Trong nước

Không muốn làm công an bán chuyên trách, nhiều người xin nghỉ

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết đã nhận được rất nhiều đơn xin nghỉ nhưng 'chưa giải quyết'.

ĐBQH, thiếu tướng Đào Thanh Hải - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay (12-11), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo dự án luật, Chính phủ đề xuất thống nhất tên gọi của ba lực lượng gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành một với tên gọi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có con dấu riêng. Tổng số lực lượng này trong phạm vi toàn quốc là 750.000 người.
Lo không có người làm
Thảo luận tại tổ của đoàn ĐBQH Hà Nội, ông Đào Thanh Hải cho rằng cần thiết phải ban hành luật này, trước hết là thể chế hóa quan điểm đường lối của Đảng, củng cố lực lượng an ninh cơ sở, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đồng thời rà soát tinh giản biên chế, ngân sách.
Kể từ khi triển khai lực lượng công an chính quy xuống địa bàn xã, lực lượng công an bán chuyên trách có xu hướng mai một dần.
"Chẳng hạn, tổng số 126 nghìn cán bộ công an xã bán chính quy trước kia nay giảm ¼. Tại Hà Nội, sau khi triển khai 2.500 cán bộ chính quy xuống 383, đến nay giảm hơn giảm ¼ lực lượng công an bán chính quy trong tổng số hơn 5.500 trước đó.
Nếu không có chế độ chính sách tốt, sắp tới sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt. Hiện rất nhiều đồng chí đang xin nghỉ và chúng tôi vẫn để đơn đó chưa giải quyết và đang cố gắng động viên các đồng chí. Đây là khó khăn vướng mắc đang gặp phải" - đại biểu Hải cho hay.
Nguyên nhân, tướng Hải cho biết là "phụ cấp cho lực lượng công an xã bán chính quy rất thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng, xã phường cho thêm nữa là khoảng 2 triệu/tháng. Trong khi đó đất cát ngoại thành Hà Nội nhà nào cũng có vài nghìn mét, mức sống cao, thu nhập hơn 2 triệu mà lại phải bỏ việc nhà đi làm nhiệm vụ, quả là vấn đề khó khăn".
Tướng Đào Thanh Hải cũng cho rằng ban hành luật này cũng đảm bảo quy định Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Vừa qua, bên cạnh vai trò to lớn của lực lượng công an bán chính quy, thì quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng có nhiều sai sót vì còn hạn chế.
Đại biểu Phạm Quang Thanh (bí thư huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết từ đầu năm đến nay công an chính quy mới được tăng cường về xã, còn suốt thời gian trước lực lượng công an bán chính quy đảm bảo an ninh trật tự tại xã.
Công an bán chuyên trách gần địa bàn, thông hiểu cơ sở, nhưng cũng có nhược điểm là quan hệ họ hàng thân tộc nên thường bỏ qua vi phạm của người quen, người nhà.
"Đây cũng là nguồn để xây dựng đội ngũ cán bộ xã, hiện nay ở Sóc Sơn có nhiều xã bí thư, chủ tịch từ công an bán chuyên trách phát triển lên. Bây giờ động viên người làm cán bộ xã rất khó, đặc biệt là khu vực ngoại thành, bởi ngay cả mức lương của công nhân các nhà máy ở các khu công nghiệp cao hơn nhiều lương cán bộ xã" - ông Thanh nói.
Đại biểu Phạm Quang Thanh cũng lo "nếu tình hình này xảy ra 5-7 năm nữa thì chỉ những người không kiếm được việc gì mới ở nhà làm cán bộ xã". Ông ủng hộ ban hành luật này tạo hành lang pháp lý để các lực lượng hoạt động tốt hơn.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại tổ - Ảnh: QUANG VINH

Có thật sự tinh giản, tiết kiệm?

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở không chỉ có thực hiện giải pháp chuyển đổi số mà cần những thứ khác. Ông dẫn câu chuyện một Việt kiều đến TP.HCM ở một khách sạn sang trọng nhưng khi đi ra khỏi khách sạn lại được bảo vệ lưu ý phải cẩn thận không bị giật túi và cho rằng một TP muốn phát triển trước hết phải an toàn.

Theo ông Nên, việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết nhưng trước tiên phải bàn đến nhiều khía cạnh chứ không chỉ riêng việc tổ chức lực lượng. Trong đó phải xem xét nguồn tổ chức, chế độ hỗ trợ, tổ chức lực lượng thế nào...

"Một địa phương mà để người già, nghĩa hiệp ra tay trấn áp tội phạm thì người quản lý, cơ quan quản lý trật tự xã hội phải cảm thấy không ổn. Do vậy đây là cơ sở cần thiết để ra đời pháp lý căn cơ và nghiên cứu sâu vấn đề này" - Bí thư Nên đề nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, cử tri cũng nói rằng tăng cường bảo vệ an ninh trật tự cơ sở ở nông thôn là rất quan trọng, trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì địa phương nào. Nếu an ninh trật tự cơ sở không được đảm bảo thì tác động đến tình hình xã hội nói chung, trộm cướp, tội phạm, vi phạm pháp luật...

"Nhìn bóng dáng người mặc sắc phục thực thi nhiệm vụ là tội phạm cũng sợ, hơn nữa lực lượng chính quy thì có nghiệp vụ, kỹ năng cũng sẽ tốt hơn, tránh được quan hệ dòng tộc, thân thuộc" - ông Huệ nói.

Bí thư Huệ đồng thời đề nghị đánh giá về phạm vi điều chỉnh của dự luật, bởi vì đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn không chỉ có bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách mà là "thế trận lòng dân". Tức là toàn bộ hệ thống chính trị tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở. Nên chăng luật này quy định thế trận nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc chứ không chỉ riêng các lực lượng nêu trên.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, đề nghị đánh giá lại toàn diện dự án luật này. "Trước hết là đánh giá toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở của chúng ta hiện nay hoạt động như thế nào, có mạnh không? Nếu làm luật này thì tác động cụ thể của nó ra sao về bộ máy, về kinh phí? Nói rằng đẻ thêm bộ máy mà lại tiết kiệm hơn thì rất khó tin" - ông nói.

Tác giả: LÊ KIÊN - TIẾN LONG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP