Xã hội

Vì đâu dân bức xúc trạm thu phí BOT?

Các tuyến BOT đa phần là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường gần như độc đạo, sau đó lắp đặt trạm thu phí khiến người dân rất bức xúc.

Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về các dự án giao thông theo hình thức BOT. Tại phiên giám sát, nhiều đại biểu đã dẫn chứng vụ tắc trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) như là một minh chứng cho bất cập của BOT giao thông hiện nay.

Không cho dân sự lựa chọn khác

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho hay hiện nay các tuyến BOT đa phần là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường gần như độc đạo, sau đó lắp đặt trạm thu phí khiến người dân rất bức xúc. Ông dẫn chứng: “Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua rất buồn! Xả trạm hai lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý”.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ thì phân tích, thu phí BOT hiện nổi lên hai vấn đề là khoảng cách đặt trạm và mức thu phí. Mức thu, thời gian, thỏa thuận đặt trạm cũng thiếu sự công khai, minh bạch. Chẳng hạn, quy định trạm cần tham khảo ý kiến người dân, vừa qua thực hiện không đến nơi đến chốn, có nơi hình thức, một số nơi áp đặt. “Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Hay như vụ cầu Hạc Trì trước đây. Tôi nghĩ vấn đề này báo cáo cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo” - ông đề nghị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu ví dụ cụ thể như việc đầu tư xây dựng, đặt trạm thu phí chưa hợp lý tại cầu Việt Trì, Hạc Trì (Phú Thọ) gây bức xúc dư luận hồi năm 2016. “Ở dự án này, chất lượng cầu cũ còn tốt, khi đầu tư xây dựng cầu mới thì ngăn không cho người dân đi cầu cũ nữa. Câu hỏi đặt ra là đã thực sự cần thiết phải đầu tư cầu mới chưa? Nếu cầu cũ kém chất lượng, vậy trách nhiệm là của ai?” - Phó Thủ tướng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay người dân nhiều nơi bức xúc trạm thu phí giao thông vì “chỉ cho họ đi duy nhất một con đường” mà không có lựa chọn khác. “Sáng nay nghe phản ánh bức xúc ở dự án BOT Cai Lậy, chúng ta cũng thấy một số dự án khác có việc tài xế đưa tiền lẻ để phản ứng với việc thu phí. Chúng ta không ủng hộ những cách phản ứng trái quy định của pháp luật nhưng đề nghị tổng rà soát lại để nghe kiến nghị của dân, có đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân, những người chịu tác động của dự án” - bà Nga nói.

Có tình trạng phí chồng phí

Đánh giá cao đóng góp của BOT giao thông vào sự phát triển của đất nước, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý tình trạng nhiều trạm thu phí hiện nay khiến chi phí vận chuyển tăng chóng mặt, có tác hại đối với nền kinh tế. “Chúng ta nói rút ngắn thời gian lưu thông nhưng giá cước vận tải Bắc-Nam vẫn cao. Thời gian rút ngắn mà chi phí tăng thì chưa chắc hiệu quả” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng đặt câu hỏi: “Vì sao làm đường hiện đại hơn mà dân không thích, thậm chí dẫn tới tình trạng né phí. Phải sớm giải quyết bức xúc, nếu không nó thành vấn đề xã hội. Làm đường cho dân đi mà dân bức xúc thì thế nào?”.

Chỉ ra một trong những bất cập khi làm BOT giao thông là “chưa có tiêu chí để chọn những tuyến đường nào thì làm BOT” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Có con đường có nhà đầu tư đã làm sẵn rồi thì ta lại có đoạn BOT, tức là nâng cấp cải tạo trên con đường sẵn có tạo nên tình trạng phí chồng phí, đã thu phí giao thông đường bộ rồi giờ lại thu phí BOT, điều đó tạo ra dư luận không tốt trong chủ trương kêu gọi xã hội hóa”.

Bên cạnh đó, bà Ngân cũng chỉ ra hàng loạt bất cập khác của BOT giao thông như: Việc lập, phê duyệt dự án BOT còn bất cập như xác định chi phí nhân công, đơn giá, khối lượng chưa chính xác, dẫn tới nhiều dự án bị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; hầu hết các dự án BOT giao thông đều chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả... Ngoài ra, pháp luật hiện hành quy định trạm thu phí phải phù hợp, cách nhau 70 km, nơi nào nhỏ hơn 70 km thì Bộ GTVT phải trao đổi với UBND địa phương và Bộ Tài chính. Thế nhưng thực tế có trạm đặt không đúng, thậm chí đặt trạm thu phí thu luôn cả tuyến khác cạnh BOT tạo dư luận không tốt.

“Những dự án thu phí cải tạo, nâng cấp con đường mà Nhà nước đã đầu tư gây ra rất nhiều bức xúc. Thực tế cho thấy việc ta nghe ý kiến của người dân, những người thường xuyên sử dụng tuyến đường, những tổ chức liên quan để tạo sự thống nhất, đồng thuận giữa các bên liên quan còn chưa tốt” - Chủ tịch QH nói.

Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG:

Phải đảm bảo lợi ích của người dân

Việc thực hiện giám sát chuyên đề của UBTVQH về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết và kịp thời.

Ngay từ khi có dư luận bức xúc về các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải đánh giá lại các dự án giao thông BOT (có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước) để chỉ rõ những mặt được, tồn tại hạn chế và tìm giải pháp khắc phục.

Để giải quyết các bất cập trong dự án BOT giao thông trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác. Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí. Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.

Chính phủ cũng sẽ có các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan...

VIẾT LONG - X.TUYẾN

Tác giả: TRỌNG PHÚ

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP