Thế giới

Trung Quốc lập căn cứ tàu cứu hộ: Chiêu cũ dùng lại?

Trung Quốc muốn lợi dụng tính nhân đạo trong tuyên bố lập căn cứ tàu cứu hộ trên biển Đông nhằm đánh lừa dư luận, làm dịu căng thẳng của các nước.

Lợi dụng nhân đạo, giảm nhiệt căng thẳng trên biển Đông

Liên quan đến việc truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, Bắc Kinh đang lên kế hoạch lập một căn cứ dành cho tàu cứu hộ hiện đại ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam dự kiến vào cuối năm nay, trao đổi với Đất Việt, TS Ngô Hữu Phước - Khoa Luật Quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định luật pháp quốc tế không cho phép bất cứ quốc gia nào lợi dụng tính nhân đạo để chiếm đóng cũng như xây dựng trái phép các công trình trên lãnh thổ nước khác.

Theo TS Phước, trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của quốc gia thì việc các nước thành lập trung tâm cứu hộ, cứu nạn hàng hải hoàn toàn là hợp pháp và chính đáng. Các quy tắc của tổ chức hàng hải quốc tế, các quy định chung của luật pháp quốc tế cũng không cấm việc này.

“Tuy nhiên Luật pháp quốc tế không thừa nhận hành vi một quốc gia sử dụng vũ lực, cụ thể ở đây là Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng 7 điểm đảo ở ngoài Trường Sa của Việt Nam. Vì thế, dù họ có xây dựng công trình gì trên đó, kể cả dân sự, quân sự hay nhân đạo thì đều vi phạm luật pháp quốc tế một cách nghiêm trọng nhất.

Trung Quốc tuyên bố như vậy nhưng thực ra không phải để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn mà chủ yếu đánh lừa dư luận, khoác lên lớp áo đạo đức, nhân đạo quốc tế để thực hiện các toan tính trên biển Đông”, TS Phước nhấn mạnh.

Giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng, Trung Quốc đang đi ngược lại các giá trị nhân đạo quốc tế, đang đe dọa trực tiếp đến an ninh hàng hải, an ninh hàng không, đến các quyền tự do, chính đáng và hợp pháp của các quốc gia theo luật pháp quốc tế cũng như công ước về luật biển năm 1982.

“Trong thời gian hơn 2 năm vừa qua, Trung Quốc đang ngày đêm nỗ lực xây dựng đảo và các công trình nhân tạo trên các điểm đảo.

Đặc biệt gần đây, khi Bắc Kinh xây dựng xong cơ bản cơ sở hạ tầng thì họ lại tiến hành quân sự hóa đưa máy bay, đưa pháo ra ngoài đó nhằm mục đích củng cố quân sự hóa, tạo các sức mạnh về quân sự trên biển Đông nói chung và khu vực Trường Sa nói riêng. Trung Quốc bị các nước trong khu vực ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... và các cường quốc thế giới như Mỹ, Australia, Nhật Bản... phản đối quyết liệt.

Trung Quốc muốn lợi dụng tính nhân đạo trong tuyên bố lập căn cứ tàu cứu hộ trên biển Đông nhằm đánh lừa dư luận, làm dịu căng thẳng của các nước.


Tổng thống Obama sẽ sang Nhật Bản tham dự hội nghị G7. Chắc chắn trong chương trình nghị sự của G7 khả năng bàn bạc và phản đối quyết liệt Trung Quốc quân sự hóa ở biển Đông và đặc biệt là trên các vị trí điểm đảo đá.

Chính vì vậy, thông tin của dư luận, sức ép của dư luận dồn dập đòi hỏi Trung Quốc phải có mưu lược nhằm làm dịu căng thẳng đi. Đây là chiến thuật tổng thể ngoại giao mà họ đang làm”, TS Phước phân tích.

Cùng đưa ra nhận định, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, động thái này của Trung Quốc không mới, vì trước đó họ đã triển khai khoảng 31 tàu và 4 trực thăng dưới danh nghĩa hoạt động “cứu hộ nhân đạo” ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông.

“Tuyên bố ngang ngược này đi ngược lại các nỗ lực và mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Hiện nay, Bộ Giao thông Trung Quốc đang phối hợp với quân đội nước này trong cái gọi là thực thi hoạt động “cứu hộ nhân đạo” nói trên, nhưng thực chất là tiếp tục thực hiện kế hoạch quân sự hóa Biển Đông ẩn danh dưới chiêu trò của một “cuộc chiến nghề cá”. Thành thử Bắc Kinh, từ lợi dụng tính nhân đạo lại trở thành hành vi vô nhân đạo và độc ác”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi lo ngại.

Vị chuyên gia đánh giá, tuyên bố của Trung Quốc đã chạm vào lợi ích của Mỹ và đồng minh, trước hết là quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

“Dù nằm ngoài chủ đích, chính Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Mỹ can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông, thúc đẩy mạnh hơn quan hệ đối tác của Mỹ với các nước trong khu vực “bị bắt nạt”. Thành công ngoài dự đoán của phía Trung Quốc từ chuyến thăm Việt Nam 3 ngày vừa rồi của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là một trong những minh chứng cho nhận định nói trên”, vị chuyên gia khẳng định.

Vạch trần bản chất của Trung Quốc

Đánh giá mức độ nguy hiểm trong tuyên bố mới của Trung Quốc, TS Ngô Hữu Phước cho rằng Bắc Kinh đang rất xảo quyệt khi tìm cách che giấu, bưng bít không công bố việc xây dựng công trình quân sự, việc quân sự hóa đảo đá xâm lược của Việt Nam. Trong khi đó, họ sẵn sàng tổ chức khánh thành ngọn hải đăng xây trái phép, công bố dự án xây dựng căn cứ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nhằm “đánh lẫn con đen” với các mục đích nhân đạo.

“Việt Nam cần phải phản đối quyết liệt, cực lực lên án hành động của Trung Quốc. Về góc độ quốc tế, chúng ta nên làm rõ hành vi và bản chất của Bắc Kinh không phải hướng đến một hành vi nhân đạo quốc tế mà chủ yếu nhằm quân sự hóa biển Đông. Ngoài ra cần tập trung nhấn mạnh đến hành động của Trung Quốc đe dọa đến tự do hàng hải, tự do hàng không, lưu thông thương mại bình thường giữa các quốc gia”, TS Phước nêu quan điểm.

Cùng bàn về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Việt Nam nên tranh thủ các diễn đàn quốc tế và khu vực để có các tuyên bố bầy tỏ thái độ về các căng thẳng trên Biển Đông từ các hành vi gây hấn của Trung Quốc.

“Là một quốc gia nhỏ bé và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam kiên định đường lối hợp tác rộng mở, “đa phương hóa, đa dạng hóa”; kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông; kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích biển cốt lõi; kiềm chế không sử dụng vũ lực nhưng sẵn sàng sử dụng vũ lực để tự vệ chính đáng phù hợp với tinh thần của Hiến chương Liên hiệp quốc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cả dân tộc đồng hành ra “biển lớn”, PGS.TS Hồi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác, liên kết, thậm chí liên minh với các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ để phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng.

“Mỹ và Việt Nam cần triển khai cụ thể và thực chất các thỏa thuận trong quan hệ đối tác toàn diện để giúp Việt Nam phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng. Đây cũng là cách để Mỹ đảm bảo lòng tin đối với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực để tạo ra trận 'Cờ vây' quanh Biển Đông.

Bên cạnh đó, Mỹ và các nước liên quan cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết về vụ kiện pháp lý của Philippines về đường lưỡi bò.

Đặc biệt, Mỹ phải tăng dầy tần suất và lôi cuốn sự tham gia của đồng minh trong việc tuần tra trên Biển Đông bằng tàu và máy bay”, PGS.TS Hồi nêu giải pháp.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huệ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP