Giáo dục

Đừng xem nhẹ việc ghi nhận xét học sinh

Việc nhiều phụ huynh khi đọc sổ liên lạc của con em mình vẫn chưa thấy hết thực chất về kết quả học tập và rèn luyện hạnh kiểm là do giáo viên chủ nhiệm chưa có những nhận xét thỏa đáng.

Lời nhận xét đúng và hay sẽ là nguồn động viên, khích lệ học sinh. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kiểu phê rất... "chất" !

Vừa rồi, lên lớp dạy, tôi rất bất ngờ khi thấy ở phần nhận xét tiết học Anh văn trong sổ ghi đầu bài có vẽ hình mặt người cười (một biểu tượng chỉ sự vui vẻ trên điện thoại thông minh hiện nay). Tưởng là học sinh (HS) nào ghi bậy, tôi hỏi lớp thì các em nói đó là nhận xét của giáo viên (GV) nước ngoài ở giờ này. Họ nhận xét như thế để đánh giá giờ học tốt, vui vẻ.

Mới đây trên Facebook có chia sẻ ảnh chụp lại lời phê vào sổ ghi đầu bài của một GV về một HS vô lễ. Lời phê cụ thể như sau: "H. nói "Nhìn cái đéo gì mà nhìn" khi GV nhìn, quan sát HS". Chia sẻ này nhận được rất nhiều bình luận. Trong đó có bình luận đáng chú ý: "Theo bạn, H. "chất" hay GV ghi sổ "chất"?". Ý nói rằng điều đáng bàn ở đây là vi phạm của HS hay là cách ghi của GV. Rõ ràng, mặc dù GV muốn phản ảnh một cách chính xác lỗi của HS nhưng ghi như thế vào sổ là không nên, chỉ nên cho HS ghi vào bản kiểm điểm!

Trên thực tế còn rất nhiều nhận xét của GV chưa thật "chuẩn". Chẳng hạn, sổ liên lạc của một HS lớp 9 có lời nhận xét của GV như sau: "Em bị bệnh hôi chân, làm mất tập trung của HS khác trong lớp, đề nghị phụ huynh cho em đi khám bác sĩ!". Lời nhận xét này đúng thực tế, rất cần thiết, nhưng nghe nực cười và không nên. Vì những tình huống như thế chỉ nên trao đổi riêng qua điện thoại với phụ huynh, chứ không cần ghi vào sổ.

Cuối năm học vừa rồi, GV chủ nhiệm lớp 11 một trường THPT ở Q.Tân Bình TP.HCM đã phê rất "mùi" vào sổ liên lạc của một HS, và được em này chia sẻ trên Facebook: "Em đã cố gắng nhiều trong học tập. Cô khen! Nhưng phải chuyên cần hơn nhé! Thương em!". Mặc dù lời phê thể hiện tình thương, sự quan tâm của cô đối với trò nhưng nó chưa thật phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, vì mục đích chính của sổ liên lạc là để thông tin, trao đổi giữa giáo viên/nhà trường và phụ huynh.

"Như... văn mẫu"

Những dẫn chứng trên là một thực tế rất phổ biến về việc ghi lời nhận xét của GV trong hồ sơ học tập (sổ liên lạc, học bạ, cả bài kiểm tra) của HS tất cả các cấp ở nhà trường hiện nay.

Có những cách phê bị cho là "như... văn mẫu", khô cứng, sáo rỗng, nhiều điểm bất nhất, thiếu hợp lý, ít hiệu quả. Dễ thấy nhất là trong sổ liên lạc và học bạ, nhiều GV chỉ chú trọng đến việc báo điểm, xếp loại học lực và hạnh kiểm chứ rất "khiêm tốn" về lời nhận xét, hoặc lặp đi lặp lại một số từ ngữ đơn điệu. Vì thế không phản ánh được hết tình hình học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức của HS cũng như sự khác biệt giữa HS này với HS khác.

Việc ghi nhận xét của GV cần được chú trọng. Đó vừa là thước đo lượng giá kiến thức, đạo đức giúp HS biết điểm yếu của mình để điều chỉnh. Lời nhận xét đúng và hay sẽ là nguồn động viên, khích lệ HS, ngược lại sẽ khiến các em mặc cảm, thiếu hứng thú, thiếu cảm tình với GV, thiếu nhiệt tình với việc học tập và rèn luyện...

Mặc dù quan trọng như thế nhưng điều này ít được bàn đến trong các hoạt động dạy học ở nhà trường. Vì vậy, việc ghi nhận xét của GV xem như thả nổi, mạnh ai nấy làm.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP