Tôi xin kể lại câu chuyện của bản thân mình như một góc nhìn khác về chủ đề thách cưới mà mọi người bàn luận sôi nổi trong chuyên mục mấy ngày nay.
Năm 28 tuổi, tôi kết hôn với anh sau 3 năm yêu đương. Chúng tôi kết hôn khi cả hai đã ổn định công việc, đều có thu nhập khá và cũng sẵn sàng cho cuộc sống chung.
Chuyện yêu đương và tiến tới kết hôn của chúng tôi được cả hai bên gia đình ủng hộ vì cả hai đều khá tương đồng về tính cách, học thức và yêu thương nhau thật lòng.
Mẹ chồng trong bữa cơm đầu tiên nửa đùa nửa thật nói rằng: "Nhà này phải bỏ ra số tiền lớn để mua người về thì liệu đường mà sống cho thỏa đáng". Ảnh minh họa.
Ấy thế nhưng đúng đến ngày vui của cuộc đời thì một sự cố đã xảy ra. Hôm nhà trai sang dạm ngõ, theo như thông lệ ở quê tôi, bố mẹ tôi có ra lời thách cưới. Ngoài bánh, hoa quả, cau, chè, rượu, lợn quay, bố mẹ tôi còn đề nghị một khoản tiền mặt là 20 triệu đồng.
Đó là khoản bắt buộc phải có theo thông lệ còn bố mẹ tôi cũng nói rõ rằng chuyện tặng cô dâu trang sức hay gánh tiệc cưới cho nhà gái là tùy nhà trai quyết định.
Thực ra, lời thách cưới của bố mẹ tôi không có gì là quá so với tập tục của quê tôi. Ở quê tôi, nhà nào gả con gái cũng đều thách cưới như vậy cả. Tuy nhiên, những lời thách cưới này của nhà tôi lại khiến nhà trai bất bình, thậm chí còn tỏ ra giận dữ ghê lắm.
Tuy phía nhà trai không phản bác lại đề nghị của nhà gái ngay nhưng tôi biết khi ra khỏi nhà tôi, cả đoàn nhà trai đều cho rằng nhà tôi ghê gớm.
Bố mẹ chồng tôi khi đó còn bảo rằng trần đời chưa thấy nhà ai thách cưới nặng như nhà tôi, rằng bố mẹ tôi tận dụng cưới con để kiếm tiền… Tôi khi đó thì cho rằng chuyện nhà trai trách cứ như thế này cũng là điều dễ hiểu bởi nhà trai ở thành phố, không có tập tục này nên thấy nhà tôi thách cưới như vậy thì bị sốc.
Rồi nhà trai vẫn đáp ứng đủ theo yêu cầu của nhà gái và đám cưới vẫn diễn ra trọn vẹn. Tuy nhiên, ngay khi về nhà chồng, ngay trong buổi tối đầu tiên làm dâu tôi đã phải hứng chịu thái độ khó chịu của mọi người trong gia đình chồng vì chuyện nhà tôi thách cưới.
Mấy cô em họ thì cố tình nói to rằng “cô dâu này là cô dâu vàng, tốn cả đống tiền mới mua được” rồi cười hô hố trước mặt tôi. Còn mẹ chồng trong bữa cơm tối đầu tiên cũng nửa đùa nửa thật nói rằng: "Nhà này phải bỏ ra số tiền lớn để mua người về thì liệu đường mà sống cho thỏa đáng". Vừa xấu hổ, vừa tủi thân nhưng chuyện đã vậy, tôi biết làm sao ngoài cúi mặt cam chịu.
Và những ngày sau đó, dù tôi cố gắng để làm một người con dâu hiếu thảo và cũng cố gắng hết sức quan tâm, chăm sóc mọi người trong gia đình chồng nhưng dường như tôi vẫn không thể xóa được ác cảm trong lòng mọi người.
Cứ mỗi khi bên nhà chồng có dịp sum họp, tổ chức ăn uống hay đặc biệt có chuyện cưới hỏi, thì chuyện nhà tôi thách cưới năm xưa lại có dịp được mang ra nhắc lại, bàn luận. Mẹ chồng tôi nói đi nói lại câu bà cũng có hai cô con gái, giỏi giang, đảm đang, thu nhập vài chục triệu/tháng mà chẳng dám thách cưới. Vậy mà đi hỏi vợ cho con trai thì phải mang theo cả đống tiền.
Tôi đến giờ vẫn bị ám ảnh với câu nói này của mẹ chồng và vẻ mặt thất vọng của bà khi nói về chuyện đó.
Lấy chồng 2 năm và tôi vừa mới sinh được em bé. Trong suốt quãng thời gian chưa mang bầu được ấy, tôi luôn khốn khổ với những lời nói mỉa mai, gièm pha từ phía nhà chồng. Nghe mọi người mỉa mai rằng: Mất 20 triệu mà nhà này mua phải dâu “điếc” khiến tôi thấy uất nghẹn.
Ngay kể cả đến bây giờ, tôi vẫn chưa thoát được tiếng thách cưới năm xưa.
Từ câu chuyện của bản thân, tôi cho rằng thách cưới là điều hoàn toàn không nên. Nếu muốn con gái không bị mất mặt với nhà chồng, thì bố mẹ đừng bao giờ thách cưới.
Tác giả bài viết: Ngọc Lĩnh (Bắc Ninh)