Nhà mình biến thành… nhà trọ!
Đây không phải lần đầu tiên nhà chị Tuyết Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) có họ hàng ở quê ra ở nhờ. Vợ chồng chị Hoa vốn đều ở ngoại tỉnh. Hai vợ chồng làm ăn, lập nghiệp ở Hà Nội. Họ hàng hai bên đều ở quê nên căn nhà chị bỗng dưng biến thành “nhà trọ miễn phí” của bất cứ họ hàng, bạn bè ở quê nào ra Hà Nội chơi, công tác.
Nghe lời dặn của chồng, sau khi tan sở, chị Hoa vội vã lấy xe đón con rồi ra ga Giáp Bát đón khách quê. Trời nắng, oi bức, phải tới 45 phút sau, hai mẹ con mới đón được khách bước từ xe ô tô xuống. Vị khách là Trang là cô cháu gái họ của chị Hoa ra Hà Nội “dùi mài kinh sử” hằng mong thành cử nhân.
Vừa tới nhà chị Hoa, chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé tên Trang liền đề nghị được ở phòng riêng cho “tự do và kín đáo”. Khổ nỗi nhà chị Hoa chỉ có hai phòng ngủ: phòng vợ chồng và phòng cô con gái.
Chị bố trí cho Trang và con gái mình ở chung phòng. Ở được vài hôm, vẻ mặt bực tức, Trang gắt gỏng: “Cô Hoa ơi, cháu không ở được phòng chung với em Mun được vì cháu thấy chật chội lắm!”. Chị Hoa chưa kịp tỏ thái độ thì anh Thắng-chồng chị đỡ lời: “Thế thì để em Mun ở cùng phòng với cô chú vậy!”.
Tuy ở quê nhưng Trang lại mắc bệnh “tiểu thư”, một ngày trình diện 3-4 bộ quần áo, chưa kể tắm gội ngày hai lần. Quần áo chưa kịp bẩn, cô bé đã cho vào máy giặt quay. Chị Hoa nhắc không nên tắm và giặt nhiều như vậy thì cô bé đáp “Cháu quen rồi, một ngày một bộ quần áo, cháu không chịu nổi!”. Sạch bản thân nhưng Trang lại bẩn với những gì ở xung quanh mình.
Từ lúc ở nhờ nhà chị Hoa, Trang chưa lần nào cầm cây chổi quét nhà hay dọn dẹp nhà cửa. Nhà cửa bề bộn vì chị Hoa chưa kịp dọn, cô bé cháu họ cũng lờ tịt đi. Có lần chị nhắc việc dọn dẹp, cô bé hồn nhiên: “Năm trước cháu trượt Đại học, năm nay cháu phải tập trung tối đa thời gian cho việc ôn
luyện thi cử. Cô thông cảm!”.
Nỗi bực tức của chị Hoa dâng cao khi phải chứng kiến cô cháu họ của mình mặc bộ váy mỏng tang lộ rõ nội y “lượn lờ” trước mặt chồng chị. Chị góp ý : “Con gái phải biết giữ ý tứ, mặc áo quần phải kín đáo.”. Cháu gái “vâng vâng, dạ dạ” sau đó đâu vẫn vào đấy.
Từ ngày có cô cháu ở nhờ, tiền điện, tiền nước của chị tăng vùn vụt. Nhìn vào hoá đơn, chị Hoa thấy choáng váng. Anh Thắng biết vậy an ủi vợ: “Thôi em ạ, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Người ta khó khăn thì mới nhờ tới mình. Cháu chỉ ở với vợ chồng mình 1- 2 tháng, thôi đừng mắng cháu, kẻo ở quê biết chuyện lại cười vợ chồng mình ăn ở chẳng ra gì!”. Trước lời nói của chồng, chị Hoa đành bấm bụng “nuốt cơm sống” để giữ hoà khí.
Khóc không thành tiếng!
Cũng lâm vào cảnh “khóc không thành tiếng” như chị Hoa là chị Như Phương (Thanh Xuân, Hà Nội). Thời gian gần đây, trong đầu chị luôn lởn vởn câu hỏi: “Đến bao giờ vị khách ấy mới về quê?”.
Chuyện là, gia đình chị đang phải tiếp đón ông truởng họ của chồng ở mãi tận Tây Nguyên. Vì đây là lần đầu tiên ra chơi Hà Nội, ông Huy- trưởng họ quyết định ở nhờ nhà vợ chồng chị vài… tuần cho thoả nỗi “thèm Thủ đô”.
Ra Hà Nội, lại đang ở nhờ, nhưng ông Huy lại “bê nguyên” tính cách trưởng họ “ăn trên, ngồi chốc” vào gia đình chị Phương. Ngay ngày đầu, ông Huy đưa ra “mong muốn” chị Phương nấu cơm ngày ba bữa cho ông bởi: “Tôi không quen ăn uống ngoài đường, vừa mất vệ sinh lại không hợp khẩu vị!”.
Ông trưởng họ yêu cầu như vậy, chị đâu dám “trái lệnh”! Khổ nỗi, nhà chị Phương từ trước tới nay đều ăn sáng bên ngoài. Nay, vì “phục dịch” vị khách này mà chị Phương phải dậy từ 5 rưỡi sáng để đi chợ, nấu cơm. Đêm chị thức khuya để làm việc, bây giờ phải dậy sớm, chị hốc hác, vật vờ vì thiếu ngủ.
Nói về chuyện bữa ăn, một, hai ngày đầu, ông trưởng họ không thắc mắc điều gì, nhưng sang ngày thứ ba, ông Huy bắt đầu nhận xét món này nhạt, món kia mặn, món này khô, món kia nát…Ông Huy lại quen ăn uống chậm rãi, đủng đỉnh tới nỗi mỗi bữa ăn nhà chị phải kéo dài không dưới một giờ đồng hồ. Suốt ruột vì phải đợi khách ăn xong để dọn dẹp, rửa bát cùng hàng núi việc cơ quan, chị Phương sốt ruột như “ngồi trên đống lửa”.
Chưa hết, sau khi xơi xong cơm, “ngài” bưng luôn cả đĩa hoa quả (mà chị gọt ra đĩa) rồi mang ra phòng khách dỗi chân ngồi xem ti vi và thưởng thức hoa quả mặc cho con chị đòi ăn.
Ở được một tuần, thấy chiếc vi tính có nhiều thông tin hay, ông trưởng họ yêu cầu chồng chị dạy cách mở và truy cập. Chẳng biết, mê mẩn vi tính thế nào mà “ngài” ôm trọn chiếc máy tính ấy như thể của riêng mặc cho chồng chị dở dang công việc lập trình.
Vì lầu tiên ra Thủ đô, ông trưởng họ thấy ở đâu cũng đẹp và cần phải khám phá. Đi một mình sợ lạc, mỗi lần “khám phá” ở hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác hay phổ cổ…., “ngài” đều gọi chồng chị đi “tháp tùng”. Sợ mang tiếng tiếp đón không chu đáo, chồng chị đành bỏ cả việc cơ quan làm theo “lệnh” của ông trưởng họ.
Để vợ chồng chị quan tâm, chu đáo với mình, ông trưởng họ luôn miệng “kể công”: “Ngày trước, không có trưởng họ này thì chồng chị có mà chết đói lâu rồi, nhà nó (chồng chị) nghèo, cám chả có mà ăn chứ nói gì đến cơm!” rồi ông “dọa”: “nếu nó quên ơn thì chẳng còn là con người”.
Và để “trả ơn”, vợ chồng chị Phương phải “phục dịch” ông trưởng họ không biết đến bao giờ!”. Trước những “sai khiến” của ông trưởng họ, vợ chồng chị Phương bực dọc mà chẳng dám cất lời.
Nhà chị 4 tầng, hai vợ chồng, con cái chỉ chủ yếu sinh hoạt ở tầng 1- 2, thấy tầng 3-4 để trống, vị khách “tuyên bố”, chị Phương nghe xong tí ngất xỉu: “Nhà rộng thế này để không thì phí, tôi sẽ ở lại lâu lâu cho phòng khỏi… mốc!”… Giờ nghĩ tới việc nhà có người ở nhờ, một số chủ nhà lại rùng mình, ngán ngẩm!
Theo nhà tâm lý Mai Hoa (Trung tâm tư vấn gia đình Hà Thành) cho rằng, câu chuyện căng thẳng về khách ở quê ra ở nhờ không phải là chuyện hiếm ở thành thị. Quan hệ giữa người ở quê và thành thị có thể bị đổ vỡ sâu sắc bởi nếp sinh hoạt trái ngược nhau.
Hai bên, ai cũng cho là mình có lý. Người thân ở quê thì nghĩ “nuôi cho chúng nó lớn khôn, thành đạt sau đó nó quay ra coi thường dòng họ”, nhờ vả tí thì tỏ ra khó chịu”. Còn gia đình ở thành thị lại cho rằng “những khách ở quê cư xử không biết điều, coi nhà người khác như nhà công cộng, sinh hoạt hồn nhiên, bừa bãi”.
Nhà tâm lý Mai Hoa khuyên khách ở quê ra nên tế nhị, biết tôn trọng chủ nhà và “nhập gia tùy tục”. Còn gia đình thành thị cố gắng cảm thông khó khăn của người ở quê, sắp xếp chỗ ăn, xử sự cho hợp tình, hợp lý. Có vậy, mới tránh khỏi mâu thuẫn vợ chồng, gia đình, dòng họ và mang lại niềm vui, sự gắn kết tình thâm, tình làng, nghĩa xóm.
Tác giả bài viết: Thùy Dương