Sai luật, sai cả thông tư
Báo Lao Động nhận được đơn kiến nghị của ông Phạm Hữu Hùng, nguyên Giám đốc TT GDTX Hà Tây (TP Hà Nội), Ủy viên Câu lạc bộ cán bộ quản lý các Trung tâm GDTX cấp tỉnh (thành phố) trong cả nước. Ông Hùng nay đã về hưu và phần lớn cuộc đời, ông dành tâm huyết cho ngành học đặc thù này.
Cầm trên tay sấp đơn thư, ông Hùng nói, ông xin được đại diện cho tập thể nguyên lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên TT GDTX Hà Tây và đông đảo học sinh, sinh viên đã và đang theo học tại đây. Ông cũng cam kết, toàn bộ những thông tin ông cung cấp là đúng sự thật, dấu đỏ chữ ký tươi, không sai dù chỉ một lời.
Câu chuyện bắt đầu khi ngày 28.9.2016, TT GDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TT GDTX Hà Tây và TT Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành TT Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.
Sấp đơn thư kiến nghị về vụ việc liên quan đến công tác sáp nhập.
Bên cạnh đó, một TT có quy mô tương tự và cũng thuộc cấp quản lý của TP là TT GDTX Đông Anh cũng chịu cảnh tương tự. Nghĩa là cùng lúc, 2 TT GDTX Hà Tây và Đông Anh bị xóa sổ. Còn bộ máy tổ chức thì bị "giáng cấp" quản lý, từ TP (trực thuộc sở GD&ĐT) về quận.
Là một người am tường pháp luật, ông Hùng nêu quan điểm, Quyết định số 5399 tồn tại nhiều vi phạm so với pháp luật hiện hành mà trong đó, cái sai dễ thấy nhất sai luật Giáo dục.
“Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi 2009) và nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2.8.2006 của chính phủ quy định: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một TT GDTX cấp tỉnh. Như vậy nếu đưa 2 TT GDTX Hà Tây và Đông Anh, vốn là TT cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp Quận thì trên địa bàn TP Hà Nội không còn Trung tâm cấp tỉnh, thành phố. Điều này rõ ràng không đúng với luật giáo dục và nghị định của chính phủ”, vị Nguyên giám đốc khẳng định.
Cũng theo ông Hùng, ở thời điểm hiện tại, nếu Quyết định trên được áp dụng, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước sạch bóng TT GDTX cấp tỉnh, thành phố. Trong khi đó, tại một đô thị lớn khác là TP HCM có tới 6 cơ sở như vậy.
Quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một TT GDTX cấp tỉnh được thể hiện trong luật.
Tiếp theo, ông cũng khẳng định, một trong các lý do để UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5399 nhằm sáp nhập các TT GDTX là dựa vào thông tư liên tịch số 39/2015 của liên Bộ GD&ĐT, LĐ-TB&XH và Nội vụ, hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
“Rõ ràng trong thông tư này, các TT GDTX cấp tỉnh, thành phố như Hà Tây hay Đông Anh không hề thuộc phạm vi điều chỉnh. Có nghĩa là, không thể lấy đó làm căn cứ sáp nhập”, ông Hùng thẳng thắn nói.
Khẩn mong được lưu tâm
Bên cạnh đó, vị nguyên lãnh đạo TT GDTX Hà Tây cũng chỉ ra một số căn cứ khác để phản biện lại quyết định sáp nhập. Ví dụ, trong các văn bản còn chưa ráo mực của Hà Nội như Nghị quyết 08/2016 (ký ngày 2.8.2016) của HĐND và Quyết định 41/2016 (ký ngày 19.9.2016) của UBND thì các TT GDTX cấp thành phố nằm trong các đối tượng được đầu tư dây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo…
Ngoài ra, ông Hùng cũng đưa ra nhiều dẫn chứng củ thể để khẳng định, cả TT GDTX Hà Tây và Đông Anh đều đang hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ.
Quyết định số 5399 này của UBND TP Hà Nội đang khiến nhiều người làm giáo dục cảm thấy lo lắng.
Ông thông tin: “TT GDTX Hà Tây được thành lập từ năm 1993, nay trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong 2 năm 2009 và 2015, TT đều vinh dự nhận được Quyết định xếp hạng IV. Tập thể TT luôn đoàn kết gắn bó, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt Chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáng kể phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương tỉnh Hà Tây trước đây và thủ đô Hà Nội hiện nay".
"Phạm vi hoạt động của TT GDTX cấp tỉnh, thành phố khác với Trung tâm GDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố; với mọi đối tương theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương trung tâm đóng; nhiều nhiệm vụ Trung tâm GDTX cấp tỉnh mới được phép làm mà Trung tâm cấp huyện không được phép làm".
"Việc nhận được quyết định của UBND TP Hà Nội đã khiến cho toàn thể cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh sinh viên tại trường bàng hoàng lo lắng. Hết sức khổ tâm. Cá nhân tôi thấy như "xát muối" vào lòng", ông Hùng tâm sự.
Trước hoàn cảnh đó, theo lời ông Phạm Hữu Hùng, TT GDTX Hà Tây đã có công văn số 91/CV-TTGDTX HT ngày 30.9.2016 gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT khẩn mong được xem xét, giữ nguyên hiện trạng TT GDTX Hà Tây là Trung tâm cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang còn chờ phía trước...
Liên quan đến kiến nghị này, PV Báo Lao Động đã liên hệ với Sở Nội vụ, cơ quan tham mưu chính cho UBND TP Hà Nội về vấn đề sáp nhập các TT GDTX, Dạy nghề, Hướng nghiệp để tìm câu trả lời phản hồi đến bạn đọc. |
Theo luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh - Hà Nội), chiếu trên các tài liệu tiếp cận được, ông nêu quan điểm cho rằng, có dấu hiệu để thấy Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội có xung đột về mặt pháp lý. Do đó, để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, không thể đem ra áp dụng được. |
Tác giả bài viết: NHÓM PV
Nguồn tin: