Pháp luật

Phản đối dựng lại hiện trường 3 chiến sĩ bị sát hại ở Đồng Tâm

Luật sư của 3 gia đình chiến sĩ hy sinh ở Đồng Tâm phản đối việc dựng lại hiện trường vì cho rằng như vậy là quá tàn bạo, gợi lại nỗi đau cho gia đình các nạn nhân.

Sáng 10/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo tội "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Trong phần tranh luận sáng nay, luật sư Nguyễn Hồng Bách và Nguyễn Thị Phương Anh - luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các gia đình bị hại không đồng tình với nhiều nội dung mà các luật sư đồng nghiệp bào chữa cho các bị cáo tại tòa.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho hay, nhiệm vụ của ông là bảo vệ quyền lợi cho các bị hại nhưng không đồng nghĩa buộc tội các bị cáo, mà chỉ làm rõ sự thật khách quan, để HĐXX có phán quyết đúng người, đúng tội, đúng hành vi mà các bị cáo gây ra cho các bị hại.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh. (Ảnh: TTXVN)

Luật sư Bách cũng đề cập tới 5 luận điểm mà các đồng nghiệp của mình bào chữa trước đó và cho rằng: "Việc 'tổ đồng thuận' mượn danh nghĩa để gây rối, chiếm đất, tạo ra nhiều vụ việc mất an ninh trật tự tại địa phương đã được VKSND TP Hà Nội nêu rõ trong phần luận tội.

Trước tình hình này, lực lượng công an có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, do đó 3 chiến sĩ công an hy sinh không phải là tình cờ đến Đồng Tâm mà đến để thực hiện nhiệm vụ".

Theo luật sư Bách, hôm qua (9/9), VKS đề nghị thay đổi hành vi phạm tội cho 19 bị cáo đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, những hành vi của bị cáo cần phải được xem xét chịu một phán quyết của tòa án.

"Tuyên bố của bị cáo Lê Đình Công về việc sẽ giết 300-500 người, đây như một hành động đè lên luật pháp, ngạo mạn. Hành vi của các bị cáo rõ ràng phải tước đoạt bằng được mạng sống của các chiến sĩ", luật sư Bách nói.

Bên cạnh đó, luật sư Bách không đồng tình với một số luật sư đồng nghiệp khi đề nghị tòa cho công bố kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn, an ninh địa phương tại Đồng Tâm của lực lượng chức năng trong và sau ngày 9/1.

"Khi đưa ra đề nghị, phải xem xét các quy định của pháp luật liên quan thế nào, luật pháp quy định rất rõ, không có quyền tiếp cận kế hoạch, hành động của lực lượng chức năng.

Bởi căn cứ vào Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 33 hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Thông tư số 33 của Bộ Công an, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 26 quy định chi tiết Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định số 13/2010 quy định danh mục bí mật Nhà nước đều cho thấy kế hoạch bảo vệ này thuộc danh mục bí mật, không thể công bố công khai", luật sư Bách nói.

Luật sư Bách cũng không đồng tình việc các luật sư của một số bị cáo bào chữa cho rằng, các chiến sĩ vào Đồng Tâm có vượt quá chức năng, nhiệm vụ công vụ của họ hay không. Luật sư Bách dẫn chứng một số quy định cho thấy các chiến sĩ đã thực thi công vụ theo kế hoạch của cấp trên (đề nghị không nêu số kế hoạch).

"Sau khi các chiến sĩ hy sinh, Đảng và Nhà nước đã xem xét thành tích của các anh, các anh được thăng quân hàm vượt cấp. Nếu là tội phạm, họ có được ghi nhận công lao hay không?", luật sư Bách nhấn mạnh.

Đối với một số đề nghị dựng lại hiện trường vụ việc để thực nghiệm điều tra vì nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của 3 chiến sĩ, luật sư cho rằng không thỏa đáng. "Chúng ta sao có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như thế. Ai là người dám chui xuống hố đó cho người khác đổ xăng lên?

Không phải trường hợp nào cũng phục dựng, tái dựng hiện trường và thực nghiệm điều tra. Trường hợp này, chúng ta không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân".

Đại diện các bị hại đề nghị tòa không trả hồ sơ điều tra như đề nghị của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo, bởi như thế là kéo dài nỗi đau của các gia đình bị hại.

"Thực tế, hồ sơ vụ án đã có những đối chất, đã có những bút lục rõ ràng. Nếu trả lại hồ sơ, vụ án chưa thể khép lại, cơ quan tố tụng bắt đầu từ điều tra nguyên trạng tội giết người đối với 25 bị cáo.

Trong khi đó, VKS đã đề nghị chuyển tội danh của 19 người nhẹ hơn và tôi tin rằng đó là điều mong muốn của các bị cáo. Nếu trả hồ sơ, các bị cáo sẽ tiếp tục bị giam và những người được đề nghị hưởng án treo có thể bị chuyển tội danh hoặc ngồi tù. Như vậy sẽ không có lợi cho các bị cáo", luật sư Bách nói.

Theo cáo trạng, mặc dù biết đất cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, tuy nhiên, ông Lê Đình Kình (ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm) cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số người tại xã Đồng Tâm thành lập "tổ đồng thuận" với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.

Nhóm người này thường xuyên lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm. Đồng thời sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất, kêu gọi người dân xã Đồng Tâm "đấu tranh để giữ đất".

Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Kình chỉ đạo "tổ đồng thuận" và nhiều người khác gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng trái với pháp luật. Điển hình như vụ bắt giữ 34 chiến sĩ của Trung đoàn CSCĐ và 4 cán bộ khác.

Khoảng tháng 9/2019, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng với Lê Đình Công và đồng phạm góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Ông Lê Đình Kình cùng đồng phạm tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng internet. Đồng thời, nhóm này tuyên bố nếu cơ quan chức năng đưa lực lượng đến Đồng Tâm thì sẽ tiêu diệt từ 300 người đến 500 người.

Rạng sáng 9/1/2020, khi thấy lực lượng công an tiến đến cổng làng thôn Hoành (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu, Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động.

Các bị cáo sau đó bắn pháo hiệu và cũng bắn pháo về phía lực lượng chức năng; đứng trên mái nhà dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công cảnh sát. Lúc này, tổ công tác nhiều lần dùng loa kêu gọi các nhóm người này dừng các hành vi vi phạm nhưng nhận lại là sự chống đối quyết liệt.

Các chiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân trong khi di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công, đồng thời ném nhiều gạch đá khiến 3 chiến sĩ ngã từ trên cao xuống một chiếc hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức.

Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu. Rồi hai đối tượng đạp chậu xuống hố, châm lửa. Hai kẻ này đã nhiều lần đổ thêm xăng xuống hố, dẫn đến sự hy sinh của ba chiến sĩ.

Ngoài ra, một lực lượng khác áp sát nhà ông Lê Đình Kình và cũng nhận sự chống trả quyết liệt.

Khi cảnh sát phá khóa cửa ngách nhà ông Kình thì thấy người này cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối. Vì vậy, cảnh sát nổ súng 2 lần khiến ông Kình bị thương và chết sau đó.

VKSND TP Hà Nội khẳng định việc lực lượng chức năng nổ súng trong trường hợp này là đúng quy định của pháp luật.

Ông Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu trong vụ án nhưng do đã chết nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tác giả: Tùng Lâm

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP