Ông Phạm Phú Quốc (trái) nhận quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận TNHH MTV vào tháng 12/2019 |
Có quốc tịch nước ngoài thì đại diện cho ai?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc “có quốc tịch Síp”, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết: Luật Tổ chức Quốc hội đã ghi rõ: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử, đồng thời cũng đại diện cho quyền lợi của cử tri trên cả nước. Luật cũng ghi rõ, đại biểu Quốc hội là công dân của nước Việt Nam.
“Là đại biểu Quốc hội lại có thêm quốc tịch khác thì ông đại diện cho ai? Chẳng lẽ ông lại đại diện cho nước vừa nhập quốc tịch à? Là đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông phải đại diện cho cử tri và nhân dân Việt Nam chứ không thể đại diện cho cử tri và nhân dân ở một nước khác được”, ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến |
Ông Lê Như Tiến cũng nói rõ: ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm khi nhập quốc tịch Síp từ năm 2018, nhưng lại không báo cáo trung thực với cơ quan có thẩm quyền. Ngay từ đầu nhiệm kỳ vừa qua cũng có một nữ đại biểu là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị xóa tư cách đại biểu Quốc hội vì có thêm quốc tịch Malta nhưng không kê khai. Thực tiễn đã xảy ra và đã bị xử lý, không cớ gì trường hợp này lại không?
“Vì lý do nào đó, nếu muốn có quốc tịch khác, lẽ thường ông ấy phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Lúc đó với tư cách một công dân bình thường, ông có thể có thêm quốc tịch khác. Nếu không là đại biểu Quốc hội thì không sao cả, đó là quyền công dân. Nhưng đã là đại biểu Quốc hội thì có nên có hai quốc tịch?”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cho rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội cần sớm xác minh, làm rõ và nếu rõ rồi phải xử lý kịp thời. Trong trường hợp này, không cần phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thực hiện ngay trong phiên họp gần nhất, thậm chí họp bất thường, xem xét tư cách đại biểu của ông Phạm Phú Quốc trên cơ sở kiến nghị của Ban Công tác đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Phải bổ sung hồ sơ
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ việc này, lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Nội vụ cho biết, đối với cán bộ, công chức, ngay khi tuyển dụng đầu vào đã quy định “có một quốc tịch Việt Nam”. “Hằng năm anh phải có trách nhiệm thông báo tất cả những gì liên quan đến nhân thân của mình. Ngay cả khi vợ chồng ly hôn cũng phải báo cáo tổ chức. Thậm chí liên quan đến người thân trong gia đình, như vợ, chồng, con cái, bố mẹ… cũng đều phải thông báo hàng năm với tổ chức”, vị này cho hay.
Cũng có ý kiến nêu, vậy có quy định nào bắt buộc ông ấy phải khai báo khi có thêm quốc tịch không? “Không phải tất cả mọi thứ đều phải quy định trong pháp luật. Nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, đương nhiên phải khai báo, chứ không phải vì không quy định thì không khai.
Mặt khác đã là đảng viên, hàng năm phải bổ sung lý lịch hồ sơ. Với tư cách một đại biểu Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc phải báo cáo với cơ quan quản lý, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, chuyên gia Bộ Nội vụ khẳng định.
“Là đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông phải đại diện cho cử tri và nhân dân Việt Nam chứ không thể đại diện cho cử tri và nhân dân ở một nước khác được”.Ông Lê Như Tiến |
Tác giả: Thành Nam
Nguồn tin: Báo Tiền phong