Bạn bè vẫn thường nói với chị, sao chị có thể ở cùng với ông chồng “kém vợ” nhiều thế. Sao xung quanh chị có nhiều người đàn ông tài giỏi “xin chết” mà chị không có cảm xúc? Cười mỉm với những câu hỏi của bạn nhưng lòng chị cũng rối bời. Nghĩ đến ông chồng bất tài, suốt ngày “cắm mặt vào bếp” nấu nấu nướng nướng rồi lại đưa đón con đi học, không thể nói chị không thất vọng. Trong khi đó, chị thường xuyên gặp gỡ những người đàn ông thành đạt với những dự án khủng, với mơ ước “chinh phục cả thế giới”. Không thể nói chị không ngưỡng mộ họ.
Thế nên, trở về nhà, nhìn người chồng chỉ biết lọ mọ, tỉ mẩn làm những việc nhỏ xíu cho con, chị thấy anh vô cùng tầm thường. Nhiều lúc, chị cáu giận với anh vô cớ. Chị mắng chửi con nhưng cố đánh tiếng sang chồng. Có lúc, chị đã muốn buông tay anh để đi theo người đàn ông ngoại quốc- đối tác cũng rất cảm phục tài năng của chị.
Chị không còn so sánh thiệt hơn chồng người, chồng mình. Ảnh minh họa |
Thế nhưng, nhìn hai đứa con được chồng dạy dỗ đâu ra đấy, chăm sóc từng li từng tí, gắn bó, yêu thương bố hơn cả mẹ, chị đã nhìn lại. Đặc biệt, lần chị bị ốm, anh không nề hà một tay chăm sóc vợ suốt 2 tháng trong bệnh viện đã khiến chị thay đổi suy nghĩ: Cứ coi như vợ chồng đổi vị trí cho nhau. Vợ lo kinh tế thì chồng là hậu phương. Cũng nhờ có hậu phương vững chắc mà người đi làm mới yên tâm, dành mọi tâm huyết cho công việc.
Nghĩ thế nên chị thấy biết ơn và trân trọng chồng hơn. Khi tinh thần thoải mái, an yên, chị luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Chị không còn so sánh thiệt hơn chồng người, chồng mình. Chị và chồng thấy lòng nhẹ nhàng hơn từ cách nói chuyện và cách cư xử với nhau. Gia đình chị giờ đây lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười. Chị luôn biết tận hưởng sự chăm sóc, yêu thương mà chồng dành cho.
Tác giả: Đan Linh
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam