Pháp luật

Vai trò của ba cha con cựu Chủ tịch Công ty 3/2 trong vụ 43ha đất vàng lọt tay tư nhân

Mở rộng điều tra vụ án 43ha đất vàng lọt tay tư nhân, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bổ sung tội danh tham ô tài sản đối với cựu Chủ tịch Cty 3/2 - Nguyễn Văn Minh. Con gái và con rể ông Minh cũng là "mắt xích" quan trọng trong vụ án.

Cụ thể, ngày 3/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty 3/2 và một số đơn vị liên quan.

CQĐT cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố, thi hành lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với Võ Hồng Cường, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty CP Hưng Vượng; áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Thục Anh, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển (con gái Nguyễn Văn Minh); Trần Đình Như Ý, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển. Các bị can này cũng bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ba cha con bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Cty 3/2

Theo hồ sơ vụ án, ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh tổ chức họp HĐQT Tổng công ty 3/2 quyết định chuyển nhượng 43ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận từ 6 năm trước là 570.000 đồng/m2. Dù Công ty Tân Phú mới thanh toán được 140/250 tỷ đồng, Tổng công ty 3/2 vẫn đề nghị sang tên và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú.

Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho thấy, ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty 3/2 cùng con rể Nguyễn Đại Dương (Dương từng là ông chủ vũ trường New Century xa hoa bậc nhất Hà Nội - PV) và các đồng phạm đã thực hiện hành vi “Cố ý làm trái…” việc phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương để chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha sang Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương thành lập, điều hành.

Sau khi nắm giữ 100% vốn tại Công ty Tân Phú và dự án trên khu đất 43ha, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương đã thực hiện chuyển nhượng lại cho Công ty của bà Đ.K.O…

Cơ quan điều tra xác định, giá trị quyền sử dụng 43 ha đất tại phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một), thời điểm chuyển nhượng hơn 250 tỷ đồng nhưng giá thực tế là hơn 552 tỷ đồng, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 302 tỷ đồng.

Các bị can lần lượt từ trái sang phải: Trần Đình Như Ý, Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh.

Đáng chú ý, dù Nguyễn Đại Dương không đứng tên trong nhóm cổ đông sáng lập, góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, nhưng kết quả điều tra và lời khai của các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Quốc Hùng; ông Huỳnh Trung Nam; ông Dương Đình Tâm thể hiện Nguyễn Đại Dương thông qua ông Nguyễn Nam Thanh (Công ty Ford Thủ Đô); bà Nguyễn Quỳnh Châu (em gái Dương); bà Nguyễn Thục Anh (vợ Dương) và bà Nguyễn Thị Phong Lan (mẹ Dương) chuyển số tiền 24,2 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Âu Lạc.

Những người này viết, ký giấy xác nhận ngày 15/11/2017, thể hiện việc Nguyễn Đại Dương nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Trong quá trình nhờ Dương Đình Tâm đứng tên, Nguyễn Đại Dương đã cho ông Dương Đình Tâm 4 tỷ đồng trong năm 2015, cho 500 triệu đồng vào năm 2017.

Bên cạnh đó, kết luận điều tra bổ sung cho rằng, bị can Trần Văn Nam cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và các đồng phạm biết rõ Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha phải bàn giao cho Công ty Impco, nhưng không chỉ đạo hủy hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Tân Phú để trả về cho Công ty Impco, gây thất thoát của Nhà nước hơn 302 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Nam còn đồng ý cho Tổng công ty 3/2 được tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, tạo điều kiện để ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn tất việc chuyển toàn bộ quyền quản lý của Nhà nước tại khu đất 43ha sang tư nhân.

Hành vi nêu trên của các bị can Trần Văn Nam và đồng phạm không tách rời hành vi của ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm - phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây thất thoát cho Nhà nước hơn 302 tỷ đồng.

Tác giả: Minh Đức

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP