Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nơi nhiều sinh viên sau hơn 2 năm tốt nghiệp vẫn chưa lấy được bằng. Ảnh: X.Thắng
Vác bụng bầu đi đòi bằng tốt nghiệp đại học
Ngày mới nhập học Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (sau đây viết tắt là Trường ĐHKD&CN Hà Nội), chị Lê Thị Hoa (SN 1989, quê ở Thanh Hóa) không thể hình dung ra sự khó khăn để được sở hữu một tấm bằng đại học. Như bao sinh viên khác, ngày tốt nghiệp chị cũng khấp khởi mừng vì sắp được nhận tấm bằng đại học - niềm mơ ước bấy lâu. Vậy nhưng, càng chờ chị Hoa càng thất vọng.
Theo chị Hoa, sau khi hoàn tất chương trình THPT, chị vào TPHCM theo học một trường trung cấp. Sau khi tốt nghiệp, chị Hoa ra Hà Nội xin việc làm. Với mong muốn có tấm bằng đại học để tiếp cận một công việc tốt hơn, chị Hoa tiếp tục đăng kí học hệ liên thông Khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐHKD&CN Hà Nội). Ngày 1/6/2014, chị Hoa hoàn tất lễ bảo vệ đề tài tốt nghiệp. Sau đó, theo hướng dẫn của nhà trường, chị Hoa phải viết đơn đăng kí nhận bằng tốt nghiệp. Trong thời gian chờ nhận tấm bằng đại học, chị Hoa trở về quê phụ giúp bố mẹ công việc gia đình.
Vài tháng sau vẫn không thấy trường Đại học thông báo việc nhận bằng tốt nghiệp, chị Hoa sốt ruột gọi điện hỏi thì nhận được câu trả lời từ cán bộ nhà trường là: “Bằng tốt nghiệp vẫn chưa có. Khi nào có sẽ thông báo”. Theo lời chị Hoa, điệp khúc trên cứ lặp đi lặp lại. Chị Hoa cho biết, đã nhiều lần chị phải vác bụng bầu, bắt xe khách từ Thanh Hóa ra Hà Nội nhưng vẫn chưa được nhà trường trả bằng.
Được biết, gia đình chị Hoa có hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn. Thời gian theo học hệ liên thông tại Trường ĐHKD&CN Hà Nội, chị Hoa đã phải dùng hết số tiền tiết kiệm trước đó. Thậm chí, có thời điểm chị còn nhờ bố mẹ ở quê vay tiền ngân hàng để có thể tiếp tục theo học. Bao nhiêu cố gắng là vậy nhưng cho tới nay, sau hơn 2 năm ra trường, chị Hoa chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Số tiền gia đình vay ngân hàng cho chị Hoa học đến giờ vẫn trả chưa xong. “Bây giờ vướng con nhỏ, công việc gia đình lại lu bu nên tôi cũng không có nhiều thời gian để ra Hà Nội hỏi về tấm bằng tốt nghiệp của mình nữa, đành phải phó mặc đến khi nào nhà trường gọi thì ra lấy vậy. Tôi không hiểu sao nhà trường giữ bằng của sinh viên lâu như vậy? Nhà trường chậm trả bằng tốt nghiệp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hiện tại của tôi”, chị Hoa bức xúc.
Một trường hợp khác có chung hoàn cảnh là anh Nguyễn Đình Lễ (SN 1981, quê ở Nghệ An, sinh viên cùng lớp với chị Hoa). Chia sẻ với PV, anh Lễ cho biết: “Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tìm tới trường để hỏi về tấm bằng tốt nghiệp nữa, nhưng kết quả nhận được chỉ là những lời hứa. Hơn 2 năm sau khi ra trường, tôi vẫn chưa có bằng tốt nghiệp. Tôi làm ăn ở Hà Nội nên việc đi lại còn thuận lợi, chứ những bạn khác quê xa, việc đi đòi bằng tốt nghiệp khá tốn kém, mất thời gian và công sức. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nguyên nhân tại sao mình bị giữ bằng tốt nghiệp?”.
Cứ có tiền sẽ có bằng?
Cuộc mặc cả giữa phóng viên và “cò” (ảnh cắt từ clip).
Trong câu chuyện với PV, anh Lễ cho biết thêm, sau hành trình dài mệt mỏi đi đòi bằng tốt nghiệp đại học không được, anh được một số người bạn cho biết có quen “cò” chuyên lấy bằng tốt nghiệp cho sinh viên của Trường ĐHKD&CN Hà Nội. Vấn đề nằm ở chỗ, anh Lễ phải mất tiền(?!). Khi hỏi cần phải bỏ bao nhiều tiền để lấy được bằng thì anh Lễ được “cò” thông báo chuẩn bị số tiền 3,5 triệu đồng.
Anh Lễ bức xúc: “Chúng tôi đã hoàn thành chương trình học, đáng lẽ ra phải được nhận bằng tốt nghiệp thì nay lại phải bỏ ra một khoản tiền để được nhận nó là điều vô lý. Do không chấp nhận bất công này nên tôi cương quyết không bỏ tiền nhờ “cò”. Tôi không thể hiểu nổi, tại sao nhà trường lại có kiểu làm ăn tắc trách như vậy?”.
Để kiểm chứng thông tin mà anh Lễ cung cấp, thông qua nhiều đầu mối, PV đã liên hệ với một người phụ nữ. Bà này cho biết mình tên là Nhung và khẳng định, chỉ cần có tiền thì có thể lấy được bằng tốt nghiệp đại học còn tồn đọng cho sinh viên của Trường ĐHKD&CN Hà Nội. Theo đó, bà Nhung ra giá với PV là 3,5 triệu đồng/bằng tốt nghiệp và cho biết, muốn lấy bao nhiêu bằng tốt nghiệp cũng được. Chúng tôi băn khoăn, lỡ trao tiền rồi, bằng tốt nghiệp vẫn không lấy được, người nhận tiền biến mất thì bà Nhung trấn an: “Trước mắt, chỉ cần chuyển thông tin đầy đủ về sinh viên cần lấy bằng tốt nghiệp (mã số sinh viên, lớp học, thời gian bảo vệ tốt nghiệp - PV). Khi nào nhận bằng tốt nghiệp thì đưa tiền trực tiếp cũng được”.
Cho rằng mức giá 3,5 triệu đồng/bằng là cao, sau một hồi “nâng lên, đặt xuống”, bà Nhung chốt với chúng tôi giá 3 triệu đồng/bằng tốt nghiệp. Thấy chúng tôi định tiếp tục mặc cả, bà Nhung ngắt lời: “Đây là giá cuối cùng, không thể hạ xuống được nữa. Nếu không lấy thì thôi”. Thấy bà Nhung có vẻ bực, chúng tôi xoa dịu và nói vẫn còn nhiều trường hợp cần lấy bằng tốt nghiệp của Trường ĐHKD&CN Hà Nội. Khi ấy, người phụ nữ này đon đả nói sẽ giảm giá hết mức nếu nhiều người có nhu cầu cùng một lúc.
Một trường hợp khác đã từng tiếp xúc với bà Nhung là chị P.H (trú ở Hà Nội). Theo lời kể của chị H, chị có một cô em theo học tại Trường ĐHKD&CN Hà Nội. Mặc dù đã hoàn thành tất cả các môn học, ra trường hơn một năm nhưng em chị H vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Mỗi lần đi xin việc, nhà tuyển dụng đều yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp đại học nên rất nhiều lần, gia đình chị H đến trường hỏi nhưng cán bộ nhà trường đều yêu cầu chờ vì hiện tại bằng vẫn chưa có. Lo lắng cho em gái, chị H đành phải cầu cứu các mối quan hệ tứ phương. Qua một người bạn giới thiệu, gia đình đã liên hệ với chính người phụ nữ có tên Nga có số điện thoại 0987240xxx (đây là số điện thoại của người phụ nữ xưng tên là Nhung mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên - PV). Sau khi nghe chị H trình bày, bà Nga khẳng định sẽ nhanh chóng lấy được bằng tốt nghiệp, miễn là gia đình chịu chi phí 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình mặc cả, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên chị H từ chối mọi giao dịch với người phụ nữ này.
Bận… nên không tiếp
Để làm rõ những vấn đề trên, chúng tôi đã đến Trường ĐHKD&CN Hà Nội. Trao đổi với PV, ông Trần Kim Sơn, Chánh văn phòng nhà trường cho biết: “Hiện nhà trường đã phân quyền rất rõ ràng. Về mảng đào tạo liên thông do PGS.TS Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp quản lý. PV có thể liên hệ đặt lịch làm việc với thầy Trụ để làm rõ thêm thông tin”.
Theo hướng dẫn của văn phòng nhà trường, chúng tôi tiếp tục liên lạc với PGS.TS Hà Đức Trụ qua điện thoại. Ông Phó Hiệu trưởng này hỏi lại: “Cái gì?”. Trong khi PV đang trình bày về các trường hợp sinh viên của nhà trường đã tốt nghiệp hơn 2 năm nhưng vẫn chưa lấy được bằng thì ông Trụ hỏi cắt ngang: “Sinh viên nào? Cứ gửi danh sách các sinh viên cho giáo viên chủ nhiệm lớp đó”. PV trình bày: “Được văn phòng nhà trường giới thiệu, ông là người phụ trách toàn bộ về vấn đề đào tạo liên thông nên chúng tôi đề nghị được gặp trực tiếp”. Đáp lại đề nghị của PV, ông Trụ nói rằng: “Không có thì giờ tiếp phóng viên”. Khi PV thắc mắc, tại sao ông không thể tiếp PV để làm rõ những vấn đề liên quan tới nhà trường thì vị Phó Hiệu trưởng này đáp: “Tại sao... thì đi hỏi văn phòng”, rồi tắt điện thoại. Trước cách hành xử của ông Trụ, ông Trần Kim Sơn đề nghị PV để lại giấy giới thiệu cùng câu hỏi về vấn đề cần trao đổi. Sau đó, văn phòng sẽ trực tiếp trình lên Hiệu trưởng nhà trường xem xét trả lời.
Theo tìm hiểu của PV, đã có không ít sinh viên Trường ĐHKD&CN Hà Nội sau khi tốt nghiệp mà không nhận được bằng. Quá trình nhờ “cò” lấy bằng tốt nghiệp cho sinh viên như thế nào? Có hay không một đường dây chuyên “chạy” lấy bằng tốt nghiệp cho sinh viên tại Trường ĐHKD&CN Hà Nội. Những thông tin này sẽ được chúng tôi thông tin tới bạn đọc trong số báo tới. |
Tác giả bài viết: X.Thắng - N.Văn