Câu chuyện luật hóa việc từ chức một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận, khi GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đặt vấn đề này tại nghị trường Quốc hội. Ông cho rằng, để quy định về từ chức đi vào cuộc sống, góp phần hình thành văn hóa từ chức thì bằng cách nào đó phải được luật hóa.
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội. |
PV: Trong kỳ họp thứ 7 vừa qua, ông có đề cập việc cần phải luật hóa vấn đề từ chức. Được biết đây không phải là lần đầu tiên ông đề cập nội dung này?
GS Nguyễn Anh Trí: Đúng như vậy, đây là lần thứ 3 tôi đề cập đến vấn đề từ chức của cán bộ. Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, tôi đã trao đổi với báo chí về vấn đề này bên hành lang Quốc hội. Kỳ họp thứ 6, tôi chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên liên quan đến việc chủ động từ chức khi không còn uy tín sẽ được thực hiện ra sao?
Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình năm 2019, một lần nữa tôi lại đề cập đến nội dung này. Tôi nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các vấn đề để triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Tôi phát biểu: “Các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị rất trí tuệ, đúng đắn và mang hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, để triển khai được phải có luật, phải được luật hóa”.
Ví dụ, Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương có cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã đề cập đến việc “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Những nội dung trên dù đúng nhưng để đi vào cuộc sống không phải dễ. Nguyên nhân là do chưa có luật. Do đó, để các quy định về từ chức muốn đi vào cuộc sống thì bằng cách nào đó phải được luật hóa.
Đáng chú ý, đúng thời điểm đó, xuất hiện sự việc ông Đoàn Ngọc Hải – nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM xin từ chức khi vừa được điều động làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn. Trong sự việc này, chúng ta thấy có sự dùng dằng, ngay đội ngũ lãnh đạo cũng cảm thấy lúng túng trong cách phát ngôn và xử lý. Rõ ràng có thực tiễn bị thiếu luật nên mới có tình trạng “muốn từ chức cũng không dễ”.
Nếu có luật, trong đó đã quy định từ mẫu đơn xin từ chức thế nào, cơ quan nào tiếp nhận đơn, xử lý trong bao nhiêu ngày, ai là người chịu trách nhiệm xử lý… thì khi đó việc từ chức sẽ trở nên bình thường, dư luận, báo chí cũng không phải vào cuộc. Do đó, tôi tha thiết mong Quốc hội sớm luật hóa vấn đề từ chức ở nước ta.
PV: Chuyện cán bộ từ chức ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông, nguyên nhân nào khiến quan chức nói lời từ chức khó khăn?
GS Nguyễn Anh Trí: Ở nước nào cũng vậy, chức vụ gắn liền với quyền lợi, thậm chí ở nước ta, điều này rất rõ ràng. Tiền tài gắn với địa vị nên không ai muốn từ bỏ. Thậm chí có người còn phải “đầu tư” để có được chức vụ, nếu từ bỏ thì họ sẽ bị mất mát quá nhiều. Đây là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai, rất cơ bản khác nữa, từ chức ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc chấm hết sự nghiệp chính trị của cá nhân đó. Người ta vẫn hay quan niệm cán bộ “có sai sót nên mới phải từ chức” và thường đánh đồng từ chức như là bị cách chức, bị phế truất. Chính điều này làm cho việc từ chức càng trở thành vấn đề rất nặng nề, khiến nhiều người khó nói lời từ chức, dù đôi khi có người rất muốn.
Ở một số nước trên thế giới, việc chính khách từ chức là việc rất bình thường, vì họ từ chức nhưng sự nghiệp chính trị của họ không bị chấm dứt. Một Thủ tướng cảm thấy không hợp thời, không hợp ekip, không đủ điều kiện (kiến thức, trình độ, sức khỏe, gia đình…) thì họ chủ động từ chức; nhưng sau đó, nếu có cơ hội, nếu đủ điều kiện họ sẽ quay lại ứng cử vào vị trí lãnh đạo nào đó. Đây là khác biệt rất lớn, rất đáng chú ý!
Không phải cán bộ nào cũng xấu, đa phần đều phấn đấu trong công việc, nhưng có thể khi được bổ nhiệm vào vị trí nào đó nhưng bản thân thấy không phù hợp nên họ chủ động từ chức để trao cơ hội đó cho người khác. Hay khi cảm thấy năng lực kém, sức khỏe yếu, hay ekip làm việc không thuận... cũng có thể là lý do để cán bộ từ chức. Và khi từ chức người ta vẫn mong bảo tồn cho mình các giá trị, các cơ hội để khi có điều kiện, thì họ vẫn có thể xuất hiện trở lại đảm đương một cương vị nào đó bình thường.
PV: Theo ông, đã đến lúc cần xem việc từ chức là một điều bình thường, cũng như một khâu trong quản lý lãnh đạo các cấp?
GS Nguyễn Anh Trí: Văn hóa từ chức đã rất phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là những nước phát triển. Đây là một hành vi, một cách ứng xử có văn hóa vốn đã trở thành thói quen, nếp nghĩ thường trực của con người ở những quốc gia tiến bộ.
Ví dụ, mới đây nhất, quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ do vướng lùm xùm chuyện gia đình, thấy việc này không ngang tầm với một chính khách nên ông từ chức. Hay Bộ trưởng Môi trường Mexico hôm 25/5 bất ngờ từ chức sau khi gặp làn sóng chỉ trích vì ra lệnh một chuyến bay thương mại hoãn tới 40 phút...
Ở Việt Nam thời gian qua, khách quan mà nói, không phải không có trường hợp quan chức, lãnh đạo xin từ chức. Có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, năm 2015, ông Sự xin được nghỉ hưu sớm dù vẫn còn được tín nhiệm; hay ông Đoàn Ngọc Hải ở TPHCM...và cả một số người khác mà tôi biết.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, số quan chức từ nhiệm ở nước ta vẫn còn rất ít, trong khi đó quá nhiều sự vụ gây bức xúc mà nhiều người, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị lẽ ra phải từ chức. Từ chức vốn là hành vi xuất phát từ sự chủ động, tự giác của mỗi quan chức khi có tự trọng về năng lực hay biết xấu hổ với những lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân. Nhưng vì quyền lực gắn liền với quyền lợi và từ chức là đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp chính trị, nên ít ai chịu đánh đổi. Hơn nữa, ở nước ta, người từ chức không được thoải mái và cơ quan cũng không thoải mái với họ, thậm chí cả gia đình và xã hội phần nào cũng không chia sẻ.
Có thể thấy, văn hóa từ chức ở nước ta đã bị mai một nên bây giờ cần phải lấy lại và xem đó là một việc bình thường. Nhưng để văn hóa này tự sống dậy thì rất khó, vì vậy rất cần thiết luật hóa vấn đề từ chức để đảm bảo mấy vấn đề: Một là, nếu cán bộ mắc sai phạm thì phải từ chức và nhân dân cũng chờ đợi sự chủ động từ chức của người “tay đã nhúng chàm”; thứ hai, cán bộ không còn tín nhiệm thì cần từ chức; cán bộ không đủ điều kiện thì nên từ chức.
Quan trọng nhất, cần phải luật hóa để mọi người sống và làm việc theo pháp luật, khi đó từ chức sẽ phổ biến hơn và dần dần trở thành văn hóa. Cán bộ mắc sai phạm ngoài việc phải từ chức còn phải chịu hình thức kỷ luật và nên có quy định không được giữ các cương vị quản lý, lãnh đạo mấy năm hay cả đời. Còn nếu lỗi của họ chưa đến mức bị cấm tham gia quản lý, lãnh đạo thì đừng nên chấm dứt sự nghiệp chính trị, hoạt động quản lý của họ, mà cho họ có cơ hội được làm việc trở lại.
Không phải chỉ cá nhân người từ chức mà cả dư luận cũng cần nhìn nhận vấn đề này là bình thường, nên làm, là một nét văn minh.
Và trước hết, cán bộ cấp cao, đặc biệt là ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cần phải nêu gương, thực hiện đúng theo tinh thần Quy định 08 “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ” thì cấp dưới mới nghe theo.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV