Kinh tế

Bùng nổ người nổi tiếng bán hàng online ''giá cắt cổ'

Người mua hàng phát hiện viên kim cương mua 2 tỉ ở chỗ người nổi tiếng là hàng rởm và bị đội giá gấp ba. Người này cho biết đã đi nhiều cửa hàng đá quý uy tín để thử và phát hiện giá trị viên kim cương này chỉ tầm 18.500 USD (hơn 400 triệu).

Trang mạng cá nhân của các nghệ sĩ nổi tiếng luôn có nhiều fan theo dõi và nhiều nghệ sĩ đã tận dụng lợi thế này để bán hàng online hoặc “rì viu” sản phẩm - Ảnh: Q.ĐỊNH

Với ưu thế có sẵn lượng khán giả đông đảo, nhiều người nổi tiếng chọn việc bán hàng hoặc 'rì viu' (review) sản phẩm trên trang cá nhân để có thu nhập, trong đó nhiều người có thu nhập khủng nhờ bán hàng online.

Nghệ sĩ bán hàng online không còn hiếm, thậm chí còn "bùng nổ" hơn trong đợt dịch COVID-19. Đa phần họ bán những món hàng giá trị nhỏ như đồ ăn vặt (chân gà, patê, khô heo...) hay giá trị lớn hơn thì có mỹ phẩm xách tay, thực phẩm nhập khẩu…

Một số người nổi tiếng bán hàng "chính chủ", cũng có nhiều người nhận làm "rì viu" giùm, quảng cáo sản phẩm cho nhãn hàng khác.

Sản phẩm như nhau, giá "cắt cổ"

Tuy nhiên nhiều "nạn nhân" cho biết không phải sản phẩm nào được người nổi tiếng rao bán trên trang cá nhân cũng đáng tin cậy về mặt chất lượng hay giá cả tương xứng với món hàng, giá đắt nhưng không xắt ra miếng. Vụ tranh cãi giữa một chủ tài khoản khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng với đơn hàng mua từ một nữ doanh nhân - vợ cũ của một nghệ sĩ, là một ví dụ.

Trong một status đăng trên trang cá nhân, chủ tài khoản này "bóc phốt" rằng trang sức mà người nổi tiếng kia bán cho chị không đúng giá trị của sản phẩm mà đã bị đẩy lên hàng trăm lần. Đi kèm với status tố cáo là một loạt hình ảnh đoạn trao đổi giữa người mua và người bán liên quan đến món hàng nữ trang giá trị giao dịch lên đến 2 tỉ đồng, trong đó giá trị nhất là viên kim cương 57.600 USD, tương đương hơn 1,3 tỉ đồng.

Người mua hàng phát hiện viên kim cương mua chỗ người nổi tiếng là hàng rởm và bị đội giá gấp ba. Người này cho biết đã đi nhiều cửa hàng đá quý uy tín để thử và phát hiện giá trị viên kim cương này chỉ tầm 18.500 USD (hơn 400 triệu đồng). Theo "nạn nhân", chị mua hàng ở đây vì tin thương người bán nuôi con nhỏ và là người nổi tiếng, có tên tuổi trong giới nghệ sĩ.

Sự việc đến nay chưa ngã ngũ nhưng cũng khiến nhiều người giật mình vì mua hàng online từ người nổi tiếng bán hàng đang rất phổ biến hiện nay.

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, chị Hiền Nguyễn (TP.HCM) cho biết theo dõi các livestream bán hàng, chị rất ngạc nhiên vì nhiều người nổi tiếng thản nhiên bán hàng với giá "cắt cổ" nhưng không có ai phản hồi. Theo chị Hiền, không ít trường hợp người bán hàng là nghệ sĩ đã lợi dụng lòng tin và sự chủ quan của người mua hàng để bán giá cao dù chất lượng sản phẩm không được đánh giá cao.

"Có một người khá nổi tiếng livestream bán một chiếc nồi không dầu hiệu B. giá 3,5 triệu đồng. Nhưng chỉ cần một thao tác kiểm tra đơn giản, tôi thấy mặt hàng này bán trên sàn điện tử khác chỉ 2,3 triệu đồng, giá bán tại Hàn Quốc khoảng 87USD và không được người tiêu dùng Hàn Quốc đánh giá cao. Do đó nếu tính cả phí vận chuyển và lợi nhuận, giá nồi lên tới 3,5 triệu là quá cao" - chị Hiền nói.

Vì tin tưởng "thần tượng"?

Thời gian qua một số người nổi tiếng bị "bóc phốt" bán hàng giá quá cao, thậm chí đã có người bị xử lý vì bán hàng nhái, khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc, một số trường hợp từ "người hâm mộ" thành đối đầu, đấu tố nhau.

Theo ông Nguyễn Thành Long - phụ trách tiếp thị số của Xanh Marketing, nhiều người nổi tiếng tham gia bán hàng online rất chịu khó tương tác, giao lưu với người hâm mộ, rồi lồng vào câu chuyện giao lưu này là những cụm từ như "đây là rẻ lắm rồi nha", "chỉ hôm nay mới có giá này nha"...

"Nhiều người xem chốt đơn hàng từ trang người nổi tiếng bán giống như một hình thức giải trí, 'mua cho vui' thôi. Thay vì tặng gấu bông cho thần tượng, người hâm mộ chuyển sang mua 'ủng hộ' sản phẩm mà nghệ sĩ rao bán, nên nhiều người ít quan tâm về giá. Nhưng khi đó là hình thức kiếm sống lâu dài, những món hàng giá trị lớn thì không thể tư duy như vậy" - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, trong một số trường hợp, người tiêu dùng vì tin vào uy tín và chất lượng sản phẩm do người nổi tiếng bán nên bỏ qua các điều kiện, điều khoản liên quan đến việc bán hàng dù đây là phần nội dung rất quan trọng liên quan đến chính sách đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành sản phẩm.

Bà Dương Nữ Tô Giang, giám đốc quan hệ công chúng và truyền thông xã hội Công ty Isobar VN, cũng cho rằng khi mua hàng trên các trang mạng xã hội của người nổi tiếng, người tiêu dùng chỉ đơn giản muốn được giải trí, thư giãn và tiếp thu những thông tin phù hợp.

"Tuy nhiên cái gì quá đà cũng đều không tốt khi rất nhiều người nổi tiếng đã tận dụng danh tiếng của họ để làm công việc này với tần suất phủ sóng ngày càng cao" - bà Giang nhận xét.

Khách kiểm tra sản phẩm mua online - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đừng lợi dụng người hâm mộ

Trao đổi với chúng tôi, chị Sen, chủ một cơ sở chuyên sản xuất cơm cháy chà bông các loại, thừa nhận ảnh hưởng của các nghệ sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội với hoạt động bán hàng rất lớn. "Trong thời điểm dịch, hàng ở siêu thị gần như "tắc" hết, nhưng chỉ cần sau một vài "like" hay đăng bài của một nghệ sĩ không quá nổi tiếng, đơn hàng của tôi cũng tăng vài trăm lần" - chị Sen nói.

Theo ThS Lương Phương Lan - khoa quan hệ công chúng và truyền thông Trường ĐH Văn Lang, thực tế bán hàng online nói chung cho thấy khách hàng chỉ mua bằng niềm tin chứ không thể nhìn, sờ, nắm, thử dùng... Do đó những người bán hàng online nếu không hành xử có đạo đức với người mua (nghĩa là không bán hàng đạt chất lượng), đó là vấn đề cần được lên án.

"Với người nổi tiếng, vấn đề này càng trầm trọng, vi phạm chuẩn mực đạo đức kinh doanh, nhưng cao hơn là họ đang lợi dụng niềm tin, sự yêu mến của công chúng dành cho mình. Vì vậy những người này không xứng đáng được đón nhận với tình cảm của khán giả" - bà Lan nhận định.

Bà Lan cũng khuyến cáo người mua cần tìm hiểu kỹ chất lượng và giá cả các sản phẩm trước khi quyết định đặt hàng. Không nên vì tin tưởng "thần tượng" để bị lừa mua những món hàng không đảm bảo, không tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra. "Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát chặt chẽ và có chế tài rõ ràng trong trường hợp vi phạm, nhất là với người có nhiều ảnh hưởng như những người nổi tiếng" - bà Lan đề nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng cho rằng với hình ảnh đẹp của mình trong mắt người hâm mộ, những người nổi tiếng rất không nên đánh đổi lợi nhuận trước mắt mà bất chấp.

"Thương mại tốt nhưng phải cho đúng. Bên cạnh đó còn phải hoàn thành nghĩa vụ của người kinh doanh là đóng thuế đầy đủ. Mình đã là người nổi tiếng mà bị cơ quan quản lý xử lý thì ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và tiếng tăm sẽ mất hết. Có đáng không?" - ông Dũng nói.

"Bán hàng bằng chính danh dự của mình"

Một nghệ sĩ đang livestream bán hàng online - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ca sĩ P.A. - chuyên kinh doanh online các mặt hàng ăn uống và thực phẩm chức năng từ khoảng 5 năm nay - cho biết danh tiếng từ hoạt động ca hát giúp cô được nhiều người biết đến hơn khi bán hàng. "Khách của tôi cũng là khán giả của tôi" - P.A. nói, đồng thời cho biết phần lớn khách hàng là các "mẹ bỉm sữa". Nguồn cung hàng hóa của chị cũng là người quen và họ hàng, thậm chí từ những "mẹ bỉm sữa" mà ca sĩ này quen biết và tin tưởng.

"Tôi không phải tự đi tìm nguồn mà toàn lấy hàng từ người nhà, người mình tin tưởng. Giữ chữ tín với khách hàng là quan trọng nhất. Tôi có lời khuyên cho người bán hàng online là đừng ham số lượng, đừng ham giá rẻ. Tôi được nhiều người ở Đức, ở Úc muốn cung cấp hàng hóa nhưng tôi từ chối vì chẳng có gì đảm bảo hàng đó đúng là ở Đức, ở Úc về" - ca sĩ này cho biết.

Giải thích lý do sản phẩm mà người nổi tiếng bán thường có giá cao hơn so với mặt bằng chung dù có cùng chất lượng, P.A. cho rằng "giá cả thì chín người mười ý". "Giá của hàng container khác, mà hàng xách tay lại khác. Hàng đi máy bay cũng khác với hàng tàu biển. Giá của hàng còn bao gồm phí vận chuyển" - ca sĩ này nói.

Theo một số ca sĩ có kinh nghiệm bán hàng online, nghệ sĩ bán hàng online khác với người bình thường vì họ đang "bán chính bản mặt, chính uy tín, danh dự làm nghệ thuật của mình". Vì thế không nghệ sĩ nào lại đánh đổi cả uy tín, danh dự để bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Một ca sĩ khác với nhiều năm kinh doanh đồ ăn online cũng cho rằng: "Khán giả mua hàng sẽ có suy nghĩ: cô này nổi tiếng thì không thể làm ăn bừa bãi như bom hàng hay bùng hàng. Khi có chuyện, việc tìm ra cô ấy cũng dễ chứ không như người khác có thể lập Facebook giả để bán hàng rồi biến mất".

"Khi đã là nghệ sĩ đứng ra kinh doanh, rủi ro lớn hơn người khác rất nhiều. Người ta có thể trốn, chứ mình thì không. Chỉ cần một lời tố cáo, buộc tội nào đó, nghệ sĩ có thể mất hết những gì đã gây dựng. Bởi vậy, tốt nhất là không nên phạm phải sai lầm!" - ca sĩ này nói.

MI LY

Thêm nhiều nạn nhân là "cộng tác viên" bán hàng

Với sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử, nhất là trong mùa dịch COVID-19, các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn nhưng những rủi ro, nguy cơ bị lừa đảo với hình thức mua sắm này cũng nhiều hơn.

Phổ biến nhất hiện nay là lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên bán hàng trên Facebook. Với một chiêu thức rất cũ là hứa hẹn người tham gia đăng bài và có khách mua hàng sẽ nhận được hoa hồng, các trang chuyên bán mỹ phẩm, hàng chăm sóc da... đã lừa rất nhiều người với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chẳng hạn sau khi được "mồi chài" đăng ký làm cộng tác viên, vừa đăng tin lên Facebook thì ngay lập tức sẽ có người vào đặt hàng nhưng thực chất đây chỉ là cái bẫy để dụ "con mồi". Chỉ cần nạn nhân liên lạc với công ty và nộp tiền để giao hàng cho khách, ngay lập tức người đặt hàng sẽ hủy đơn hàng hoặc khóa máy và lặn biệt tăm, các cộng tác viên phải ôm hàng và mất tiền.

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, chị D.N.Y. cho biết vừa bị lừa đảo theo hình thức trên và bị mất 20 triệu đồng. "Có một người tự nhận mình là người của công ty mỹ phẩm đang cần tuyển cộng tác viên. Do đang có nhu cầu tìm việc làm, tôi đã đăng ký làm và nhanh chóng sụp bẫy" - chị Y. nói.

Chị H. tại TP.HCM cũng bị một tiệm mỹ phẩm tự xưng "hàng chính hãng" lừa đảo chiếm đoạt 107 triệu đồng thông qua hình thức tuyển cộng tác viên. Vừa trở thành cộng tác viên, chị H. nhận được đơn hàng nhưng khi liên lạc với khách để giao thì bặt vô âm tín, chị H. suy sụp do phải ôm một đống hàng trong khi chưa kịp có thêm thu nhập như quảng cáo của hãng mỹ phẩm.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, số lượng các nạn nhân là "cộng tác viên" bị lừa 3-5 triệu đồng rất lớn, do số tiền không nhiều lại được hứa hẹn tiền công rất hấp dẫn là 50.000 đồng/ngày khi giới thiệu sản phẩm trên trang Facebook cá nhân, thậm chí có đơn vị hứa hẹn mức hoa hồng rất cao.

"Chỉ đến khi bị khách hủy đơn hàng, người của công ty cũng lặn biệt tăm thì mới biết mình bị lừa nhưng chẳng thể làm được gì, chỉ có thể... rút kinh nghiệm, lấy đó làm bài học. Điều tôi bức xúc là các cơ quan quản lý không vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng lừa đảo này bởi đã có nhiều nạn nhân lên tiếng rồi" - chị T.Đ. (TP.HCM), người vừa bị mất 4,5 triệu đồng do bị lừa làm cộng tác viên, bức xúc.

N.BÌNH

Tác giả: NHƯ BÌNH - ĐỨC THIỆN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP