Theo các nhà khoa học, sự gián đoạn và thay đổi đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể làm tăng nguy cơ bệnh mãn tính, nhưng chưa xác định được cơ chế này.
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện khi mọi người làm việc vào ban đêm, sẽ sản sinh ra ít loại chất vốn là sản phẩm phụ của quá trình sửa chữa mô ADN. Nghĩa là, cơ thể khó thực hiện quá trình hồi phục thiết yếu đối với các tế bào - mà quá trình này đáng lẽ phải xảy ra tự nhiên trong đêm.
Họ tin rằng, làm việc ban đêm sẽ khiến lượng melatonin - hoóc môn ngủ - xuống thấp hơn nhiều so với những người ngủ đủ giấc.
Tiến sĩ Parveen Bhatti, Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Seattle, Washington, Mỹ), cho biết nếu thức giấc vào ban đêm, cơ thể sẽ "giảm khả năng sửa chữa những hư hại mô ADN". Bà nhấn mạnh: "Theo thời gian, sự tích tụ này có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở nhiều cơ quan cơ thể".
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 50 người thường làm việc ca đêm về mức độ 8-OH-dG - một hóa chất sản sinh khi ADN được sửa chữa. Sau đó, họ kiểm tra lại những người này lúc chuyển ca làm việc ban ngày và thấy rằng, mức độ hóa chất này đã tăng 300%.
Tiến sĩ Bhatti cho biết: "Nếu những tác động này được khẳng định, nên bổ sung melatonin như là một cách can thiệp để giảm thiểu việc tổn thương các ADN dẫn đến ung thư ở nhóm người phải làm việc ca đêm". Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Occupational and Environmental.
Tác giả bài viết: Thái An (theo Telegraph)
Nguồn tin: