Pháp luật

Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết vụ việc dân sự

Là địa bàn phụ cận với Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc có sự giao thoa về kinh tế - xã hội nên các tranh chấp dân sự có chiều hướng tăng và diễn biến khá phức tạp, mang đầy đủ đặc điểm của tranh chấp dân sự ở những đô thị lớn. Xác định được nhiệm vụ đó, trong những năm qua, Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc Dân sự, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Ngay từ đầu năm, Tòa án nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và tổ chức phát động thi đua trong từng cán bộ, công chức. Hàng tháng tòa án đã xây dựng lịch xét xử các vụ án dân sự xen kẽ với các loại án khác nên đảm bảo thời hạn tố tụng theo quy định của pháp luật. Các bản án được ban hành khách quan, đúng quy định, không có án bị cấp trên hủy hoặc sửa nghiêm trọng và cơ bản nhận được sự đồng thuận của người dân.

Quy trình thực hiện các hoạt động tố tụng được Tòa án tiến hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, bổ sung, phân loại đơn được thực hiện một cách khoa học. Đồng chí Cao Khắc Chiến – Huyện ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện cho biết: “Văn phòng tiếp dân của Toà án có nhiệm vụ tiếp nhận tất cả các đơn từ của người dân với 2 cán bộ văn phòng thực hiện công việc liên tục 5 ngày/tuần. Theo quy chế hoạt động của đơn vị, một đồng chí phó chánh án được giao phụ trách việc thụ lý và phân công vụ/việc dân sự cho các thẩm phán giải quyết. Do vậy, việc khởi kiện tại Toà án được đảm bảo thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp”. Năm 2016, Toà án đã thụ lý 32 vụ án và 06 việc dân sự các loại; đã giải quyết được 32 vụ án và 05 việc dân sự; đạt tỷ lệ 97,36% (so với năm 2015 thụ lý giảm 8 vụ/việc; tỷ lệ giải quyết tăng 4%). Trong các vụ án dân sự đã hoà giải thành và công nhận sự thoả thuận của các đương sự có 07 vụ; đình chỉ vụ án 16 vụ; đưa ra xét xử và ban hành bản án 05 vụ; chuyển cho Toà án khác giải quyết theo thẩm quyền 02 vụ và tạm đình chỉ 02 vụ. Đối với các việc dân sự, đã ra 2 Quyết định tuyên bố người bị mất tích; ra 3 Quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.

Quá trình xây dựng hồ sơ, Tòa án luôn chú trọng nguyên tắc hòa giải bởi đây là biện pháp thu thập chứng cứ có tính chất mềm dẻo và linh hoạt nhất khi tiến hành tố tụng. Thông qua công tác hòa giải, thẩm phán nắm bắt chính xác được tâm tư nguyện vọng của đương sự đồng thời đối chiếu các quy định pháp luật để tìm cách phân tích, lý giải và hướng dẫn đương sự tìm ra phương án tối ưu hóa giải tranh chấp. Vì vậy, tỷ lệ hòa giải thành của án dân sự đạt mức cao: Năm 2016 hòa giải thành để ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự 07 vụ, đình chỉ vụ án 16 vụ (do các đương sự thỏa thuận rút đơn để tự giải quyết), chiếm tỷ lệ 72%.

Bên cạnh đó, các vị hội thẩm nhân dân cũng phát huy vai trò tích cực khi tham gia nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu quy định của pháp luật, đánh giá chứng cứ trước và trong khi xét xử án dân sự, góp phần ban hành bản án đúng pháp luật, đảm bảo yên dân. Sự phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác cũng như chính quyền địa phương cơ bản nhuần nhuyễn và đảm bảo các quyền của người tham gia tố tụng trong quá trình tranh tụng công khai. Từ đó, chất lượng xét xử được nâng lên, không có đơn thư khiếu nại về tư pháp. Nhiều năm liền, Tòa án nhân dân huyện được Hội đồng thi đua Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An xếp loại Xuất sắc.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân huyện vẫn còn một số hạn chế nhất định như: việc nghiên cứu, xử lý một số đơn khởi kiện trước khi thụ lý vụ án còn quá thời hạn luật định; tiến độ giải quyết một số vụ án dân sự vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; còn để xảy ra một số sai sót trong quá trình giải quyết án dẫn đến một số vụ án bị cấp phúc thẩm sửa một phần do lỗi chủ quan của thẩm phán hoặc bị kiến nghị vi phạm. Ngoài ra, Tòa án huyện vẫn chưa tổ chức đưa ra xét xử lưu động được đối với các vụ án dân sự; việc phối hợp với một số ngành, đơn vị có liên quan trong việc định giá, thẩm định tài sản có lúc còn thiếu chặt chẽ; vẫn chưa khắc phục triệt để việc chậm chuyển giao một số văn bản tố tụng so với thời gian quy định.

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của Tòa án nói chung, giải quyết các vụ việc dân sự trong tình hình các tranh chấp dân sự có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện, đồng chí Cao Khắc Chiến - Chánh án Tòa án huyện cho biết: Tòa án nhân dân huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; chỉ đạo nâng cao chất lượng thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án; đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, không để xảy ra tình trạng án quá hạn luật định, tăng cường công tác tiếp dân, công tác phối hợp với các phòng, ngành chức năng và xem xét đưa ra xét xử lưu động một số vụ án trên địa bàn. Rèn luyện đội ngũ cán bộ Tòa án cả về chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp theo lời Bác dạy: “Phụng công, thụ pháp, chí công, vô tư” để xây dựng Tòa án nhân dân huyện trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Nam (Ban Pháp chế - HĐND huyện)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP