Trong tỉnh

“Xẻ thịt” đất Quảng trường Hồ Chí Minh cho thuê kinh doanh và những “lùm xùm” xung quanh số tiền gần 500 triệu đồng

Là công trình văn hóa, có giá trị lớn về tư tưởng, chính trị, mỹ thuật nhưng nhiều năm qua, BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ (Nghệ An) đã ngang nhiên cắt xén, cho thuê đất kinh doanh trái thẩm quyền, gây mất mĩ quan đô thị cũng như bức xúc của người dân.

Không chỉ vậy, đơn vị này còn tập kết rác ngay bên trong khuôn viên rồi đốt gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khi mỗi năm phải bỏ ra số tiền 4,2 tỉ đồng để thuê đơn vị khác chăm sóc cây xanh, xử lý rác thải.

Những vấn đề “lùm xùm” như chi sai chế độ, tiêu chuẩn, không đúng mục đích, tự đặt ra các khoản chi trái quy định trong thời gian qua tại BQL này cũng chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận, người dân không khỏi thắc mắc, hoài nghi…

Hàng ngàn m2 đất Quảng trường Hồ Chí Minh đã bị BQL cho thuê kinh doanh trái quy định

“Xẻ thịt” đất Quảng trường để cho thuê trái phép

Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh (gọi tắt là Quảng trường) được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2000 và khánh thành vào ngày 18/5/2003. Quảng trường rộng gần 12ha gồm các hạng mục chính lễ đài, cột cờ, sân hành lễ, đài phun nước, hệ thống bồn hoa, cây xanh…

Phía sau tượng đài là núi Chung mô phỏng, được đắp bởi hàng trăm ngàn khối đất đá. Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh là công trình văn hóa đẹp, có giá trị lớn về tư tưởng, mỹ thuật, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và sự kiện chính trị lớn; địa điểm tham quan, du lịch, thư giãn, vui chơi giải trí của nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, công trình văn hóa này đang bị chính lãnh đạo BQL Quảng trường ngang nhiên xâm phạm, “xẻ thịt” để cho thuê kinh doanh phép trái, gây mất mĩ quan cũng như bộ mặt đô thị. Cụ thể đó là khu đất rộng vài ngàn m2 nằm bên phía cánh tay trái của Quảng trường thuộc mặt tiền đường Trường Thi bị chia nhỏ ra cho hai đơn vị thuê.

Một đơn vị kinh doanh cá kiểng, bể kinh với giá 7000.000/tháng (84 triệu đồng/năm). Đơn vị kinh doanh dịch vụ cây cảnh với diện tích lớn hơn thì được BQL Quảng trường cho thuê với giá 10.000.000 đồng/ tháng (120 triệu đồng/năm). Việc cho thuê này là trái với quy định pháp luật, “xé nát” quy hoạch Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ đã được phê duyệt, xây dựng trước đó.

Mỗi năm mất hơn 4 tỉ đồng thuê đơn vị bên ngoài trồng cây xanh, xử lý rác thải nhưng rác vẫn bị đổ đầy và đốt ô nhiễm nghiêm trọng ngay bên trong khuôn viên Quảng trường

Đốt rác thải không chỉ gây ô nhiễm mà nguy cơ hỏa hoạn rất cao trong Quảng trường

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An cho hay: “Một nơi trang nghiêm, đẹp đẽ như thế mà lãnh đạo BQL Quảng trường lại tự ý cho đơn vị khác thuê kinh doanh thu lợi là không thể chấp nhận được. Chỗ này đáng lẽ phải được trồng hoa, cây cảnh cũng như một số hạng mục khác để người dân tham quan, giải trí, tạo cảnh quan chung thì lại cho thuê kinh doanh trái phép”.

Đặc biệt khu đất phía sau hai đơn vị kinh doanh cá cảnh và cây cảnh là nơi tập kết rác, xà bần, cây cối mọc um tùm trông rất nhếch nhác. Mỗi lần đầy, Quảng trường cho đốt là khói bay mù mịt như cháy nhà, ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh. Qua nhiều năm, khối lượng rác này không được vận chuyển, bốc đi đổ đúng nơi quy định mà chất thành đống.

Khi được hỏi vì sao Quảng trường không thu gom để Công ty Môi trường Đô thị Nghệ An đến lấy thì một nhân viên ở đây cho hay: Quảng trường không ký hợp đồng với công ty môi trường thì khi đưa rác ra, họ sẽ không chịu vận chuyển cho. Đây là góc khuất nên đổ không ai biết đâu.

Đưa vấn đề này trao đổi với ông Hồ Công Nghĩa - Phó BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ tỉnh Nghệ An thì ông bác bỏ: “Làm gì có chuyện đổ rác trong Quảng trường, anh có nhìn nhầm không? Mỗi năm chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 4 tỉ đồng (năm 2017 là 4,2 tỉ đồng) thuê Hội sinh vật cảnh Nghệ An chăm sóc cây xanh, bồn hoa và xử lý rác thải phát sinh tại khu vực Quảng trường. Ngày nào họ cũng tập kết rác lên xe và đẩy ra đường Trường Thi trước 16h để đơn vị môi trường đến gom”.

Tuy nhiên khi chúng tôi đưa hình ảnh mới chụp rác thải chất đống phía sau hai đơn vị cho thuê thì ông Nghĩa “chống chế: “Đây là các cành cây, rác thải có thể đốt, chôn lấp được nên họ mới đưa ra đây, còn rác không chôn đốt được thì họ chở ra đường Trường Thi để xử lý”. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi thì rác thải đổ tại đây không chỉ có các loại rác hữu cơ mà còn có xà bần, bao bóng và một số loại không thể phân hủy. Ông Hồ Công Nghĩa hứa “tôi sẽ cho kiểm tra ngay” tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua, đống rác này vẫn chình ình trong khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh.

Trong quy hoạch và xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh, chỉ có 6 ki ốt bán đồ lưu niệm nhưng nay đã mọc lên 8 ki ốt?

Thu hơn 1,6 tỉ đồng/năm và những “lùm xùm” về số tiền 487,4 triệu đồng?

Theo quy hoạch thì tại Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ có 6 điểm bán hàng lưu niệm cho người dân và du khách. Tuy nhiên hiện nay, tại đây đã “mọc” lên 8 ki ốt cho thuê dịch vụ, mỗi ki ốt có giá từ 5.500.000 đồng/tháng - 7000.000 đồng/ tháng. Tổng số tiền mà BQL Quảng trường Hồ Chí Minh thu về mỗi năm từ 8 ki ốt này lên tới 558 triệu đồng.

Mặc dù chỉ cho bán hàng lưu niệm, tránh ồn ào, gây ảnh hưởng đến người dân, khách tham quan nhưng nhiều năm qua, BQL Quảng trường đã cho các chủ ki ốt này kinh doanh đủ các mặt hàng, trong đó có loại xe ô tô, xe máy điện cho trẻ em. Điều đáng nói là kinh doanh trong vòng kiểm soát, không gây ồn ào, ảnh hưởng đến du khách thì chẳng ai ca thán gì. Nhưng ở đây do một thời gian dài buông lỏng quản lý, về lợi nhuận trước mắt, một số ki ốt đã tăng số lượng xe lên quá nhiều (theo quy định mỗi ốt chỉ được kinh doanh 5 xe điện) đã nên gây nên tình trạng bát báo, va đụng khiến người dân và du khách kêu trời.

Riêng về xe điện cho trẻ em, 8 ki ốt mỗi năm phải đóng cho BQL Quảng trường Hồ Chí Minh số tiền lên tới 432 triệu đồng (giá dịch vụ cho hoạt động 1 xe điện 900.000 đồng/tháng).

Ngoài các dịch vụ cho thuê kinh doanh cá cảnh, cây cảnh, các ki ốt, xe điện thì mỗi năm, BQL Quảng trường Hồ Chí Minh thu về gần tỉ đồng. Ngoài ra tại đây còn có các nguồn thu khác như dịch vụ bãi giữ xe số 1 đường Hồ Tùng Mậu (mỗi năm ký hợp đồng cho thuê trọn gói là 205 triệu đồng) và bãi giữ xe số 2 (đường Trường Thi mỗi năm cho thuê 165 triệu đồng). Tổng thu về từ hai bãi giữ xe này cho BQL Quảng trường là 370 triệu đồng.

Ông Hồ Công Nghĩa hứa “tôi sẽ cho kiểm tra ngay” tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua, đống rác này vẫn chình ình trong khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh?

Như vậy, tổng thu về từ các loại dịch vụ tại Quảng trường Hồ Chí Minh hơn 1,6 tỉ đồng. Có thể nói đây là số tiền khá lớn so với một đơn vị sự nghiệp công lập như BQL Quảng trường Hồ Chí Minh. Ngoài số tiền “cứng” này thì đơn vị còn được thu một số khoản khác như các chương trình biểu diễn, lễ hội của các doanh nghiệp, liveshow của ca sỹ…

Khi được hỏi số tiền thu về này sẽ được sử dụng như thế nào thì ông Hồ Công Nghĩa - Phó BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tỉnh Nghệ An cho biết: “Số tiền này nộp vào ngân sách hết, muốn dùng thì phải có kế hoạch xin cấp trên”. Tuy nhiên khi chúng tôi muốn tiếp cận một số hóa đơn, tài liệu thì ông Nghĩa cho biết phải xin phép bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ bà Hương thì được biết bà đã nghỉ chờ, mọi công việc tại BQL Quảng trường đã giao cho ông Hồ Công Nghĩa.

Trước đó, như thông tin báo chí đã đưa, tại BQL Quảng trường đã xảy ra những sai phạm, “lùm xùm” về chi tiêu sai chế độ, tiêu chuẩn; chi không đúng mục đích, tự đặt ra các khoản chi trái quy định. Cụ thể, vào ngày 12/10/2017, ông Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã ký quyết định số 2589, yêu cầu ông Trương Hải Linh, nguyên Trưởng Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ (Nghệ An) và bà Lương Thị Nam, Quyền trưởng phòng Hành chính kiêm Kế toán trưởng cơ quan này phải nộp lại số tiền sai phạm 487,4 triệu đồng.

Từ kiến nghị của công dân về việc thiếu hụt tiền quỹ, kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy số tiền nói trên bị thu hồi do chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng mục đích, tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, hai cá nhân nói trên phải chịu trách nhiệm thu hồi số tiền 487,4 triệu, nộp về tài khoản tạm chờ xử lý.

Trao đổi với phóng viên Phương Nam Plus, ông Trương Hải Linh (nay đã được thuyên chuyển, bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch (trực thuộc Sở Du lịch Nghệ An) cho biết: “Thực ra nội dung có vấn đề gì đâu, tiền đó sử dụng đi chúc Tết cả. Cái chung của tập thể ấy mà. Nếu tham ô, tham nhũng thì tôi làm sao ngồi đây được. Nó có những điều tế nhị nên không thể làm rõ người đi, người nhận. Chúng tôi đã họp thống nhất rồi, tuần ni, tuần sau là giải quyết xong”.

Còn tiếp...

Tác giả: Triều Dương

Nguồn tin: phuongnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP