Giải thích về mức giá này tại buổi họp báo chuyên đề về xe công chiều 8/3, ông Thắng cho rằng do một số xe được sản xuất từ lâu. Đồng thời, vị này khẳng định việc thanh lý đấu giá xe công của các đơn vị đều thực hiện công khai.
Đến ngày 9/3, khi được hỏi thêm về vấn đề này, ông Thắng từ chối bình luận với lý do “bận họp”.
Trao đổi với Zing.vn vào trưa 9/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng rẻ hay đắt thì không thể biết được nhưng quan điểm của Thủ tướng là đấu giá công khai để tránh lợi ích nhóm, tránh bị lợi dụng.
Vị này cũng thừa nhận thực tế đắt hay rẻ còn phải xem chất lượng xe thế nào, đời xe, loại xe…
Tuy vậy, ông nhấn mạnh: “Tinh thần, nguyên tắc là như thế còn cách tổ chức thực hiện ra sao thì còn phải xem. Nếu để thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình thanh lý sẽ bị kiểm điểm”.
Trước đó, vào ngày 29/6/2016, trao đổi với Zing.vn về việc thanh lý 264 ôtô công với giá trị còn lại 390 triệu đồng (giá khi mua mới các xe này là 79,68 tỷ đồng), Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng từng trần tình sau hơn chục năm sử dụng, giá trị xe còn lại chỉ có vậy.
Ông Thắng nói đơn vị sử dụng xe khi thấy xe cũ, hỏng, không sử dụng được nữa, tự họ tổ chức bán thanh lý hoặc thuê tổ chức có chức năng thanh lý tài sản. Theo luật, những xe được phép thanh lý được quy định là có thời hạn sử dụng xe 15 năm hoặc chạy trên 250.000 km (đối với vùng sâu vùng xa, miền núi là 200.000 km).
“Khi mang ra bán, các đơn vị phải tuân thủ quy định về bán đấu giá tài sản từ việc quy định lại giá đến tổ chức đấu giá. Quy trình bán đấu giá được thực hiện theo Nghị định 17 của Chính phủ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Kiều Vui
Nguồn tin: