Kinh tế

Ái nữ nhà Mường Thanh lèo lái 'chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Nam Á' thế nào?

Từ năm 2013, khi chưa đầy 30 tuổi, bà Lê Thị Hoàng Yến, ái nữ của đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản đã chính thức gánh trên vai trọng trách Tổng giám đốc của chuỗi khách sạn Mường Thanh giữa bối cảnh thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

Ái nữ nhà Mường Thanh lèo lài 'chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Nam Á' thế nào?

Ái nữ 8x của tập đoàn khách sạn nghìn tỷ

Doanh nhân Lê Thị Hoàng Yến thuộc thế hệ cuối của 8x, là chị cả trong số 3 người con của đại gia Lê Thanh Thản, cũng là cánh tay phải đắc lực của người cha có "số má" trên thương trường Việt Nam. Trước khi quyết định trợ giúp cho gia đình, nối nghiệp kinh doanh của cha, bà Hoàng Yến đã có 7 năm tu nghiệp ở nước Anh, tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tài chính, đại học Brimingham.

Không chỉ có kiến thức và tư duy hiện đại, kết hợp với bản tính siêng năng chịu khó học hỏi, năm 2013, bà Hoàng Yến chính thức được ông Thản tin tưởng giao cho trọng trách lèo lái "chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Nam Á", với tư cách là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh (Tập đoàn Mường Thanh).

Theo thông tin giới thiệu của tập đoàn, chuỗi khách sạn Mường Thanh có mặt trên dải đất chữ S hơn 2 thập kỉ qua, từ khách sạn đầu tiên được xây dựng vào đầu tháng 7/1997 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đến nay Mường Thanh đã có hơn 60 khách sạn thành viên với 4 phân khúc là Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng sở hữu một số trung tâm giải trí, trung tâm thể hình, vườn thú, chuỗi cửa hàng lưu niệm...

Hiện nay, các khách sạn Mường Thanh được chia làm hai nhóm, thuộc sở hữu của hai pháp nhân chính. Đầu tiên là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, được thành vào tháng 1/1993, là công ty lõi chuyên phát triển bất động sản chủ chốt của Mường Thanh, chủ sở hữu của chuỗi khách sạn thời kì đầu.

Tính đến cuối năm 2019, công ty này có vốn điều lệ gần 260 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật vẫn là đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản.

Năm 2012, ông Thản thành lập thêm Tập đoàn Mường Thanh, với nhiệm vụ trở thành đầu mối quản lý, xây dựng thương hiệu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất. Khi đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 200 tỷ đồng.

Được biết, hiện Tập đoàn Mường Thanh sở hữu, quản lý hơn 30 khách sạn, phần còn lại vẫn do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nắm giữ. Bên cạnh đó, còn có thêm một số pháp nhân khác, là doanh nghiệp thành viên được ông Thản thâu tóm, đơn cử như Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (HNX: PDC) - chủ sở hữu của Mường Thanh Grand Phương Đông.

Tính đến cuối năm 2019, Tập đoàn Mường Thanh có vốn điều lệ trên 3.270 tỷ đồng. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,7% vốn, bà Hoàng Yến nắm giữ 19% vốn, ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Hoàng Yến) nắm giữ 8,2% vốn, còn lại 3,9% vốn thuộc quyền sở hữu của ông Lê Hải An.

Bà Hoàng Yến lèo lái thế nào?

Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, từ khi bà Hoàng Yến nắm quyền thì quy mô tài sản của Tập đoàn Mường Thanh đã ghi nhận đà tăng trưởng đột biến. Đầu tiên phải kể đến, từ mức vốn điều lệ sáng lập vỏn vẹn 200 tỷ đồng, đến cuối năm 2019 con số này đã tăng gấp hàng chục lần, lên 3.270 tỷ đồng.

Về tổng tài sản, nếu năm 2016 doanh nghiệp chỉ có trong tay 2.685 tỷ đồng thì năm 2017, số tiền này đã nhân gấp 2,5 lần lên 6.782 tỷ đồng.

Giữ vững đà tăng "bằng lần", Tập đoàn Mường Thanh chốt năm 2018 với tổng tài sản 12.782 tỷ đồng và kết thúc năm 2019 là 15.100 tỷ đồng.

Đi cùng với quy mô tài sản, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng vì thế mà tăng mạnh. Trong giai đoạn 2016 - 2019, nợ phải trả ghi nhận lần lượt ở mức 1.950 tỷ đồng, 5.085 tỷ đồng, 9.093 tỷ đồng và 10.950 tỷ đồng.

Thế nhưng, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Mường Thanh lại khá ảm đạm, có thể nói là kém tích cực nếu so với tốc độ phình to của "sức khỏe doanh nghiệp". Năm 2016, trong khi quy mô tài sản lên đến 2.685 tỷ đồng thì chuỗi khách sạn chỉ đem về 316 tỷ đồng doanh thu.

Doanh thu vốn đã khiêm tốn, lại thêm các khoản chi phí vận hành cao chót vót, khiến Tập đoàn Mường Thanh gánh lỗ trước thuế 93 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm gần 397 tỷ đồng. Theo các nhà phân tích tài chính, dòng tiền được ví là "dòng máu" duy trì tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Đó cũng là lí do vì sao Tập đoàn Mường Thanh phải gia tăng nợ phải trả lên gấp 2,5 lần, nhằm bù đắp khoản thiếu hụt về dòng tiền kinh doanh.

Năm 2017, bức tranh tài chính xám xịt tiếp tục đeo bám doanh nghiệp, con số lỗ trước thuế tăng nhẹ lên mức 99 tỷ đồng, mặc dù doanh thu đã được cải thiện, đạt trên 442 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng tăng âm lên 596 tỷ đồng.

Chỉ đến năm 2018, mức lỗ của Tập đoàn Mường Thanh mới được tiết giảm đáng kể, về mức 11,6 tỷ đồng nhờ doanh thu tăng mạnh lên 780 tỷ đồng, tương đương tăng 76% so với năm trước.

Dẫy vậy, doanh nghiệp vẫn chưa chút được gánh nặng về dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, khi con số này đã nhảy vọt lên âm 707 tỷ đồng.

Năm 2019, Tập đoàn Mường Thanh đã báo lãi trở lại, đạt 33 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thăng hoa gấp 2 lần so với năm ngoái, đạt trên 1.570 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực nhất của chuỗi khách sạn tư nhân trong vài năm qua.

Bước sang năm 2020, với tâm thế "thừa thắng" chắc hẳn Tổng giám đốc Hoàng Yến đặt kì vọng rất lớn vào việc doanh nghiệp sẽ chinh phục được những mốc lợi nhuận kỉ lục mới trong năm.

Đáng tiếc, viễn cảnh Tập đoàn Mường Thanh gặt hái nhiều thành quả vào cuối năm 2020 dần trở nên xa vời từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, và đặc biệt là nhóm ngành du lịch, khách sạn...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế tháng 9 năm 2020, Việt Nam ghi nhận 3,78 triệu lượt khách quốc tế, giảm 70% so với cùng kỳ 2019.

Phần lớn số lượt khách quốc tế này tập trung ở quý I, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, chiếm đến 97% lượt khách. Quý II chỉ ghi nhận hơn 57.000 lượt khách, quý III là 51.000 lượt.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tiếp tục giảm, đạt 369.300 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và chiếm 10% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ. Dịch vụ lữ hành ghi nhận 14.200 tỷ đồng, giảm mạnh 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP