Thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thí sinh một số kỹ năng mới
Trước phương án thi 2017 Bộ GD&ĐT vừa công bố, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh có nhiều băn khoăn về mức độ đánh giá năng lực, tính khả thi của việc áp dụng thi trắc nghiệm 100%, đặc biệt là đối với môn Toán và tổ hợp Khoa học tự nhiên (các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học).
Với kinh nghiệm gần 20 năm giảng dạy tại nước ngoài, GS Toán học hàng đầu thế giới Vũ Hà Văn (hiện đang giảng dạy tại Đại học Yale, Mỹ) khẳng định, thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thí sinh một số kỹ năng mới, khác với cuộc thi truyền thống.
“Chẳng hạn, thay bằng giải tìm ra lời giải chính xác, nhiều khi chỉ cần ước lượng là đủ. Ví dụ có 4 câu trả lời là: A (0), B(1), C(2), D(3). Nếu thí sinh ước lượng được đáp số là giữa 1.5 và 2.5, thì lời giải đúng là C, không cần phải giải bài toán một cách chính xác (một việc làm có thể tốn nhiều thời gian hơn)”, ông nói.
GS Vũ Hà Văn - ĐH Yale, Mỹ
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi mới, một luồng ý kiến quan ngại rằng, nếu thi trắc nghiệm Toán học, thứ tự trình bày lời giải bài toán được thay bằng “thủ thuật” làm sao tốn ít thời gian để có kết quả nhanh nhất làm như vậy mất đi tính sư phạm của nền giáo dục. Nói về vấn đề này, GS Vũ Hà Văn đánh giá: “Kỹ năng loại bỏ những lời giải trông quá vô lý cũng quan trọng, vì khi bài toán quá khó, thí sinh phải đoán, thì ít nhất cũng tăng được khả năng đoán trúng một cách đáng kể. Các kỹ năng này trong cuộc sống quan trọng không kém kỹ năng giải được bài toán một cách trọn vẹn”.
“Mặc khác thi trắc nghiệm có lợi thế là tổ chức và chấm thi đơn giản gọn nhẹ, tránh sai sót. Thi trắc nghiệm rất thông dụng ở Mỹ, chẳng những trong những cuộc thi đại trà như SAT, mà cả trong rất nhiều cuộc thi cho học sinh năng khiếu”, GS Văn chia sẻ.
Công bằng và khách quan, tiêu chí hàng đầu của kỳ thi năng lực quốc gia
Theo GS.TS hóa học Trương Nguyện Thành, giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Utah (Mỹ), đồng thời là Viện trưởng Khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, TP. HCM thì mỗi phương án thi (trắc nghiệm, tự luận) đều có ưu, khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, áp dụng cho kỳ thi THPT cấp quốc gia với số lượng rất lớn thí sinh thì tiêu chuẩn quan trọng nhất để lựa chọn phương án nào là tính công bằng và khách quan.
GS.TS Trương Nguyện Thành phân tích: “Nếu lời giải cho câu hỏi chỉ có đúng hoặc sai, đồng nghĩa với được trọn điểm hoặc điểm 0 thì có tính khách quan. Còn nếu lời giải có thể có một phần số điểm tối đa và có nhiều người chấm bài thì khó đảm bảo tính công bằng và khách quan. Do đó các cuộc có số lượng lớn thí sinh ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đều dùng phương án trắc nghiệm. Phương án trắc nghiệm không những dùng cho những cuộc thi cấp quốc gia mà còn thường dùng cho các lớp ở Đại học có lượng lớn sinh viên. Ví dụ, lớp Hóa đại cương với 300 sinh viên thì tôi phải phải cho thi trắc nghiệm còn lớp Hóa - Lý trình độ cao học với 20 sinh viên thì dùng phương án “giải bài”.
Có nguy cơ “thất bại” nếu không chuẩn bị kỹ về đề thi
Đều đồng tình rằng phương án thi trắc nghiệm có những ưu điểm không thể phủ nhận cũng là hình thức phổ biến của nhiều cuộc thi đánh giá năng lực quy mô lớn tại Mỹ và nhiều nền giáo dục tiên tiến, song cả hai vị giáo sư gốc Việt cũng nhận định về những khó khăn và nguy cơ “thất bại” của phương án này nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt ở khâu ra đề thi.
GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh: “Cái khó đầu tiên của việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Việt Nam, theo tôi, là khâu ra đề. Đây là cả một ngành công nghiệp, và ở Mỹ có những trung tâm lớn chuyên sản xuất đề bài cho các cuộc thi trắc nghiệm, sao cho nó phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt. Sẽ rất khó tổ chức thành công thi trắc nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị đáng kể về mặt này”.
GS.TS Trương Nguyện Thành đóng góp: “Để cho đề thi trắc nghiệm THPT đạt được yêu cầu thì mỗi môn cần có đội ngũ chuyên nghiệp đưa ra tiêu đề đánh giá. Danh sách tiêu đề (learning objectives) là những kiến thức cần thiết mà học sinh cần biết và danh sách này được phổ biến rộng rãi. Từ đó thiết kế câu hỏi và những câu trả lời làm sao để có thể phân biệt trình độ của thí sinh.
GS.TS Trương Nguyện Thành - ĐH Utah, Mỹ.
Thí dụ, một câu hỏi trắc nghiệm có 4 câu trả lời thì trong đó có 1 câu trả lời rất dễ để thấy nó sai với một ít kiến thức, một câu trả lời hơi có lý nhưng sai hoặc thói quen sai lầm, 2 câu trả lời rất gần nhau và có thể đều đúng và đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất”.
Do đó, theo GS.TS Trương Nguyện Thành, việc thiết kế bài thi trắc nghiệm để có thể đánh giá lập luận cũng như khả năng phân tích khó hơn nhiều lần so với đề thi theo dạng ra đề bài. Do đó, khi mới chuyển sang thi trắc nghiệm thì chất lượng câu hỏi có thể chưa được tốt lắm. Với thời gian, khi đã có kho câu hỏi chất lượng và kinh nghiệm của đội ngũ thiết kế bài thi cao thì phương án trắc nghiệm cho các kỳ thi lớn vẫn là phương án tốt nhất.
“Nhiều phê bình cho rằng thi trắc nghiệm khó đánh giá được khả năng giải quyết vấn đề. Phê bình này chỉ đúng một phần. Như giải thích ở trên, thiết kế những câu trả lời rất quan trọng trong việt đánh giá khả năng này. Nếu thí sinh giải quyết và lập luận đúng thì có câu trả lời đúng.
Đương nhiên tổ chức cuộc thi cấp quốc gia theo phương án nào cũng có khó khăn riêng của nó. Thi trắc nghiệm trên máy vi tính qua mạng thì cũng sẽ có những khó khăn riêng như bảo mật kho câu hỏi và khả năng thí sinh dùng những công nghệ di động để quay chép câu hỏi. Tuy nhiên những khó khăn này có thể khắc phục được.
Thêm nữa, cần có lộ trình phát triển phương án này rõ ràng và chu đáo. Thí dụ thiết kế hệ thống, cho thí điểm nhiều nơi và mô phỏng lượng truy cập, v.v. để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt khi triển khai vào thực tế”, GS.TS Trương Nguyện Thành nhận định.
Tác giả bài viết: Lệ Thu