Mới học tiếng Anh “nghiêm túc” từ hai năm nay, nhưng Minh Thủy đã có “bảng thành tích” đáng nể.
Đó là Huy chương đồng cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp quốc gia năm 2016, trước đó là giải nhất cấp trường, giải nhì cấp quận, giải nhì TP, Giải ba Olympic tiếng Anh TP. Hà Nội năm 2016, Giải ba cuộc thi "We read " do Trường ĐH Hà Nội tổ chức 2015, Giải triển vọng "Summit Gala" 2015…
Đó là Huy chương đồng cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp quốc gia năm 2016, trước đó là giải nhất cấp trường, giải nhì cấp quận, giải nhì TP, Giải ba Olympic tiếng Anh TP. Hà Nội năm 2016, Giải ba cuộc thi "We read " do Trường ĐH Hà Nội tổ chức 2015, Giải triển vọng "Summit Gala" 2015…
"Elsa Minh Thủy"
Học tiếng Anh từ... Nữ hoàng băng giá
Mẹ của bé Thủy là chị Nguyễn Phương Thảo (đang làm việc tại Trường ĐH Thành Tây) cho biết Minh Thủy học tiếng Anh đúng ra là từ mầm non. “Như “phong trào” lâu nay, tại các trường mầm non công lập vẫn có việc đóng tiền để các bé học tiếng Anh. Gia đình tôi xác định cho con học cho biết, cho vui, nên hết mầm non thì bé Thủy nhớ được đúng hai từ “hello” và “apple”” - - chị Thảo vui vẻ cho biết.
Phải chính thức từ hè năm lớp 3 lên lớp 4, gia đình chị Thảo mới bắt đầu đầu tư học bài bản cho con học tiếng Anh. Lý do thì cũng rất tình cờ. “Vào mùa hè, chúng tôi hay cho các con đi xem phim hoạt hình tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. Các con tôi, cũng như bao đứa trẻ khác trong mùa hè năm đó, mê mẩn phim Frozen (Nữ hoàng băng giá)”.
Rồi tự nhiên, sau một tuần từ buổi xem phim, chị Thảo thấy con đã học thuộc lòng bài hát của phim là “Let it go”. “Cô nàng say sưa với bài đấy, sẵn sàng nhảy lên các sân khấu để hát Let it go nên mẹ bắt đầu tìm hiểu các lớp, các tài liệu dạy tiếng Anh để học”.
“Thời kỳ bạn ý thích bài Let it go, gần cả năm trời ở nhà lúc nào cũng hát Let it go, từ khi đi tắm tới lúc rửa bát... Bạn ý sẵn sàng xung phong lên các sân khấu hát bài đó, từ ở trường, ở CLB Ô xinh, tới Gala Summit, Ngôi sao bibi… Các đồ dùng chọn mua đều thích có hình Elsa như váy Elsa, bút chì, gọt bút, vở, sữa chua...”.
Đó là lúc chị mới “nghiêm túc” tìm hiểu về các tài liệu tiếng Anh. Bởi vì trước đây chị Thảo học tiếng Pháp ở cấp 2 và đại học. Chỉ có khoảng thời gian học cấp 3 là chị học tiếng Anh (vì khi đó trường cấp 3 của chị không dạy tiếng Pháp), nhưng cũng chỉ học trên lớp không học thêm gì vì định hướng vào đại học thi khối A.
“Trước đây, tôi khá thoải mái trong việc nuôi dạy con, không áp lực và không đặt kỳ vọng, chỉ là bạn ý thích gì thì mẹ sẽ đẩy cái sở thích đấy lên, nên không chú trọng các hoạt động dạy sớm. Gần như các chương trình học đều làm theo trên lớp, chỉ duy nhất tăng cường chú trọng là rèn thói quen đọc sách truyện và cuối tuần ra ngoài chơi” – chị Thảo cho biết về định hướng dạy con của mình.
“Đến nay, khi con thích học ngoại ngữ, tôi có tham khảo các quan điểm của 2 nhóm quan điểm - nên học tiếng Anh/ ngoại ngữ càng sớm càng tốt và chỉ học tiếng Anh/ ngoại ngữ khi đã vững tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi cũng không theo rõ ràng bên nào.
Bé Thủy thì mình cho học tiếng Anh, so với nhiều bạn, thì là muộn như vậy. Với ngay cả bé thứ 2, hiện gần 4 tuổi, thì tôi bắt đầu cho nghe các bài hát tiếng Anh, nghe truyện tiếng Anh nhưng không chú trọng con có ngấm được gì không và mẹ cũng không trò chuyện bằng tiếng Anh, vì trình độ của mẹ có hạn.
Nhưng mà tôi vẫn thích con nghe các câu truyện tiếng Việt biết hành văn bằng tiếng Việt rồi mới học các quy tắc ngữ pháp của tiếng Anh”.
Cô nàng say sưa với bài hát, sẵn sàng nhảy lên các sân khấu để hát Let it go
Học tiếng Anh trước hết là để đi du lịch
“Xuất phát điểm học tiếng Anh của bé Thủy là do con thích, mẹ tăng cường sách, tài liệu nên không có mục tiêu cụ thể. Nhưng khi con đã đam mê thì tôi đặt ra các lộ trình để bạn ý có thể nâng dần trình độ lên. Cô nàng rất hứng thú và vẫn ham thích tiếng Anh" - chị Thảo chia sẻ về cách thức hỗ trợ con học.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Thảo thấy rằng rất nhiều bố mẹ có khả năng sử dụng tiếng Anh nên hỗ trợ rất tốt cho con từ việc trò chuyện, tìm tài liệu, phương pháp học tiếng.
“Còn với phụ huynh không sử dụng tốt tiếng Anh như tôi vẫn có thể hỗ trợ con thông qua việc tìm đọc các chia sẻ hoặc hỏi kinh nghiệm của các bố mẹ đã có kinh nghiệm dạy con học tốt tiếng Anh trên các mạng xã hội như diễn đàn webtretho, các nhóm contuhoc...
Tìm tài liệu tương ứng trình độ của con mình hoặc con mình hứng thú trên các trang mạng như Let's study english now...
Cho con tham gia các nhóm, các hoạt động sử dụng tiếng Anh như CLB thuyết trình, hùng biện GPA, CLB tiếng Anh của GLN...
Tìm giáo viên dạy tiếng Anh thích hợp. Một số nhà chọn giáo viên để luyện thì, luyện đề cho con, còn quan điểm của nhà tôi thì chọn giáo viên tạo hứng thú để con tự học. Có nhà sính giáo viên nước ngoài kể cả không qua đào tạo sư phạm nhưng tôi chọn giáo viên Việt Nam có trình độ và phương pháp dạy trẻ em... Việc này tùy thuộc vào mục đích và yêu cầu của từng gia đình”.
Chị Thảo cho biết du học không phải mục tiêu hàng đầu mà chị đặt ra khi con đi học và kể cả khi con học khá tiếng Anh.
“Hiện tại, bạn ý mới bắt đầu lên cấp 2, gia đình xác định ngoại ngữ là công cụ bổ trợ để có thể đi du lịch khám phá nước ngoài và có thể sử dụng tài liệu nước ngoài để tăng kiến thức văn hóa, khoa học.
Nếu lên cấp 3, con tìm hiểu kỹ các thông tin và muốn đi du học thì bố mẹ cũng ủng hộ, nên ở thời điểm đó, bố mẹ bắt đầu chuẩn bị tài chính và các kỹ năng sống độc lập cho con”.
Tác giả bài viết: Ngân Anh
Nguồn tin: