Du lịch

Chiêm ngưỡng ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" nặng hơn 10kg vàng ở Bắc Ninh

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Trọng Hà, Giám đốc phụ trách chuyên môn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cho biết, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" khi về Việt Nam được bảo quản nghiêm ngặt, cẩn thận, có hệ thống camera giám sát 24/24 và 4-5 bảo vệ túc trực ngày đêm.

Sau thời gian hơn 1 năm thương thảo và thực hiện các thử tục pháp lý, ngày 18/11 vừa qua, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã chính thức hồi hương, được chuyển giao cho Bảo tàng Nam Hồng (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hiện đặt ở Bảo tàng Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Bảo tàng đang gấp rút hoàn thiện thêm các hạng mục: Hệ thống thang máy, cửa... để đảm bảo an ninh. Chia sẻ với báo chí, ông Trần Trọng Hà, Giám đốc phụ trách chuyên môn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng - cho biết, ấn vàng được trưng bày tại tầng 5 của tòa nhà, muốn lên phải di chuyển bằng thang máy, có camera và 4-5 bảo vệ túc trực 24/24h. Nơi này vẫn chưa mở cửa cho mọi người, chỉ đón tiếp khách quen, các chuyên gia về văn hóa đến chiêm ngưỡng.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn của tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của Nhân dân Việt Nam - Nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Trong gần 150 năm tồn tại, triều Nguyền có hơn 100 chiếc ấn được tạo tác từ các loại vật liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà voi, thậm chí cả từ thiên thạch..., nhưng "Hoàng đế chi bảo" vẫn là chiếc ấn có giá trị vượt trội, không chỉ bởi kích thước, chất liệu, tính thẩm mĩ mà còn do sứ mệnh mà nó được giao phó. Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là tên gọi Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841). Ấn cao 10,4cm, nặng 10,78kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chạm khắc tinh xảo, là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc. Bảo vật được trưng bày bên cạnh chân dung vua Minh Mạng và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay khi về nước, chiếc ấn được chờ đợi là sẽ xuất hiện tại các phòng trưng bày của Bảo tàng lịch sử quốc gia tại Hà Nội, cũng như tại Thừa Thiên - Huế. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7kg).

Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của Hoàng đế). Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài...

Ông Nguyễn Thế Hồng, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, ông cũng như nhiều người sưu tầm đồ cổ rất vui khi nhận được các cơ quan, ban ngành hỗ trợ ông và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng sở hữu ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và hồi hương về Việt Nam an toàn.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một bảo vật mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và chính trị của đất nước.

Ngoài ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng còn trưng bày nhiều cổ vật như Bình vôi vàng thời vua Mạc Mậu Hợp thời kỳ Sùng Khang năm 1566 – 1577, Bảo vật quốc gia Thạp đồng văn hóa Đông Sơn.

Cận cảnh chiếc bình vôi vàng thời nhà Mạc.

Tác giả: Đình Trung

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP