|
Đối diện với ung thư nhờ nắm chặt tay vợ!
Rộ: "Ba thương em! Em chịu khó nhé"!
Thiên: "Ba cố lên! Em thương ba nhất"!
Đó là hai câu nói mà vợ chồng Thiên Rộ nói với nhau nhiều nhất, thường xuyên nhất, đều đặn nhất, mỗi ngày, mỗi thời khắc... và chẳng bao giờ thấy thừa.
Hơn 2 năm qua, hình ảnh cặp vợ chồng Rộ và Thiên nắm chặt tay nhau tung tăng dọc hành lang Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cười vui vẻ chẳng hề xa lạ với các bệnh nhân tại đây.
Hai vợ chồng có tên thật là Nguyễn Trọng Hùng (37 tuổi) và Nguyễn Thị Thiên (35 tuổi).
Nhiều khi 2 vợ chồng thả thính nhau ngay trên giường bệnh, khiến các bệnh nhân khác cũng phải cười thích thú. "Chẳng ai nghĩ ở một không gian đầy sự đìu hiu lại có ‘vầng sáng’ lạc quan như đôi chim ri này cả", chị Thiên vợ anh Hùng nói lại nhận xét của mọi người trong viện dành cho 2 vợ chồng.
Đợt này, Hà Nội dịch căng, cả 2 xin bác sĩ về quê tĩnh dưỡng và đoàn tụ với con trai 8 tuổi sau nhiều tháng ‘cắm chốt’ tại Thủ đô. Không biết là lần thứ mấy hai anh chị dắt tay nhau từ Vinh ra Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội về Vinh.
Anh Hùng đã trải qua khá nhiều cung bậc cảm xúc khi mắc bệnh. Ảnh: NVCC. |
Hơn 2 năm về trước, trong 1 lần sốt nhẹ vào đầu tháng 11/2019, anh Hùng được chẩn đoán căn bệnh ung thư máu (lơ-xê-mi cấp thể M4). Khi ấy, bác sĩ thông báo với vợ anh là tiên lượng của anh rất xấu, máu ngoại vi đã có hơn 90% tế bào ác tính, chỉ có truyền hoá chất kịp thời, nếu đáp ứng thì mới có cơ hội kéo dài thời gian.
Chôn chân một lúc khi nghe thông báo, người con gái hơn 30 tuổi vực dậy tinh thần ngay tức thì, chị Thiên mạnh mẽ bảo: "Còn nước còn tát, Thiên sẽ làm tất cả để giữ Rộ lại bên mình lâu hơn".
"2 vợ chồng quyết định bán xe máy, bán mảnh vườn nhỏ ở quê, bán tất cả những gì có giá trị để ba nhập viện. Tôi vay thêm bạn bè, anh em hàng xóm, quyết tâm chữa cho Rộ", chị Thiên kể và cho biết danh xưng "Ba" và "Rộ" luôn được chị ưu ái mỗi khi xưng hô với anh Hùng. 10 năm qua, hơn 2 năm yêu, 8 năm kết hôn, chị đã quen với cách gọi này.
Chị Thiên tâm sự, ngay từ đầu anh Hùng lao vào ‘cuộc chiến K’ đã khốc liệt, ngày anh Hùng vào hóa chất, anh chẳng khác nào cái xác không hồn nằm bất động trên giường bệnh. Xuất huyết dưới da, nôn thốc nôn tháo, nằm im lìm và không thể nói cười. Ai cũng đoán chồng chị rồi sẽ chẳng thể nào vượt qua được để đón cái Tết Nguyên đán sắp cận kề lúc ấy.
Anh Hùng luôn có đôi bàn tay vợ nắm mọi lúc, mọi nơi. |
Ấy thế, chẳng biết bằng nghị lực nào đó, chồng chị trải qua hơn 300 ngày điều trị hóa chất nội trú, hơn 200 ngày hóa chất ngoại trú, 12 lần chọc hút dịch tuỷ xương, 1 lần khoan xương sinh thiết, 6 lần tiêm tuỷ sống điều trị tế bào ác tính thâm nhiễm não. Riêng các khoản chụp MRI sọ não, chụp CT, chụp X-quang, siêu âm thì chẳng nhớ nổi là bao nhiêu lần nữa. Có đôi lúc người đồng bệnh bên cạnh còn đùa rằng: "Giờ mà tính số chai dịch truyền hoá chất, tiểu cầu, hồng cầu và kháng sinh vào người anh chắc sắp đầy cả xe container rồi".
Chị Thiên kể tiếp, ban đầu qua 4 đợt hóa chất vật vã, bác sĩ đánh giá đáp ứng điều trị khá tốt. Hai đứa mừng thầm, nuôi nấng hy vọng thời gian bệnh ổn định dài dài. Thế nhưng được hơn 6 tháng thì bệnh tái phát, 2 vợ chồng lại đứng trước tình cảnh 'một mất một còn'.
"Hai đứa liều chọn phương án ghép tế bào gốc (ghép tuỷ) cho Rộ, vì đó gần như là cơ hội tốt nhất để có thể cứu Rộ thêm lần nữa. Nhưng éo le thay, cần rất nhiều tiền để bắt đầu hành trình này. Hai đứa gần như 'tay không bắt giặc', chưa nói đến việc còn nợ bạn bè chưa có trả", chị kể và quyết định cuối cùng là mạnh dạn ‘xin tiền’ người lạ trên mạng xã hội.
"Tôi nói với Rộ, 'chúng ta xin mọi người giúp đỡ ba ạ, mọi người thương ba, thương gia đình mình, mình cứ hy vọng. Vì nếu không làm thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Em không thể để ba chết được", chị Thiên quả quyết.
Rồi thế là hành trình lại được nối với vòng tay nhân ái của mọi người. Từ khoa Điều trị hoá chất, anh Hùng được chuyển đến Khoa ghép tế bào gốc (ghép tuỷ) để bắt đầu điều trị. Hai vợ chồng chị Thiên bắt đầu thuê phòng trọ, chị Thiên nấu nướng tẩm bổ cho anh Hùng có thêm sức chiến đấu, đây cũng làm nơi để nghỉ ngơi những khi dịch bệnh không thể về quê.
Trải qua hai đợt hoá chất liều cao điều trị tái phát đạt kết quả tốt, đạt yêu cầu để ghép tuỷ, bác sĩ lên kế hoạch để anh trai anh Hùng nhập viện gạn tách tế bào gốc.
Ngoài vợ, cậu con trai 8 tuổi ở quê cũng là động lực giúp anh Hùng vượt qua bệnh mỗi ngày. |
Hai vợ chồng chờ, đếm từng ngày. Lúc đó, Hà Nội bùng phát dịch Covid-19. Hai vợ chồng bám trụ cả ngày ở phòng trọ, không dám ra ngoài để giữ gìn thể trạng theo lời dặn của bác sĩ.
Thế nhưng mọi thứ đột ngột đảo lộn. Anh trai Hùng thay đổi quyết định không hiến tế bào gốc cho nữa. Bác sĩ phải chuyển sang phương án chọn tế bào gốc của chị gái, nhưng khi xét nghiệm gene của anh Hùng lần cuối thì phát hiện kháng thể chống chủ với người hiến.
"Hụt hẫng. Buồn. Nhiều lần hai đứa ôm nhau khóc như hai đứa trẻ. Cảm giác như bị rơi xuống vực thẳm. 'Nếu mất ý chí là mất tất cả', đó là ý nghĩ của hai vợ chồng khi đối mặt khó khăn. Tôi và chồng lại giữ vững quyết tâm, gặp bác sĩ nhờ tư vấn", chị Thiên nhớ lại.
Phương án mới được thống nhất: Bác sĩ gửi mẫu gene của anh Hùng để tìm mẫu máu dây rốn cộng đồng tương thích. Đồng thời, anh Hùng sẽ truyền hoá chất duy trì (dự phòng tái phát) trong lúc chờ đợi.
"Hình như không phải cuộc chiến nào cũng dễ dàng, buổi sáng trước hôm vào truyền hoá chất vài ngày, khi vừa thức giấc, Rộ thấy trời đất quay cuồng, không thể nghiêng đầu, không thể tự cân bằng khi ngồi hoặc đi lại. Bác sĩ chỉ định mọi sinh hoạt thực hiện tại giường.
Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ cho thấy có 75% tế bào ác tính đã thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương. Bệnh của Rộ đã tái phát lần thứ 2. Và thật khắc nghiệt, mới bắt đầu tái phát ở mức nhẹ nhưng đã thâm nhiễm lên não (trường hợp hiếm khi xảy ra với thể bệnh của Rộ)", 2 vợ chồng khá bất ngờ với kết quả bác sĩ kết luận.
Đi đến đâu cặp đôi Thiên - Rộ cũng như hình với bóng. |
Nói đến cái chết nhưng không sợ hãi
Nhưng 2 vợ chồng cứ cố gắng hết mình đến tận bây giờ. Từ lúc anh Hùng ốm, hai vợ chồng đã không ít lần nói với nhau về cái chết, mỗi lần nói vẫn luôn là một trạng thái khác nhau, có vui, có buồn, có lo lắng, có sợ hãi, có lạc quan, có cả hy vọng.
"Ròng rã suốt 2 năm 4 tháng ấy, Rộ là hình, còn Thiên là bóng. Rộ đi đâu, Thiên theo đó. Rộ ở viện, Thiên ở viện. Rộ về nhà nghỉ ngơi, Thiên về nhà cùng Rộ.
Cũng từ hôm ấy đến nay, đã hơn 2 năm. Rộ của Thiên đã trải qua 10 đợt điều trị hoá chất, gần chục mũi tiêm hoá chất trực tiếp vào tuỷ sống, không nhớ bao nhiêu lần chọc sinh thiết tuỷ. Và Thiên cũng chẳng dám nhớ đã bao lần Rộ thập tử nhất sinh. Chỉ biết rằng, thời gian ấy và dĩ nhiên là hôm nay, ngày mai và ngày mai nữa, dù thế giới có xảy ra chuyện gì, thì Thiên vẫn cứ là bóng của Rộ, 24/24", chị Thiên tâm sự.
Hơn 2 năm ấy, Thiên và Rộ song hành cùng nhau, bám lấy nhau nhiều đến nỗi, nếu không thấy Thiên lẽo đẽo sau lưng mỗi khi Rộ đi thể dục ở hành lang, y rằng các chị điều dưỡng sẽ hỏi: "Vợ hôm nay đi đâu mà để chồng đi một mình lang thang thế này?".
Cũng chừng 2 năm đó, chị Thiên bỏ hết công việc để cùng chồng chiến đấu với ‘bạn K’ máu. Chị Thiên gạt nước mắt trong nỗi nhớ cậu con trai đã tròn 8 tuổi ở quê ngoại. Chị quên hết những hào nhoáng bên ngoài, những xa xỉ mà trước đây bản thân mình vẫn thích thú, những đam mê sở thích cá nhân... để bên chồng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi một khoảnh khắc.
"Chỉ cần được bên chồng, được nhìn thấy, được tay trong tay, dù trong hạnh phúc hay đau đớn, trong vui vẻ hay buồn lo, trong lạc quan và cả những lúc chán nản... Thiên muốn Rộ có Thiên ở bên. Được thời gian nào hay thời gian ấy. Vì chúng tôi cần thời gian cho nhau", chị nói.
Chị Thiên chia sẻ thêm cuộc chiến chống ung thư khó nhất là tinh thần của người bệnh. Là sự thấu hiểu giữa người bệnh và người nhà, sự cảm thông yêu thương dành cho nhau. Người bệnh cần sự yêu thương, đồng hành, thấu hiểu của người thân, người thân cần sự chia sẻ, cảm thông, động viên từ người bệnh. Như thế cuộc chiến mới nhẹ nhàng được.
Những câu tỏ tình, thả thính của chị Thiên ngay trên giường bệnh khiến anh Hùng cười tít mắt. |
"Quan trọng nhất chính là suy nghĩ và sống cho hiện tại, không nghĩ về tương lai, càng không nhớ về quá khứ. Sống vui ở hiện tại mới là điều quan trọng và cũng là điều khó nhất. Chúng tôi là những người rất lạc quan, nhưng thật sự cũng chỉ đạt được 99%, 1% còn lại vẫn là không thể giấu được cảm xúc của chính mình. Nỗi sợ mất đi người yêu thương lớn lắm. 2 vợ chồng mỗi ngày đều dặn lòng, dặn nhau sống hết mình tích cực, vui vẻ, tu tập sống an lạc, yêu thương nhau trọn vẹn thì sẽ được dài lâu", chị Thiên cảm xúc.
"Chỉ cần mỗi ngày được khen ba đẹp trai, động viên ba ăn uống và tập luyện, dù khó khăn, khổ cực đến mấy tôi cũng sẵn lòng cùng ba. Với tôi, Rộ là chồng, là bạn, là thầy, là cha và là tất cả trong suốt cuộc đời này. Còn nhiều chuyện chúng tôi cần kể cho nhau nghe, còn nhiều việc muốn cùng nhau vượt qua. Thời gian hơn 10 năm qua chúng tôi vẫn chưa đủ thỏa mãn, tôi và Rộ cần nhiều hơn nữa", chị Thiên nhủ lòng.
Tác giả: Mộc Trà
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị