LTS: Thời gian gần đây những phản ứng của giáo viên và xã hội trước lệnh cấm dạy thêm của TP.Hồ Chí Minh đã cho thấy vấn đề dạy thêm, học thêm đang diễn biến rất phức tạp, đi vào từng ngõ ngách của trường học ở nhiều nơi.
Hôm nay, trong bài viết này, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vương nêu lên ý kiến của mình về “nạn” dạy thêm, học thêm hiện nay ở nước ta.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Cho tới nay chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào cho dù là ở quy mô nhỏ về dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận của giáo viên đối với việc cấm dạy thêm.
Nhưng khi nhìn vào những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và phản ứng của dư luận về nội dung này cho thấy có 3 xu hướng chính: phản đối, đồng ý và lưỡng lự (hoặc không có ý kiến).
Đáng chú ý, trong số những ý kiến gay gắt nhất phản đối lệnh cấm dạy thêm có cả xuất phát từ phía giáo viên, thậm chí từ phía hiệu trưởng.
Việc phản ứng này rất dễ hiểu vì dạy thêm vốn đã tồn tại trong một thời gian dài đến độ trở thành phổ biến và đối tượng tác động chính của lệnh cấm là giáo viên.
Vậy những giáo viên phản đối lệnh cấm dạy thêm căn cứ trên những cơ sở nào?
Tôi xin được tóm lược thành 3 luận điểm chính sau:
Thứ nhất, luận điểm cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu xuất phát từ chính các phụ huynh và các em học sinh. Nhà trường và giáo viên tổ chức dạy thêm là đáp ứng nhu cầu chính đáng của chính các phụ huynh.
Thứ hai, luận điểm cho rằng “bác sĩ mở được phòng khám tại sao giáo viên không thể dạy thêm?”
Thứ ba, luận điểm “lương giáo viên quá thấp và dạy thêm cũng là lao động nên không thể cấm giáo viên dạy thêm”.
Cả ba luận điểm trên trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đều có lý do rất thực tế.
“Môn chính” dạy thêm vì lương thấp, vậy “môn phụ” sống ra sao? (Ảnh: hanoimoi.com.vn)
Ở luận điểm thứ nhất, quả thật có không ít phụ huynh muốn cho con học thêm. Quan niệm coi giáo dục là truyền đạt kiến thức và mục tiêu học tập là thi đỗ vào các trường “điểm”, trường đại học danh tiếng, đạt được các danh hiệu đã cuốn các gia đình vào một cuộc đua tranh bất tận.
Đằng sau cuộc đua đó là nỗi ám ảnh về mục tiêu thực sự của giáo dục. Phụ huynh hoang mang khi tự mình trả lời câu hỏi “giáo dục để làm gì?”.
Khi không tự tin với câu trả lời tự mình đưa ra, họ sẽ phải nhìn ra xung quanh để rồi bị cuốn theo người khác. Cứ thế, người nọ nhìn người kia tạo ra một hiệu ứng đám đông không có điểm dừng.
Tuy nhiên, nếu như có phụ huynh muốn con được học thêm thì cũng sẽ có không ít phụ huynh không thích hoặc phản đối chuyện dạy thêm.
Những phụ huynh này hoặc là đã trả lời thỏa đáng được câu hỏi “giáo dục để làm gì?” nên thấy việc học thêm là không quá cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn phải cho con đi học thêm vì sợ con không theo kịp bạn bè hoặc sợ con bị đối xử không công bằng.
Chính vì thế mà để có được những tờ đơn đề nghị, đồng ý cho giáo viên dạy thêm không phải là điều quá khó khăn.
Thực tế này làm cho luận điểm “dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của chính phụ huynh” trở nên lung lay.
Luận điểm “bác sĩ mở được phòng khám thì giáo viên cũng có thể dạy thêm” cũng nói lên một thực tế khác.
Không quá khó khăn để nhận ra rất nhiều bác sĩ, thậm chí là lãnh đạo các bệnh viện làm việc hoặc sở hữu phòng khám riêng. Thu nhập từ đây trong nhiều trường hợp còn lớn hơn rất nhiều lần so với thu nhập chính thống từ đồng lương.
Cũng giống như hiện tượng giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình ở trường, các bác sĩ nói trên cũng sẽ khám chữa cho chính những bệnh nhân đã tìm đến bệnh viện nơi họ đang làm việc.
Hệ lụy của việc này là dễ làm nảy sinh sự “hủ bại” khi có những giáo viên dành tâm trí cho việc dạy thêm hơn là đầu tư cho bài giảng trên lớp.
Các bác sĩ cũng rất dễ sa vào vũng lầy tương tự khi dùng vị trí ở bệnh viện để “chiêu mộ” bệnh nhân đến phòng khám.
Kết quả là bản chất “công cộng” của bệnh viện và trường học không còn và sự tôn nghiêm của nghề nghiệp biến mất.
Tất nhiên, câu hỏi của giáo viên đặt ra cũng rất chính đáng? Tại sao bác sĩ có thể “chân trong chân ngoài” mà giáo viên lại không được phép dạy thêm?
Nhìn rộng ra có rất nhiều nghề khác cũng đang diễn ra cảnh tượng này với vô vàn các “chiêu thức” dùng vị trí công để tư lợi.
Việc chấp nhận luận điểm dùng vị trí công để phục vụ mục đích tư đồng nghĩa với việc chấp nhận cái vòng luẩn quẩn đầy nghiệp chướng. Sẽ không bao giờ có xã hội công bằng và an toàn khi cái vòng luẩn quẩn đó còn tồn tại.
Luận điểm cuối cùng, “lương giáo viên thấp nên giáo viên cần phải dạy thêm” giống như một tiếng kêu ai oán vừa giận vừa thương.
Không sống được bằng lương là một bi kịch lớn. Cuộc sống với cơm áo gạo tiền và đủ nỗi lo toan, trách nhiệm luôn mạnh hơn cả ngàn lần những lời động viên hay khẩu hiệu kêu gọi “cống hiến”, “hi sinh” sáo rỗng và đượm sắc màu đạo đức giả.
Khi đói, như một phản xạ tự nhiên, người ta sẽ nghĩ đến việc kiếm tiền. Dạy thêm là một cách tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, nếu chính đáng hóa tư duy “lương thấp nên phải được dạy thêm” sẽ tạo ra nhiều mâu thuẫn.
Nếu chấp nhận nó đồng nghĩa với việc các giáo viên sẽ phải chấp nhận nhiều mệnh đề khác gắn với hệ lụy đã chỉ ra ở trên khi các vị trí công bị lợi dụng và dùng cho mục đích tư lợi.
Xã hội sẽ ra sao khi tất cả các công chức dùng lý do “lương thấp” để biện minh cho hành vi trục lợi của bản thân dưới mĩ từ “làm dịch vụ”?
Liệu chúng ta có yên tâm và sống hạnh phúc trong tình trạng ấy?
Và nữa, trên thực tế việc dạy thêm ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở những “môn chính” như Toán, Tiếng Việt (Văn), Ngoại ngữ, Lý, Hóa….
Nếu các giáo viên dạy những môn này lấy lý do lương thấp để chống lệnh cấm dạy thêm thì sẽ biện minh như thế nào cho đồng lương còm cõi của những giáo viên dạy các “môn phụ” trong trường như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…?
Trên thực tế dạy thêm trong nhiều năm qua đã tạo ra một sự mặc cảm giữa những viên “không thể dạy thêm” và những giáo viên có dạy thêm.
Sự phân chia thành “đội thắng” và “đội thua” này làm cho mối quan hệ hợp tác về nghề nghiệp - thứ không thể thiếu của giáo dục trường học ở Việt Nam, vốn đã yếu ngày càng yếu hơn.
Mặt khác, “dạy thêm” về bản chất chủ yếu là việc ôn tập tri thức và luyện thi cho nên nó sẽ không giúp giáo viên phát triển sâu trình độ nghề nghiệp như nhiều giáo viên tưởng.
Thậm chí việc duy trì lâu dài lối dạy học kiểu luyện thi còn phá hỏng cả tư duy của giáo viên. Giáo dục khi được hiểu đơn giản chỉ là luyện thi và thi đỗ sẽ là một thảm họa.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Vương