Trong nước

Lấy phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào năm 2023

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay trong năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc này sẽ được thực hiện tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Hội nghị nhằm triển khai nghị quyết số 47/2022 về chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và nghị quyết số 23/2022 về chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ cùng với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, nhiều giải pháp đồng bộ đã được thực hiện để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Việc này được thực hiện với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, cũng như các cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.

Ông Phương cho biết thêm năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (dự kiến cuối năm 2023).

Ông Cường đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.

Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với tổng thư ký Quốc hội để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trong các chức danh do Quốc hội bầu theo Luật tổ chức Quốc hội có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Các chức danh do Quốc hội phê chuẩn có các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành...

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức độ: “Tín nhiệm cao”; “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”.

Cũng theo tổng thư ký Quốc hội, về hoạt động giám sát chuyên đề, năm 2023 Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.

Chuyên đề thứ nhất về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại kỳ họp thứ 5.

Chuyên đề thứ hai về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại kỳ họp thứ 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề thứ nhất về việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên họp tháng 8-2023.

Chuyên đề thứ hai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại phiên họp tháng 9-2023.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát, ông Cường đề nghị thời gian tới cần quan tâm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp ở nhiều khía cạnh.

Trong đó giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo, thực hiện chất vấn, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc trả lời kiến nghị, giải quyết khiếu nại của các cơ quan…

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP