Xin giáo sư nước ngoài cho sinh viên photo sách
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM từng viết email cho giáo sư nước ngoài xin cho sinh viên của trường được sử dụng tài liệu photo để học.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM từng viết email cho giáo sư nước ngoài xin cho sinh viên của trường được sử dụng tài liệu photo để học.
Vì sinh viên, nhiều giảng viên sẵn sàng trao đi "bản quyền tri thức" (Ảnh: Timeout)
Ông Dũng kể:
“Đó là cuốn sách Automobile Electrical and Electronic Systems của giáo sư Tom Denton, một giáo sư người. Một cuốn sách về chuyên ngành điện và điện tử. Với sinh viên trường kỹ thuật được cầm trên tay cuốn sách này là một niềm ao ước. Nhưng thời điểm đó, giá bán của cuốn sách này khá cao. Số tiền 51.86$ (hơn 1 triệu đồng) để mua bản quyền là với các em điều không tưởng. “Nhiều em đến tháng còn chưa có tiền đóng học phí nói gì đến chuyện mua sách. Tôi đã viết email xin giáo sư Tom Dento cho các em sử dụng bản sao. Trong thư điện tử gửi cho giáo sư Tom Denton, tôi nói với ông rằng sinh viên Việt Nam chúng tôi còn nghèo. Các em rất ham học và muốn được đi học nhưng với đa số, khoản đóng góp học phí là một điều khó khăn. Với sinh viên ngành kỹ thuật, cuốn sách của ngài là một “bảo bối” rất hữu ích. Tôi biết việc này không tế nhị nhưng với các em để bỏ ra khoản chi phí mua sách bản gốc vô cùng khó khăn. Tôi xin giáo sư có thể cho các em sử dụng miễn phí bản photo để nghiên cứu. Tôi cũng cam kết với ngài sinh viên copy file để học và cam kết không được in ra để bán. Rất vui mừng là giáo sư Tom Dento đồng ý ngay. Đến nay lời cam kết sinh viên chỉ copy file để học và không được in để rao bán vẫn giữ nguyên”.
Ngoài “trường hợp” này ông cũng viết email xin photo của rất nhiều bản quyền từ các giáo sư nước ngoài cho sinh viên học, và họ cũng rất vui vẻ.
Vừa ra sách hôm trước, hôm sau đã thấy sinh viên cầm bản photo
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM kể rằng, thầy vừa xuất bản sách mấy hôm trước, hôm sau lên lớp đã thấy sinh viên cầm bản photo. Thầy chỉ biết cười trừ và chợt nhớ ngày xưa mình cũng thế.
Luật là lý, nhưng cuộc sống thì cần vừa có lý vừa có có tình
“Tôi vừa xuất bản một cuốn sách mới có tên Xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam. Sách vừa in xong mấy hôm trước, mà hôm sau tới lớp đã thấy sinh viên tay trong tay cầm bản photo khá rõ. Tôi định bụng sẽ nói điều gì, nhưng lại chợt nhớ đến ngày xưa mình cũng thế. Do hoàn cảnh khó khăn và cũng thuận tiện nên đã photo. Nên hôm nay, tôi chỉ nhìn các em sinh viên “say đắm” và cười trừ. Mới hôm qua thôi, tôi có giờ lên lớp và có mang theo tài liệu môn học. Tôi gửi các em để học và đương nhiên các em rất vui. Tôi nói với các em rằng, cứ photo để phục vụ việc học. Trao cho các em “tri thức bản quyền” của mình, nhưng tôi không hối tiếc, vì các em có dịp được hiểu thêm kiến thức. Thiết nghĩ, mục đích của những giảng viên như chúng tôi là kiến thức được càng nhiều người đón nhận càng tốt”.
Theo ông Lý, “những gì gọi là luật thì phải nghiêm túc thực hiện. Việc Trường ĐH Luật TP.HCM quyết liệt trong việc này là đúng khi xung phong, gương mẫu thực hiện một sứ mệnh đào tạo ra những người làm và thực hiện luật. Xã hội, con người muốn phát triển phải tuân thủ các quy định, luật định”.
“Luật là lý! Điều quan trọng là làm luật càng gần gũi với cuộc sống và thực tế sinh động của xã hội phát triển càng tốt, càng có giá trị bền vững. Và khi thực thi, tất cả đều tâm phục khẩu phục. Nhưng cuộc sống thì cần vừa có lý vừa có có tình” – ông Lý cho biết.
Tác giả bài viết: Lê Huyền
Nguồn tin: