Trong nước

Hà Nội xây bến xe Yên Sở để làm chi?

Hà Nội đã có chủ trương xây dựng bến xe Ngọc Hồi để chuyển bến Giáp Bát và sau này là bến Nước Ngầm xuống thì còn xây bến Yên Sở để làm gì? - một DN vận tải thắc mắc.

Trong báo cáo gửi Thường trực Thành uỷ Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua, Ban cán sự UBND TP nêu, mạng lưới bến xe khách liên tỉnh được lên kế hoạch di chuyển ra khỏi vành đai 3, đưa ra ngoài vành đai 4.

Trong đó, bến xe Gia Lâm và Giáp Bát sẽ di chuyển sau năm 2020, bến Mỹ Đình và Nước Ngầm di chuyển sau năm 2025.

Xây bến xe Yên Sở chỉ cách bến Nước Ngầm hơn 1km

Chủ trương là vậy, nhưng TP lại bất ngờ cho đầu tư xây bến xe Yên Sở chỉ cách bến Nước Ngầm hơn 1km, nằm ngay bên đường gom vành đai 3. Bến này theo quyết định đầu tư của UBND TP sẽ hoàn thành trong quý 2/2018.

Bến xe Yên Sở được xác định chỉ là “trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến quy hoạch xây dựng mới”, nhưng lại được TP cấp phép 50 năm, vượt tầm nhìn quy hoạch bến xe của TP.

Tại tờ trình 1070 tháng 12/2017 Sở GTVT gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc về đồ án quy hoạch bến xe TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hồi cuối năm 2017, cũng xác định rõ nguyên tắc chuyển các bến xe Hà Nôi ra khu vực vành đai 4.

Các bến hiện có trong khu vực đường vành đai 3 được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong đó bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ chuyển về bến xe Ngọc Hồi (bến phía Nam).

Khu đất xây dựng bến xe Yên Sở nằm sát vành đai 3

Tờ trình này cũng xác định Yên Sở là bến xe “trung hạn”, nằm trong lộ trình thay thế các bến xe khách cũ trong vành đai 3 và hỗ trợ cho bến Giáp Bát, Gia Lâm trong giai đoạn 2017-2020.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc TP xây bến xe tạm Yên Sở đối lập hoàn toàn chủ trương di chuyển bến xe ra khu vực đường vành đai 4, không phù hợp nguyên tắc do chính TP đề ra.

Bến xe Yên Sở gọi là tạm, nhưng lại cấp phép cho hoạt động 50 năm, trong khi các bến khác đang hoạt động lại cho chuyển đi. Điều này rõ ràng không hợp lý và thiếu nhất quán.

Bất thường về tổ chức giao thông?

Ông Nguyễn Duy Hùng (51 tuổi), Bí thư chi bộ cụm dân cư số 9, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho hay, hiện nay chưa có bến xe Yên Sở nhưng nhiều hôm lưu lượng phương tiện đông đúc đường vành đai 3 Yên Sở đã tắc đến tận Cầu Giẽ.

Ông Hùng dự báo, bến Yên Sở hoạt động sẽ không khác gì bến Mỹ Đình, Nước Ngầm khi cùng nằm sát vành đai 3. "Bến xe này chỉ cách bến Nước Ngầm hơn 1km, nhưng TP vẫn quyết định cho xây rồi lại chuyển bến Nước Ngầm, Mỹ Đình đi là bất hợp lý”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) nhấn mạnh, bến xe phải là nơi thuận tiện giao thông đi lại, đảm bảo đi lại an toàn và không gây ùn tắc giao thông. Trong khi khu vực đường vành đai 3 Yên Sở chỉ là đường gom nên TP cho xây bến xe ở đây là không hợp lý, chỉ tạo thêm áp lực giao thông trong khu vực.

Một DN vận tải chạy tuyến Thanh Hoá - Giáp Bát băn khoăn, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng bến xe Ngọc Hồi để chuyển bến Giáp Bát và sau này là bến Nước Ngầm xuống thì còn xây bến Yên Sở để làm gì.

Nhiều ý kiến cho rằng xây dựng bến xe khách liên tỉnh Yên Sở là bất hợp lý về quy hoạch giao thông

"Vừa qua TP điều chuyển các tuyến phía Nam từ Mỹ Đình về Giáp Bát, Nước Ngầm đã khiến nhiều DN phải phá sản vì xe không có khách. Nếu sắp tới lại tiếp tục điều chuyển về Yên Sở thì thực sự DN vận tải không sống nổi”, vị này than.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh đề nghị, TP đã có kế hoạch chuyển bến xe ra ngoại thành thì nên thực hiện chuyển đồng loạt, tránh tình trạng bến đi, bến ở lại.

“Đã chuyển thì phải chuyển cả, chứ tất cả đi mà có một bến Yên Sở ở lại chỉ hoạt động mấy năm, sẽ khiến các DN vận tải, đơn vị đầu tư bến xe đặt câu hỏi về sự bất hợp lý.

Quyết định xây dựng bến xe Yên Sở, về tổ chức giao thông là bất thường. Khi vẫn tồn tại bến xe Yên Sở trong nội đô, Hà Nội sẽ không thể thu hút được đầu tư tư nhân vào bến xe khác ở khu vực vành đai 4 như quy hoạch”, ông Thanh lo lắng.

Tác giả: Vũ Điệp

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP