Giáo dục

Dệt ước mơ cho cô giáo Sầm Thị Sen

Những tấm lòng nhân ái, sự chia sẻ của cộng đồng xã hội đã mang lại niềm hy vọng, mở hướng tương lai cho cuộc sống của cô giáo Sầm Thị Sen. Như vây, tình yêu thương vẫn được trao gửi đã và sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời này.

Sầm Thị Sen là một hoàn cảnh của chương trình Nhịp cầu nhân ái: có nguy cơ phải bỏ học vì bố mất sớm, mẹ bệnh nặng cần kề cái chết. Nhưng bây giờ ước mơ trở thành giáo viên của Sen đã trở thành hiện thực.

Nét rạng ngời của cô giáo Sầm Thị Sen...


Chúng tôi gặp lại Sầm Thị Sen vào một ngày đầu tháng 10 đẹp trời. Sen đã hoàn toàn đổi khác: nét mặt rạng ngời, phong cách đĩnh đạc khiến không ai có thể ngờ rằng cuộc sống bế tắc của cô chỉ vừa xảy ra cách đây chưa đầy 1 năm.

Chính Sen cũng còn ngỡ ngàng khi được đứng trên bục giảng của trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Châu Lý – Quỳ Hợp: Đến trong mơ em cũng không dám nghĩ tới là mình có thể được đứng trên bục giảng như hôm nay, lại chính ngay trên quê hương Quỳ Hợp của mình. Lúc đó, em nghĩ rằng mình không thể học tiếp. Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì không biết cuộc sống của em sẽ như thế nào?”

Chịu cảnh mồ côi cha từ khi còn nhỏ, Sen được đến trường theo học cùng bè bạn và sau này theo học tại khoa Toán trường Đại học Vinh là cả sự nỗ lực lớn của cả hai mẹ con.

... khác hẳn Sầm Thị Sen trong hoàn cảnh bế tắc của năm trước


Sen vừa học vừa đi làm thêm để có thể trang trải cho cuộc sống sinh viên xa nhà. Khó khăn là vậy nhưng em vẫn luôn nỗ lực học tốt khiến thầy cô và bạn bè nể phục. Sầm Thị Sen đã vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Vậy nhưng, chị Hồng, mẹ của Sen, đã măc phải căn bệnh ung thư vú, không có điều kiện chạy chữa, bệnh ngày một nặng thêm. Đến khi Sen đang học năm thứ tư thì phải thường xuyên nghỉ học về quê chăm mẹ. Không có thời gian, tiền bạc nên Sen đã tính chuyện bỏ học.

Biết được hoàn cảnh của Sầm Thị Sen, chương trình Nhịp cầu nhân ái của Đài PTTH Nghệ An đã giới thiệu em trong số đầu tiên của năm 2016. Từ đây, bạn bè, thầy cô, hàng xóm họ hàng và nhiều tấm lòng nhân ái trong cộng đồng đã chia sẻ, giúp đỡ để Sen có điều kiện học tiếp và có tấm bằng tốt nghiệp đại học sư phạm toán.

Ngôi trường PTDT bán trú THCS Châu Lý, Quỳ Hợp – nơi Sen đang giảng dạy


Trong số những người tốt mà Sen may mắn gặp được có bà Phạm Thị Hồng Thái, nguyên là chủ tịch hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An. Sen chia sẻ: “Cô Thái đã động viên, giúp đỡ em rất nhiều: khi mẹ em mất, khi em ốm phải nằm viện, khi em đi thực tập…Và đặc biệt, chính cô là người đã hướng dẫn, đồng hành cùng với em để có được công việc hiện nay, trong khi rất nhiều bạn bè cùng ra trường với em vẫn chưa tìm được việc làm”

Khi được hỏi về lý do để giúp đỡ Sen, bà Thái tâm sự: “Biết Sen là cô bé người dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn thế mà vẫn rất nỗ lực phấn đấu nên tôi thương, tôi muốn giúp cháu có công ăn việc làm. Để Sen được đứng trên bục giảng như hôm nay còn dựa và sự phấn đấu của chính cháu và sự đồng hành của Sơ Nội vụ, Sở Giáo dục tỉnh, phòng giáo dục huyện Quỳ Hợp”

Những tấm lòng nhân ái, sự chia sẻ của cộng đồng xã hội đã mang lại niềm hy vọng, mở hướng tương lai cho cuộc sống của cô giáo Sầm Thị Sen. Như vây, tình yêu thương vẫn được trao gửi đã và sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời này.

Tác giả bài viết: Hồng Nhung – Thu Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP