Kinh tế

Tương lai bấp bênh của 'thành phố đồ lót'

Một thành phố ở Trung Quốc sản xuất tới 350 triệu áo lót mỗi năm, nhưng chi phí nhân công tăng cùng sự cạnh tranh từ nước khác khiến tương lai thành phố trở nên khó lường.

Một đống áo lót “đứng” bên cạnh mỗi công nhân trong nhà máy đồ lót Honji ở Gurao, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Những âm thanh “lách cách” vang lên suốt ngày trong nhà máy khi công nhân thực hiện một công việc lặp đi lặp lại trước khi chuyển sản phẩm sang người tiếp theo trong dây chuyền sản xuất, Economist mô tả.

Phần lớn trong số 22.000 áo lót mà nhà máy sản xuất mỗi ngày sẽ tới các cửa hàng trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Trong “thành phố đồ lót” này, theo cách gọi của giới truyền thông địa phương, hàng nghìn nhà máy tương tự đang hoạt động. Gurao sản xuất 350 triệu áo lót, 430 triệu áo vest và giày êm mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước lẫn nước ngoài. Đồ lót chiếm tới 80% tổng sản lượng công nghiệp của Gurao.

Ở mọi nơi tại Gurao, vô số biển quảng cáo “trưng bày” những phụ nữ - thường là người nước ngoài – với bộ ngực lớn và quảng cáo những áo lót mang tới sự thịnh vượng cho thành phố. Nhưng nhiều người ở Gurao và các cụm nhà máy sản xuất áo lót xung quanh Shantou, một thành phố ven biển, lại lo lắng về tương lai. Chi phí sản xuất đang tăng, nhưng khách hàng không chấp nhận mức giá cao hơn, theo ông June Liu, giám đốc nhà máy đồ lót và đồ bơi Pengsheng. Năm ngoái nhiều chủ nhà máy đã rời khỏi Gurao, để lại những khoản nợ và lương chưa thanh toán. Một số doanh nhân cũng đóng cửa hàng tại Chendian, một thành phố chuyên sản xuất đồ lót gần đó.

Thời hoàng kim và cái giá về môi trường

Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh suốt 3 thập niên, những thành phố chỉ phục vụ một ngành công nghiệp như Gurao và Chendian mọc lên dọc theo vùng duyên hải phía đông Trung Quốc. Các nhà máy thường xuất hiện ở nơi từng là ruộng lúa. Với nguồn vốn đầu tư từ Hong Kong và Đài Loan, dòng người lao động di cư từ những vùng nằm sâu trong đại lục đổ về đây, tạo nên sự bùng nổ hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc có hơn 500 thành phố như thế. Mặt hàng chủ đạo ở mỗi thành phố là cúc, cà vạt, giày nhựa, lốp xe hơi, đồ chơi, đồ trang trí Giáng sinh và bồn cầu.

Nhiều hãng sản xuất đồ lót đã rút khỏi thành phố Gurao do hoạt động kinh doanh không thuận lợi như trước. Ảnh: wd.com.


Gurao là một trong những trung tâm biến Trung Quốc thành nước sản xuất đồ lót lớn nhất thế giới. Theo số liệu của hãng tư vấn Frost & Sullivan, quốc gia đông dân nhất thế giới sản xuất 2,9 tỷ áo lót trong năm 2014, chiếm 60% tổng sản lượng thế giới. Trong nhiều ngành công nghiệp, những cụm doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng ở cùng một nơi tạo ra những nguồn cung cấp hàng hóa và công nhân khổng lồ. Những thành phố như Gurao cung cấp tới 63% sản lượng giày của thế giới, 70% kính mắt và 90% đèn bàn tiết kiệm điện.

Mọi sự tăng trưởng đều diễn ra cùng với tổn thất môi trường. Vào năm 2010, tổ chức Greenpeace cảnh báo rằng các nhà máy nhuộm vải ở Gurao đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, khiến nước không còn an toàn để uống. Song những nhà sản xuất đồ lót ở Gurao lo ngại về sự cạnh tranh bên ngoài hơn những tổ chức bảo vệ môi trường từ ngoại quốc.

Tương lai bấp bênh

Hàng tiêu dùng Trung Quốc chiếm thị phần lớn trên các thị trường thế giới nhờ giá rẻ. Song lợi thế đó đang giảm dần. Từ năm 2001, lương công nhân tăng 12% mỗi năm. Thái Lan và Việt Nam, nơi giá nhân công rẻ hơn và thuế thấp hơn, giờ đây sản xuất đồ lót cho các thương hiệu tầm cỡ toàn cầu như Victoria’s Secret và La Senza. Regina Miracle, tập đoàn đồ lót lớn nhất Trung Quốc, sẽ mở hai nhà máy ở Việt Nam trong năm nay. Đây là hai nhà máy đầu tiên của họ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Họ sẽ xây thêm hai nhà máy nữa vào năm 2018. Campuchia và Myanmar cũng lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp. Wacoal, một hãng đồ lót Nhật Bản, xây một số nhà máy ở Việt Nam, Campuchia vào năm 2013 và một nhà máy ở Myanmar vào năm ngoái.

Đương nhiên Gurao vẫn có vài lợi thế, như chuỗi cung ứng hoàn hảo. Nhiều nhà máy ở đây sản xuất sản phẩm phụ trợ của đồ lót như vải nhuộm, đăng ten. Mọi dạng đai lưng co giãn dành cho quần soóc của võ sĩ quyền Anh cũng được sản xuất tại đây. Doanh nghiệp ở Gurao cũng không phải thực thi nghiêm chỉnh luật bảo hộ nhãn hiệu. Vì thế, họ có thể sản xuất những loại hàng “nhái” các thương hiệu nổi tiếng.

Giới chức Gurao khẳng định thành phố có thể vượt qua cơn bĩ cực bằng cách nâng cấp hạ tầng công nghệ và sử dụng máy móc để thay công nhân. Song có lẽ thu hút vốn và nhân tài để thay đổi Gurao sẽ là việc rất khó.

Ngay cả những hãng sản xuất đồ lót lớn nhất Trung Quốc cũng không thể ký hợp đồng dài hạn với khách hàng. Vì thế họ không dám đầu tư quá nhiều vào nghiên cứu và công nghệ. Một số nhà máy ở Gurao đang nâng cấp thiết bị, song phần lớn nhà máy vẫn duy trì công nghệ cũ và sử dụng nhiều sức lao động của con người.

Vì doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số, những thành phố như Gurao sẽ linh hoạt hơn trong việc thích nghi với những biến động của thị trường so với các thành phố sản xuất thép và than đá – nơi tổng cộng 1,8 triệu người có thể mất việc trong vài năm tới. Năm 2013, người lao động nhập cư chiếm gần một nửa dân số 161.000 người ở Gurao. Nhiều người trong số họ có trình độ chuyên môn thấp, nhảy việc nhiều lần nhưng vẫn chỉ khâu một bộ phận duy nhất trên áo lót. Phần lớn họ chưa tốt nghiệp phổ thông trung học nên không phải là đối tượng thích hợp để học nghề dịch vụ.

Một số thành phố chỉ sản xuất một mặt hàng ở Trung Quốc đang lụi tàn dần, để lại nhiều nhà máy hoang tàn và đất ô nhiễm. Gurao và những thành phố giống như nó đã tạo ra lượng của cải khổng lồ ở những vùng từng rất nghèo đói. Nhưng để tồn tại trong tương lai, họ sẽ phải hướng tới những mục tiêu cao hơn và bền vững hơn.

Tác giả bài viết: Quân Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP