Thâm nhập đường dây buôn bán hổ từ Lào về Việt Nam
Mỗi con hổ được mua bán có trọng lượng trung bình từ 100 – 300 kg. Vậy bằng cách nào mà “con voi chui lọt lỗ kim” khi đi qua nhiều chốt kiểm soát gắt gao của cơ quan chức năng 2 nước Lào – Việt?
“Bà trùm” đã hẹn là trưa hôm sau sẽ cho nhóm PV tiếp cận với một số quan chức ở Lạc Xao, rồi sẽ nhờ họ dẫn vào bên trong trại hổ ở bản Phòn Phèng. Nhưng mãi đến tận chiều muộn bà mới qua khỏi cửa khẩu Nậm Phao.
Lên xe, “bà trùm” tức thì nhấc máy gọi điện, bật cả loa ngoài cho dễ nghe. Một vài người từ chối luôn việc đưa chúng tôi vào trại hổ. Có một cán bộ ở thị trấn Lạc Xao, rất thân với “bà trùm” xem chừng có vẻ sẽ giúp, nhưng anh ta cứ hỏi đi hỏi lại mục đích thực sự của việc vào khu trại bí ẩn ấy của mọi người.
Ngồi tại một quán cafe ven đường, 30 phút sau, người này đánh chiếc xe ô tô sang trọng ra chỗ chúng tôi. Anh có tên Việt Nam là V., nói tiếng Việt rất tốt vì có 7 năm du học tại Việt Nam.
Qua trao đổi, anh V. cho biết, không thể vào được trại hổ, nếu không có sự đồng ý của họ, hoặc sự can thiệp của cấp trên. Bản thân anh cũng như một số cán bộ ở Lạc Xao, mặc dù là cán bộ địa phương nhưng không một ai dám tự tiện. Người đứng tên trang trại đấy là ông S., người Lào, còn chủ thật sự của trang trại thì anh không rõ, chỉ biết là người Việt.
Ông S. có mối quan hệ khá rộng. Trại hổ ở bản Phòn Phèng cũng có mối liên hệ chặt chẽ với một trại hổ khả lớn khác ở Viêng Chăn. Theo lời anh, nếu muốn vào trại xem hổ hay mua hổ thì cứ đến trực tiếp nhà ông S. trình bày. Ông ta không phải là người khó tính, nhất là có “bà trùm” và anh ta là người đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi liên hệ, mới biết ông S. đang đi công tác ở Viêng Chăn, chắc phải qua tết té nước của Lào (ngày 16/4) mới trở về Lạc Xao.
Với ông S., việc vận chuyển hổ qua cửa khẩu Nậm Phao vào Việt Nam rất dễ dàng. Hổ lớn thì sẽ có xe sẽ vận chuyển vào ban đêm, hổ con sẽ được người Mông ở biên giới vác qua núi, sau khi tiêm thuốc mê. Nếu là hổ chết thì sẽ cho vào hộp xốp, rồi dùng xe khách đưa qua cửa khẩu.
Có vẻ tin tưởng khi thấy nhóm PV khá thân mật với “bà trùm”, anh V. nói thêm: “Nếu có hàng và chỉ vận chuyển hổ ra khỏi nước Lào thì mình tôi đứng ra lo cũng được, đâu cần phải nhờ đến ông S. cho mất nhiều công đoạn. Cứ yên tâm là chỗ anh em nên tôi sẽ tính chi phí với giá rẻ nhất…”.
Trong những ngày lang thang trên đất Lạc Xao và tiếp xúc với một số đầu nậu khác, tất cả đều khẳng định, những cách thức vận chuyển mà anh V. chia sẻ là hoàn toàn chính xác. Không chỉ mỗi ông S., một số đường dây buôn “hàng con” độc lập khác cũng áp dụng phương pháp vận chuyển tương tự như vậy.
Trên đường trở về Cầu Treo, một chốt liên ngành của Lào thấy xe của nhóm PV mang biển số lạ đến từ Việt Nam liền tức khắc dừng lại và khám xét kỹ càng từng ngóc ngách. “Bà trùm” trấn an chúng tôi: “Xe nào họ cũng kiểm tra cả, không sao đâu”.
Theo điều tra của chúng tôi, khi hổ ra khỏi đất Lào, đến sát biên giới Việt Nam thì sẽ có những đầu nậu Việt Nam tiếp nhận, có đủ mưu ma chước quỷ để đưa vào nội địa. Với hổ nguyên con, họ thường mổ bụng vứt bỏ nội tạng để tránh xác hổ mau thối rữa và bốc mùi khi vận chuyển, sau đó là thuê người khiêng vượt suối, băng rừng.
Nếu cơ quan chức năng làm việc gắt gao, thì nhóm buôn lậu lột da, chặt hổ thành từng phần gồm đầu và tứ chi để vận chuyển cho dễ. Khi có đủ các bộ phận ở nơi tập kết, thì ráp lại hoàn chỉnh. Còn cách nữa, là con hổ xấu số sẽ bị xẻ thịt róc xương phía bên kia biên giới, vừa làm vừa quay video, chụp ảnh để khi về đến Việt Nam sẽ cho khách mua xương xem làm tin. Dĩ nhiên là giá rẻ hơn nguyên con rất nhiều.
Khách nhận hàng ở thị trấn Tây Sơn thuộc khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, rồi thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh), hoặc trên đường 8, trên Đường mòn Hồ Chí Minh, hay ở Quốc lộ 1A… mỗi nơi đều có một mức giá khác nhau đối với hổ hay bất cứ “hàng con” nào khác. Tất cả đều được đội vận chuyển của các đầu nậu bao đến tận nơi.
Một nguồn tin riêng của chúng tôi cung cấp, họ nghi ngờ một số trang trại nuôi hổ tại Việt Nam tuồn hổ con và hổ sinh sản sang Lào, nuôi hợp pháp dưới hình thức bảo tồn và nhân giống.
Trở lại với mảnh đất Diễn Châu (Nghệ An), nơi được dân buôn mệnh danh là “thủ phủ cao hổ miền trung”, một ông trùm tên T. chuyên cung cấp cao hổ và luôn đảm bảo hàng thật nói: “Giá hổ nguyên con thì trung bình hiện nay đang ở mức 4 triệu/kg”.
Một con hổ tầm tạ rưỡi may chăng chỉ thu được tầm 10-12kg xương, trộn với một ít nhung hươu, phụ gia và một phần nhỏ xương sơn dương (phi sơn dương bất thành hổ cốt), mai rùa, thì khi nấu cho ra chừng hơn 4kg cao thành phẩm. Thêm các khoản chi phí khác thì giá 1 lạng cao hổ cốt loại xịn không bao giờ dưới mức 20 triệu đồng”.
Giá cao hổ trên thị trường chợ đen khá trôi nổi. Những kẻ rao bán cao hổ cốt với giá vài triệu/kg dứt khoát là cao rởm, được nấu từ xương động vật khác và chế thêm ít thuốc phiện vào. Nhiều người không biết chỉ mới uống chừng một muỗng nhỏ đã cảm thấy hưng phấn, nóng trong người, liền cho là “thần dược”, không biết rằng mình ăn phải quả lừa to đùng.
Ông T. khẳng định thêm, cao hổ của ông cần bao nhiêu cũng có. Hoặc nếu chúng tôi muốn mua hổ cả con tại Hà Nội, mang về tự róc xương và nấu cao cho chắc ăn khỏi bị lừa thì ông T. cũng cung cấp hàng đầy đủ.
Hổ ở Việt Nam không còn, nguồn nguyên liệu cho nồi cao nhà ông này chỉ toàn từ phía Lào cung cấp, theo những con đường vận chuyển khác nhau.
Chỉ cần đặt tiền, cho địa chỉ, không quá 1 tuần, sẽ có ô tô chở hổ đến tận nhà. Tất nhiên, giá cả sẽ khác so với việc chúng tôi xem trực tiếp nấu và mua cao ở đất Diễn Châu.
Tác giả bài viết: Nhóm PVĐT
Nguồn tin: