Bất luận anh CSGT đó lý giải nguyên nhân nhân, động cơ gì khiến anh ta “thúc thủ”, đều là ngụy biện và không chấp nhận được.
Chắc chắn, anh cảnh sát thuộc lòng câu lực lượng công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”… Vậy mà hành động của anh thì quá hèn nhát, và quá… tối tăm.
Anh không xứng đáng là một sĩ quan cảnh sát. Và chắc chắn, Bộ Công an và Công an tỉnh sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với anh sĩ quan này.
Chiến sĩ CSGT đứng chứng kiến cô gái trẻ bị sát hại nhưng không có biện pháp ngăn chặn. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh xem xét và thử lý giải: Tại sao anh cảnh sát lại có thái độ kỳ lạ như vậy?
Trước hết, anh cảnh sát quá hèn và không thể nghĩ ra cách nào đối phó với hung thủ. Anh ta quên mất mình đang mặc bộ cảnh phục – dù là cảnh phục của CSGT. Anh không dám lao vào tấn công tội phạm là bởi vì chính anh ta sợ, không đủ bản lĩnh, tự tin để chiến đấu.
Nhưng cũng có thể anh lo sợ rằng: Nếu mình tấn công hung thủ, khiến nó tự tử, thì ai minh oan cho anh? Ai bảo vệ cho anh? Liệu dư luận có hiểu cho anh không? Hay lúc đấy, báo chí sẽ bêu riếu, sẽ đặt vô vàn câu hỏi “tại sao”; “sao không giáo dục, thuyết phục”; “sao đẩy người ta vào bước đường cùng… phải tự sát”… Rồi tiếp theo là gì? Là các cuộc kiểm điểm, các loại thanh tra, kiểm tra sẽ vào cuộc và giải trình, giải trình và giải trình…?
Đã có quá nhiều bài học từ các vụ công an bắn chết kẻ phạm tội, hoặc đánh bị thương tội phạm mà phải ra toà, phải hứng chịu những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc…
Anh cảnh sát quá hèn và không thể nghĩ ra cách nào đối phó với hung thủ. Anh ta quên mất mình đang mặc bộ cảnh phục – dù là cảnh phục của CSGT. |
Nếu ai tinh ý sẽ thấy, cảnh sát đi tuần có đeo súng, nhưng hầu hết không có đạn. Thật ra, súng đều được cấp đạn, nhưng không ai dám lắp đạn… Bởi lẽ, nếu lắp đạn, khi có vũ khí trong tay, có nghĩa là anh cảnh sát sẽ tự tin hơn, có sức mạnh hơn và sẵn sàng tấn công tôi phạm nếu phát hiện thấy.
Nhưng trong quá trình bắt, hoặc phải dùng vũ khí để vô hiệu hóa hành động của tội phạm, ngộ nhỡ làm kẻ đó bị chết, bị thương… thì rõ là tai họa mà không chỉ cho bản thân mà còn cho cả đơn vị.
Cho nên, tốt nhất là… không lắp đạn. Tội phạm trốn mất thì chỉ bị kiểm điểm “rút kinh nghiệm”, còn nếu tấn công nó mà lại dùng vũ khí nóng thì dễ tự rước vạ vào mình.
Lại có một thực tế buồn nữa là trong lúc rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công an xả thân cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, thì cũng có những cán bộ, chiến sĩ công an tiêu cực, và đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, và danh dự của lực lượng công an.
Và việc tốt, gương tốt của anh em công an thì báo chí viết hời hợt, khô khan, viết cho “gọi là có”, còn một việc cá nhân có việc làm, có hành động sai thì bị “đào bới xới lộn”, bị “bêu riếu” không tiếc lời.
Có cảm giác rằng, xã hội không có cái nhìn thông cảm, chia sẻ với “nghề” công an và khi cán bộ, chiến sĩ công an gặp “tai nạn nghề nghiệp” thì không ai bảo vệ cả.
Đây là nguyên nhân lớn nhất làm giảm nhuệ khí của lực lượng công an, và hình ảnh cảnh sát quay mặt đi khi thấy kẻ phạm tội, sẽ còn xuất hiện.
Tác giả: Nguyễn Như Phong
Nguồn tin: Báo điện tử VTC News