Sherry Ross, bác sĩ phụ khoa, chuyên gia về sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Y tế Providence Saint John's (Santa Monica - Mỹ), cho biết: "Học cách nhận biết các khối u ở ngực và những biểu hiện nào là bình thường sẽ giúp bạn biết được khi có gì đó bất thường xảy ra".
1. Mô ngực dày
Về mặt giải phẫu, hai bầu ngực được tạo thành bởi sự kết hợp giữa mô mỡ và mô liên kết. Những phụ nữ mô ngực dày có nhiều mô liên kết hơn và ít mô mỡ hơn. Độ dày ngực thực sự chỉ cách thức ngực hiển thị qua chụp quang tuyến vú (mammogram). Do đó, người có mô ngực dày có thể cảm thấy như ngực xuất hiện u cục - theo giải thích của bác sĩ Parvin F. Peddi, chuyên gia về ung thư và huyết học tại UCLA.
Nghiên cứu của Trung tâm Y khoa - Đại học Rochester cho thấy, 2/3 phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và 1/4 phụ nữ ở giai đoạn hậu mãn kinh có mô ngực dày. Với chụp quang tuyến vú truyền thống, khó để xác định mô ngực dày có phải là ung thư không.
Bác sĩ Peddi cho biết: "Điều quan trọng cần nhận biết là khối u đó mới có, đã có từ lâu hay đang biến đổi. Tốt nhất chị em nên thường xuyên tự khám ngực cho mình để có cảm nhận rõ rệt về từng bên ngực".
2. U xơ tuyến vú
Một trong những thủ phạm gây u ngực thường gặp nhất là u xơ tuyến vú. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), u xơ tuyến vú là loại u lành (không gây ung thư) được tạo nên bởi cả mô ngực liên kết và mô tuyến vốn rất phổ biến ở phụ nữ độ tuổi 20 và 30. U xơ tuyến vú có thể rất khác nhau về kích cỡ - từ chỗ rất nhỏ, chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi tới lớn như một trái mơ. Nó thường được mô tả là một khối rắn, nhẵn mịn hoặc tạo cảm giác giống cao su và có hình thù nhất định, như một viên sỏi vậy.
Dù không gây hại gì, nhưng nếu bạn có nhiều dạng u xơ tuyến vú hoặc chúng tiếp tục tăng lên về kích cỡ, hình dáng khuôn ngực bạn có thể bắt đầu thay đổi và bác sĩ sẽ gợi ý bạn cắt bỏ khối u đó.
3. U nang vú
Những thay đổi của mô ngực do chứng xơ hoá và/hoặc u nàng cũng là kiểu thường gặp ở phụ nữ và không phải ác tính. Theo bác sĩ Ross: “Thay đổi ở ngực do chứng xơ hoá xuất hiện ở khoảng 60% phụ nữ. Bạn có thể nhận thấy chúng rất nhiều lần ở nơi mà chiếc áo lót có gọng của bạn đâm vào”. Chứng xơ hoá là tên gọi được đặt cho một nhóm dày đặc các mô có xơ - loại mô tương tự dây chằng và mô sẹo. Khu vực bị xơ hoá có thể tạo cảm giác mềm như cao su, chắc hoặc rắn khi chạm vào.
Trong khi đó, u nang tròn, có thể dịch chuyển, là một túi chứa dịch thường gặp nhất ở phụ nữ độ tuổi 40. Xơ nang và u nang vú có thể lớn hơn và trở nên mềm hơn khi gần tới chu kỳ kinh nguyệt nhưng chúng nguyệt san không phải là nguyên nhân gây ra chúng. Theo bác sĩ Ross, “Xơ nang và u nang có thể trở nên tệ hơn vào giai đoạn kinh nguyệt và sau đó, tình hình sẽ được cải thiện. Nhưng chúng không hề mất đi. Có thể thấy được chúng qua siêu âm”. Thật may mắn, xơ nang và u nang đều lành tính và có thể được điều trị bằng cách hạn chế lượng caffeine và nicotine hấp thụ vào người – đây là 2 nguyên nhân phổ biến kích thích xơ nang và u nang.
4. Cục máu đông
Dù rất hiếm gặp nhưng một khối u trong ngực cũng có thể do bệnh Mondor’s gây ra. Bác sĩ y khoa Nesochi Okeke-Igbokwe thuộc Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York giải thích: “Hiện tượng này là kết quả của bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối nông (chính là cục máu đông nằm trong tĩnh mạch ngay bên dưới da) đã tác động tới vùng ngực. Khi đó, khối u sẽ tạo cảm giác cứng như sợi dây và có thể gây đau”.
Triệu chứng hiếm gặp này có thể ảnh hưởng tới bất cứ tĩnh mạch nào ở vùng ngực, nó lại thường tác động nhiều nhất tới tĩnh mạch ở phía ngoài hay ngay bên dưới núm vú. Tổn thương ở ngực, tập luyện cường độ quá mạnh hay mặc áo lót quá chật cũng có thể gây ra cục máu đông. Tin tốt là cục máu đông dạng này sẽ thường tự tan đi.
5. Bạn đang trong kỳ nguyệt san
Những thay đổi về hormone trong kỳ “đèn đỏ” có thể làm gia tăng hiện trạng của các mô ngực - bản thân nguyệt san cũng khiến ngực sưng lên và khiến bạn có cảm giác… khang khác. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, cảm thấy u, cục ở ngực trong chu kỳ kinh nguyệt là bình thường do lượng dịch bổ sung về ngực dưới tác động của hormone. Chúng sẽ biến mất khi nguyệt san kết thúc.
Lưu ý:
Điều quan trọng là hiểu rõ về ngực của bạn. Học cách tự kiểm tra ngực một cách phù hợp. Kiểm tra ngực mỗi tháng sau chu kỳ kinh nguyệt để tránh những thay đổi về hormone trong kỳ kinh ảnh hưởng tới mô ngực. Và nếu có bất cứ lo ngại nào, đừng ngần ngại lên lịch hẹn với bác sĩ.
Dù có rất nhiều u, cục ở ngực là lành tính, nhưng theo số liệu thống kê, trong năm 2016, đã có hơn 300.000 trường hợp bị ung thư vú mắc mới được chẩn đoán. Bác sĩ Peddi nhấn mạnh: “Hãy lập tức đi khám nếu bạn nhận thấy một u cục mới xuất hiện ở ngực, bất kể bạn bao nhiêu tuổi. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm sẽ rất dễ điều trị”.
Tác giả bài viết: H.Nguyễn
Nguồn tin: