỉnh

Công an Nghệ An cảnh báo chiêu lừa tinh vi khiến người dân mất hàng trăm triệu đồng

Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo, tuyên truyền nhiều về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng tinh vi nhưng nhiều người dân vẫn mắc bẫy.

Giả danh công an, kiểm sát

Một cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An thông tin, những đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý lo sợ của người dân khi vướng vào kiện tụng hoặc đang bị điều tra về một tội danh nào đó. Chính tâm lý sợ hãi, thiếu hiểu biết về pháp luật khiến những nạn nhân này bị lừa một cách dễ dàng.

Đó là trường hợp chị T.T.N. (trú TP Vinh, Nghệ An) bị lừa mất hơn 500 triệu đồng vào đầu năm 2020 với nội dung, phương thức như nợ ngân hàng rồi có liên quan đến đường dây ma túy. Sau đó, các đối tượng cho chị N. 2 lựa chọn hoặc là bị bắt và phong tỏa tài sản, hoặc nộp tiền để điều tra, trả lại sự trong sạch. Người này cũng quả quyết rằng, sau kết thúc điều tra, số tiền này sẽ được cơ quan điều tra trả lại cho chị.

Chiêu trò dùng đuôi số 113 để lừa người dân.

Lo sợ cộng với tâm lý không muốn dính líu đến pháp luật nên chị N. chọn chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình cho các đối tượng. Chị N. đã giữ bí mật với mọi người trong gia đình và âm thầm chuyển 11 lần tiền trong vòng 1 tuần vào tài khoản của "cán bộ điều tra" tổng số tiền 545 triệu đồng.

Phần mềm gián điệp tinh vi, nguy hiểm

Mới đây, Công an Nghệ An nhận được đơn trình báo của một cô giáo trên địa bàn bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng với phương thức hết sức tinh vi. Các đối tượng sử dụng triệt để các kỹ thuật công nghệ cao như mạo danh trang thông tin điện tử Bộ Công an, yêu cầu nạn nhân cài mã độc để chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt các thông tin cá nhân của nạn nhân.

Phần mềm gián điệp có biểu tượng Bộ Công an.

Nữ giáo viên nhận được một cuộc gọi điện thoại thông báo có bưu phẩm đã lâu không nhận. Sau đó nhân viên bưu điện yêu cầu chị cung cấp số CMND, họ tên để tra cứu rồi thông báo chị có vướng mắc về vấn đề pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng. Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên bưu điện nối máy cho một đối tượng thứ 2 xưng là "điều tra viên của cơ quan công an" nói "bọn tội phạm buôn ma túy và rửa tiền đang sử dụng CMT của chị để lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội. Qua điều tra thì chị đã nhận tiền của bọn tội phạm. Vì vậy, chị là đối tượng điều tra và cơ quan công an sẽ tiến hành bắt giữ chị trong thời gian sắp tới".

Chúng yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ tài sản vào một tài khoản ngân hàng có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet banking) của nạn nhân để phục vụ công tác điều tra (với yêu cầu này thì nạn nhân sẽ không nghi ngờ vì tiền chuyển vào tài khoản của họ).

Sau đó, đối tượng bắt nạn nhân tải và cài phần mềm bảo vệ tài khoản của Bộ Công an (thực chất đây là phần mềm gián điệp) trên điện thoại mà nạn nhân gắn số thuê bao dùng để nhận mã OTP từ ngân hàng (mục đích là để đánh cắp tin nhắn mã OTP).Phần mềm gián điệp yêu cầu quyền truy cập.

Phần mềm gián điệp yêu cầu quyền truy cập.

Phần mềm này có biểu tượng là hình ảnh Công an hiệu (logo của Bộ Công an), khi chạy phần mềm này sẽ yêu cầu quyền truy cập vào tin nhắn, danh bạ, thông tin điện thoại… đồng thời yêu cầu nạn nhân nhập các thông tin về tài khoản ngân hàng như: số tài khoản, tên chủ tài khoản, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập internet banking.

Khi các đối tượng kiểm soát được toàn bộ tài khoản ngân hàng của nạn nhân, chúng sẽ đăng nhập vào ứng dụng internet banking của ngân hàng để thực hiện các giao dịch thay đổi định mức và chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân sang tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Nghệ An) cho biết, các đối tượng ngày có nhiều phương tiện giúp sức để lừa đảo. Đó là giao thức truyền giọng nói qua internet (VoIP), số điện thoại các đối tượng dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiển thị đầu số có đuôi 113 giống số của Công an khiến người dân dễ mắc lừa và gây khó khăn lực lượng chức năng trong việc xác minh, truy tìm cuộc gọi. Mới đây nhất là thủ đoạn cài phần mền gián điệp có logo của Bộ Công an.

Ngoài ra, tội phạm thường sử dụng sim rác, thẻ ngân hàng "ảo". Chúng thường mua lại tài khoản ngân hàng của người khác, sau khi thực hiện hành vi lừa tiền, các đối tượng thường yêu cầu "con mồi" chuyển tiền vào những tài khoản này để chiếm đoạt. Ngoài thủ đoạn này thì thủ đoạn hack tài khoản facbook rồi sử dụng các tài khoản này để vay tiền, nhờ chuyển tiền, nộp thẻ điện thoại; Lừa đảo thông qua các giao dịch, bán hàng trực tuyến... cũng ngày càng tinh vi khiến công tác đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao này ngày càng khó khăn. Người dân cần nâng cao cảnh giác. Nhận được những thông tin này qua điện thoại nên bình tĩnh, báo ngay cho cơ quan công an.

Tác giả: V. Đồng

Nguồn tin: Báo GĐ&XH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP