Xã hội

Thanh Chương tập trung trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa

Cùng với cả nước và cả tỉnh huyện Thanh Chương đang tích cực xây dựng Nông thôn mới. Trong quá trình này, bên cạnh việc đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện và các xã đã quan tâm đến phát triển văn hóa, đặc biệt là bảo vệ và phát huy giá trị các di sản lịch sử văn hóa ở các địa phương, coi đây là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Những kết quả này đang tạo nên một bộ mặt nông thôn vừa hiện đại vừa truyền thống phù hợp với bản sắc của dân tộc.

DSC0502
Các Đền thờ trên địa bàn xã Thanh Hưng có nét độc đáo trong kiến trúc xây dựng bằng nhà sàn


Đền thờ Mai tướng quân tọa lạc ở xóm 12, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Một vị tướng có nhiều đóng góp cho vua Lê. Sau khi Mai Tướng quân mất, con cháu dòng họ đã lập miếu để thờ cúng ông. Cùng với thời gian gian, Miếu thờ đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Hiện nay, khi đời sống được nâng cao, nhu cầu văn hóa tâm linh được nâng lên, mặc dù các điều kiện để được công nhận là di tích không còn nhưng đầu năm 2016 con cháu dòng họ Mai đã tự nguyện đóng góp ngày công và tiền cửa để trung tu, nâng cấp lại nơi thờ tự ông tổ của họ mình để tỏ lòng thành kính với các bậc tổ tiên. Ông Mai Xuân Viện xóm 12 Thanh Hưng- TC nói: Con cháu trong họ chúng tôi đã tự nguyện đóng góp tiền của để nâng cấp, xây dựng lại nhà thờ cụ tổ khang trang với trên 220 triệu đồng chưa kể ngày công.

Thanh Hưng là một trong những xã có nhiều di tích lịch sử với 1 di tích cấp quốc gia, 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Riêng trong năm 2016 có 3 di tích được xếp hạng. Để phát huy giá trị các di tích năm 2016 địa phương và các dòng họ đã đầu tư trên 3,5 tỷ đồng trùng tu và tôn tạo 14 di tích. Đây là một nổ lực rất lớn của cán bộ và nhân dân mà không phải địa phương nào cũng làm được. Ông Lê Thời Quý- Phó ban quản lý di tích xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương cho biết thêm: hàng năm, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia việc trùng tu lại các di tích. Tổ chức nhiều hoạt động bề nổi ở các khu dân cư và công khai các khoản thu chi rõ ràng nên đã thu hút được hàng tỷ đồng vào việc trùng tu các di dích trên địa bàn.

2 DSC0544
3 DSC0504
4 DSC0495
Hình ảnh về Đình Phúc Xã ở xã Ngọc Sơn, Đền Quan Tri Châu thờ ngài Thừa tuyên sứ Lê Thời Tự xã Thanh Hưng,

Đền thờ Mạnh tướng quân họ Mai

Trùng tu khôi phục lại di tích lịch sử là việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nói như vậy bởi không phải ở đâu và lúc nào cũng có được nhận thức này, khi phải nhắc lại là một thời kỳ do quan niệm chưa đúng nên chúng ta đã đối xử với di sản văn hóa một cách lệch lạc, coi đó là di sản của thời phong kiến, là lạc hậu, hoặc mê tín dị đoan. Khi bước vào thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), đặc biệt là trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án, cho chủ trương xã hội hóa công tác trùng tu tôn tạo các di tích, khôi phục lại nhiều lễ hội. Theo thống kê bước đầu hiện toàn huyện có trên 300 di tích. Những năm gần đây đã trùng tu, nâng cấp các di tích lớn như Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt, Đến Bà Chúa ở xã Thanh Đồng, đền Chè ở xã Hanh Lâm với nguồn kinh phí xã hội hóa gần 10 tỷ đồng. Các di tích vừa và nhỏ như đền thờ Mai tướng quân và nhiều di tích khác như ở xã Thanh Hưng thì hầu như địa phương nào cũng thực hiện được. Việc kết nối, hòa đồng các giá trị xưa và nay, cổ kính và hiện đại không phải ở đâu, lúc nào cũng làm tốt. Thực tế đã chứng minh một điều: khi nào người dân được phát huy dân chủ, được bàn, được làm, được kiểm tra thì việc khó mấy cũng thành công và khi đó chính quyền cơ sở chỉ cần tập trung cho công tác quản lý, phát huy giá trị di sản, quản lý lễ hội theo quy định của pháp luật. Ông Trình Văn Nhã- P. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói: Thanh Chương là địa bàn có nhiều đi tích, việc khôi phục lại các di tích đã được xã hội hóa từ nhiều năm nay và thu được nhiều thành công. Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, ghi nhận sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền cơ sở nhất là người dân. Sự tham gia của người dân có ý nghĩa quyết đinh, bởi di tích là tài sản của cộng động phải do cộng đồng chăm lo và thụ hưởng các giá trị. Chúng tôi cũng sẽ phân loại di tích để hướng dẫn sử dụng. Có những di tích chỉ để thờ tự hoạt động tâm linh nhưng cũng có nhiều di tịch sẽ chuyển thành hội quán văn hóa nơi sinh hoạt của cộng đồng.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã và đang đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực nhưng không phải ở đâu và lúc nào cũng nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của từng lĩnh vực và sự tổng hòa của nó với cái chung tổng thể. Với một đất nước từng có hơn 90 % dân số là nông dân, làng quê nào cũng gắn với cây đa giếng nước, sân đình và các di tích lịch sử. Ghi nhận đôi điều về những kết quả mà huyện Thanh Chương đã làm được chúng ta có thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để bổ sung cho việc xã hội hóa công tác trùng tu, bảo vệ chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năn tới, gắn kết kinh tế với văn hóa, văn hóa với kinh tế, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn giàu mạnh, văn minh, đạt được các tiêu chí đề ra.

Tác giả bài viết: Hữu Thịnh (Đài Thanh Chương)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP