Trong nước

Việt Nam còn đón bao nhiêu cơn bão trong năm 2019?

Chuyên gia thời tiết nhận định mùa mưa bão năm nay đến muộn hơn so với trung bình năm. Trong 6 tháng cuối năm, còn khoảng 4-5 cơn bão có ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Bão số 2 (tên quốc tế là Mun) vừa đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau 3 ngày mạnh lên từ vùng áp thấp trên Biển Đông. Đây được ghi nhận là cơn bão đầu tiên trên đất liền trong năm 2019 (bão số 1 - Pabuk là cơn rơi rớt từ cuối năm 2018).

Là cơn đầu mùa, bão Mun không gây hậu quả nghiêm trọng. Sau vài giờ xuất hiện trên đất liền, bão lập tức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó vùng áp thấp dịch chuyển lên miền núi phía Bắc.

Mùa bão 2019 đến muộn

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết bão số 2 xuất hiện muộn hơn so với những cơn bão đầu mùa hàng năm. Trung bình mùa bão mọi năm sẽ bắt đầu từ tháng 6 và có xu hướng mạnh dần lên vào cuối mùa.

Bão số 2 đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định gây mưa lớn và gió giật mạnh. Ảnh: Việt Hùng.

Đánh giá về đặc điểm của bão số 2, chuyên gia thời tiết cho biết cơn bão này có tốc độ ổn định khi đổ bộ vào đất liền, không có xu hướng mạnh lên mà ngay lập tức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do đó, bão số 2 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng dân cư.

Dù vậy, bão Mun có phạm vi ảnh hưởng rộng khi gây mưa lớn, gió giật mạnh cho toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến tối 4/7, vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2 đã di chuyển lên khu vực Tây Bắc, tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực miền núi.

Khoảng 4-5 cơn bão xuất hiện trong năm 2019

Trong nửa cuối năm 2019, cơ quan khí tượng dự báo còn 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. So với trung bình năm, số lượng bão ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn nhưng cần đề phòng những cơn bão có hướng di chuyển không ổn định.

“Từ nay đến cuối năm, khu vực đất liền nước ta có thể đón 4-5 cơn bão đổ bộ, trong đó khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.

Từ tháng 7 đến tháng 8, một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới có khả năng hình thành trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới được dự báo ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ.

Gió lớn trước giờ bão số 2 đổ bộ làm cây cối, biển hiệu nghiêng ngả ở Cát Bà ngày 3/7. Ảnh: Phạm Thắng

Nhận định thêm về tình hình thời tiết trong năm 2019, Trưởng phòng dự báo Khí hậu cũng cho biết từ nay đến hết tháng 8, Bắc Bộ và Trung Bộ còn đón nhiều đợt nắng nóng nhưng không còn ở mức cực kỳ gay gắt như thời gian qua.

Từ tháng 7 đến tháng 10, nhiệt độ cả nước ở mức cao hơn trung bình hàng năm 0,5-1 độ C. Trong 2 tháng cuối năm, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mức nhiệt cao hơn trung bình năm 1-1,5 độ C.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế, xã hội, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 29 người chết và mất tích, 39 người bị thương; 649 ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi, hơn 19.000 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng; gần 18.000 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 464 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trên địa bàn, chuẩn bị mọi phương án ứng phó với mùa mưa bão trong 6 tháng cuối năm 2019 để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Theo ghi nhận, ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua khiến 2 người chết, 3 người bị thương, chưa thống kê được tổng thiệt hại về tài sản.

Nghị định 59 sẽ là “vũ khí” xử lý tình trạng sân sau, lợi ích nhóm

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP