Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục: Thí điểm xóa biên chế ở một số đại học

Bộ Giáo dục chưa xem xét đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Chiều 6/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ nhận được nhiều góp ý. Bên cạnh ý kiến đồng thuận, đánh giá cao thì cũng có những băn khoăn, thậm chí là trái chiều. Dù đồng thuận hay trái chiều đều là thông tin bổ ích đối với ngành giáo dục trong quá trình cụ thể hóa đề xuất.
BT Phung Xuan Nha 6183 1496746 6535 1179 1496750348
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Lý giải vì sao đề xuất chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới thi cử, chương trình - sách giáo khoa. Khi đổi mới sách giáo khoa, cần đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có giáo viên.

"Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, vấn đề áp dụng chế độ viên chức đối với giáo viên như hiện nay liệu còn phù hợp trong bối cảnh nghề giáo có nhiều đặc thù, thu nhập chưa được cải thiện, một bộ phận thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ đang phổ biến... đã được đặt ra", Bộ trưởng giải thích.

Theo Bộ trưởng Nhạ, Nghị quyết 29 chỉ rõ việc tuyển dụng, đãi ngộ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Mặt khác, chủ trương công chức, viên chức hợp đồng đã được đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Quyết định số 1557 của Thủ tướng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ nhằm hình thành cơ chế sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó có giáo viên.

"Như vậy, các chủ trương của Đảng đã thể hiện rõ quan điểm về việc phải có các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tình hình hiện nay", Bộ trưởng khẳng định.

Cán bộ quản lý cũng sẽ được chuyển sang hợp đồng

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng thực tế, bên cạnh nhiều giáo viên trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề thì còn một bộ phận không nhỏ có tư tưởng dựa vào biên chế để yên tâm ổn định lâu dài, thiếu động lực phấn đấu dạy tốt.

"Có tình trạng giáo viên dù dạy không tốt nhưng vì có thâm niên lâu năm nên lương cao, trong khi người mới ra trường dù dạy tốt lương vẫn thấp. Những bất cập này cần sớm được khắc phục", ông Nhạ khẳng định.

Tuy nhiên, việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.

Trước mắt, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số đại học và trường THPT có đủ điều kiện. Bộ chưa xem xét đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và những nơi chưa đảm bảo điều kiện thí điểm, nhất là vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Khi nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm, Bộ Giáo dục sẽ xem xét các giải pháp để giải quyết các vấn đề dư luận băn khoăn, như: chính sách đặc thù đối với giáo viên ở vùng sâu, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu trưởng...

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù chính sách có thế nào thì chúng ta đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, thu nhập và đảm bảo công bằng đối với tất cả các nhà giáo", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục làm đầu mối tổ chức khảo sát, nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án thí điểm. Sau đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thì Bộ Nội vụ thực hiện.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, để thực hiện được thì còn một hành trình dài, đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo. Việc chuyển biên chế sang hợp đồng cũng không phải chỉ thực hiện ở giáo viên mà cả cán bộ quản lý để tạo sự đồng bộ và bước đi thích hợp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đổi mới giáo dục không phải nhìn vào Bộ trưởng hay cơ quan Bộ mà cần có sự chung tay của toàn dân, phải được coi là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị. "Đổi mới giáo dục có sự đồng hành của các thầy cô thì thắng lợi rất cao", ông Nhạ chia sẻ.

Tác giả bài viết: Hoàng Thùy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP