Cả ngôi làng chìm trong màn sương mờ đục. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua, mùi hăng hắc hoặc thum thủm xộc thẳng vào mũi.
Địa danh mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là thôn La Mát (thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam). Xung quanh thị trấn, đó là nơi tập trung của những dãy núi và hàng loạt mỏ khai thác đá. Những năm qua, nghề khai thác đá đã góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhưng việc khai thác tràn lan khiến công tác bảo vệ môi trường gặp quá nhiều bất cập. Hàng nghìn người dân La Mát đang hàng ngày sống chung với khói bụi và tiếng ồn.
Anh Vinh, một người dân địa phương gặp trên đường, khi được hỏi đến đã chia sẻ: “Tính sơ sơ thì hình như hơn… chục doanh nghiệp khai thác đá, kèm thêm mấy nhà máy xi măng, và mấy bãi rác thải tràn lan trên núi. Gió thổi xuống thì y như rằng lãnh đủ. Dân muốn chuyển đi thì không có tiền, mà cũng không biết chuyển đi đâu, ở lại thì kêu trời không thấu…”.
La Mát được dân địa phương gọi là "làng khói bụi"
Chúng tôi tiến vào thị trấn và quan sát. Chỉ ít phút, đã đếm được cả trăm lượt xe nối đuôi nhau rầm rập chạy qua con đường trước mặt, kéo theo những vệt bụi trắng xóa. Ở đây toàn xe tải, chở vật liệu rời, hầu hết đã được cơi nới, quá khổ quá tải, khiến tuyến đường này đầy những ổ voi ổ trâu.
Hai bên đường, cây cối trắng bệch không còn màu xanh, nhà cũng trắng xóa. Và ngôi nhà nào cũng thấy có mấy lớp cửa kính đóng kín mít. Không hàng quán, không cảnh trẻ con vui đùa, không cảnh những người già ngồi nói chuyện phiếm trước cửa. Chúng tôi có cảm giác cứ như là một thị trấn bỏ hoang.
Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà đã khóa kín 3 lớp cửa, ông Trần Văn Thức, trưởng thôn La Mát vẫn luôn cảm thấy tiếc nuối về một thời mà cái thôn này đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc. Dãy núi đá vôi xanh biếc bao quanh thôn từ xưa như một bức tường thành tự nhiên, bảo vệ dân làng. Thế nhưng, từ khi phong trào khai thác đá rầm rộ diễn ra, bức tường đó cứ dần hạ độ cao và biến mất. Và sau mỗi năm, công cuộc tàn sát núi diễn ra với tốc độ ngày một nhanh hơn.
Ngôi nhà của trưởng thôn nằm ngay mặt đường chính dẫn vào mỏ đá. Cứ tưởng như đất mặt tiền là nơi “xắt ” ra vàng, nhưng với ông Thức thì đó là cả một sự tra tấn ròng rã. Ngôi nhà đóng im ỉm với 3 lớp cửa cũng không ăn thua. Lúc mới vào, bà vợ vội vơ lấy cái giẻ lau chùi bộ bàn ghế đã bạc trắng. Ông Thức cho biết, cứ tầm 2 tiếng lại phải lau chùi một lần. Nhưng vẫn không xuể, đâm ra người nhà chán nản chỉ lau mỗi bàn ghế mỗi khi khách đến, những vật dụng khác ít dùng đến, đôi lúc đành phó mặc.
Trưởng thôn Trần Văn Thức
Như để chứng minh sự thực về “làng khói bụi”, ông Thức dẫn chúng tôi tiếp tục đi tham quan ngôi nhà. Lên tầng 2, vào căn phòng tối om và bật đèn, chỉ vào cái màn loang lổ, đụng tay vào là bụi bay tứ tán, ông bảo đó là… chỗ ngủ của con trai.
Tiếp trên sân thượng, sau khi dỡ mấy tấm tôn chỗ cái ụ xuống, tôi mới biết đó là bể nước sinh hoạt của gia đình. Rồi ông Thức lấy cái que chọc xuống, dễ thấy dưới đáy là một lớp bùn đọng lại cỡ gang tay. Trưởng thôn bảo rằng, trước vẫn hay thường xuyên dọn bể, nhưng dọn hôm nay thì ngày mai cặn đã đóng lớp dày đặc, không ăn thua. Hết cách, cả gia đình đành… mặc kệ.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi lau chùi, tất cả lại trắng xóa
Tuy nhiên, như gia đình trưởng thôn còn đỡ, vì toàn người lớn cả. Ở gần đấy, có gia đình chị Nguyễn Thị T mới gọi là thảm họa. Nhà chị cũng nằm trên con đường chính dẫn vào mỏ đá. Chuyện là, chị T mới sinh con nhỏ, suốt ngày phải bế cháu ngồi trong gian buồng, đóng mấy lớp cửa, rồi buông màn, tối như hũ nút, vẫn có cảm giác không ăn thua. Có đôi lúc, chị chỉ muốn bế con ra ngoài hưởng tý ánh sáng mặt trời cũng đành chịu. Vì cháu nhỏ sẽ không chịu nổi sự ô nhiễm của khói bụi.
Một góc La Mát
Giữa đêm, tiếng nổ rầm rầm của mìn phá đá trên đỉnh núi, vang cả một góc trời, kéo dài như máy bay B52 rải bom, khiến con chị khóc ré lên. Nhiều khi nó khóc nguyên cả đêm. Dỗ dành được bé nín khóc thì mắt chị cũng thâm quầng phờ phạc.
Khi được hỏi đến, chị T lắc đầu ngán ngẩm: “Chồng tôi làm công nhân mỏ đá, nhà thì không có điều kiện, chuyển đi thì biết sống ở đâu và làm gì để sinh sống bây giờ? Mà sống ở làng thì khổ lắm”.
Đó cũng là thực tế chung ở La Mát. Những gia đình có điều kiện hoặc người thân ở chỗ khác thì cho trẻ nhỏ đi sơ tán. Những gia đình còn lại, một là đóng cửa ở nguyên trong nhà, 2 là cho các cháu vào hết làng trong, nơi càng xa chân núi càng tốt. Bởi chỉ cần cho ra ngoài đường chơi ít phút, đầu tóc sẽ bạc phếch, bố mẹ giặt đồ không xuể.
Trường mầm non thị trấn cũng được đặt ở vị trí khá xa so với mấy mỏ đá. Thời điểm chúng tôi đi qua, mấy dãy phòng học đều đóng cửa im ỉm. Gần đó là một sân chơi khá rộng với nhiều trò chơi thú vị cho trẻ nhỏ, nhưng không thấy một bóng người.
“Đồ đạc cũng không ai dám phơi ra ngoài, vì nếu phơi thì chẳng thà đừng có giặt còn sạch hơn. Kể cả treo quần áo ở trong nhà vẫn cứ bị bụi bám vào. Mùa hè nóng còn khô được, chứ mùa đông thì khổ lắm nhà báo à”, một người dân La Mát cho biết.
Còn tiếp…
Tác giả bài viết: Lê Văn Lĩnh
Nguồn tin: