Thế giới

Nỗ lực cứu vớt danh tiếng của trực thăng quân sự Trung Quốc

Trung Quốc gần đây cố gắng cải thiện chất lượng các dòng trực thăng vũ trang xuất khẩu, sau những sự cố đầy tai tiếng.

Trực thăng Z-9 của hải quân Trung Quốc cất cánh từ hộ vệ hạm HMS Cornwall trong chiến dịch chống cướp biển tại vịnh Aden tháng 8/2009. Ảnh: BQP Anh.

Trung Quốc đang cố gắng trở thành một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu cạnh tranh với Nga và Mỹ, trong đó có lĩnh vực trực thăng quân sự. Với ưu thế giá rẻ và không có điều kiện kèm theo, Trung Quốc đã xuất khẩu trực thăng quân sự tới nhiều nước trên thế giới và sở hữu thị trường đầy tiềm năng, chuyên gia Tiago Machado của IHS Jane's nhận định.

Tuy nhiên, trực thăng quân sự xuất khẩu của Trung Quốc trong những năm qua liên tiếp dính các vụ tai nạn đầy tai tiếng, khiến các khách hàng tiềm năng nghi ngại về chất lượng của trực thăng "Made in China". Gần đây nhất, vào năm 2016, quân đội Bolivia thông báo phát hiện những chiếc trực thăng H425 nước này mới mua từ Trung Quốc có một số bộ phận bị lỗi.

Báo cáo của quân đội Bolivia sau hai năm sử dụng trực thăng H425 cho biết cả phi công lẫn các nhân viên bảo dưỡng đều không được huấn luyện đầy đủ về dòng trực thăng này. Các vấn đề về bảo dưỡng cũng nhanh chóng xuất hiện sau một thời gian ngắn, và các nhân viên mặt đất nhiều lúc bó tay khi các phụ tùng bị lỗi.

Tháng 7/2014, một chiếc trực thăng Z-9 quân đội Campuchia mua của Trung Quốc bị rơi, khiến hai tướng Campuchia thiệt mạng. Dù nguyên nhân được xác định là lỗi của phi công, tai nạn này vẫn giáng một đòn mạnh vào uy tín của trực thăng do Trung Quốc sản xuất.

Trung Quốc hiểu rõ thái độ tiêu cực của khách hàng đối với dòng chữ "Made in China" trên các loại khí tài và thiết bị quân sự của mình, trong đó có trực thăng. Trang tin tức quân sự tiếng Anh của Trung Quốc China Military Online thừa nhận rằng trực thăng Trung Quốc được thiết kế trước những năm 1980 kém chất lượng hơn phần lớn trực thăng của các nước phương Tây. Nạn tham nhũng và chiến lược sao chép là nguyên nhân khiến ngành hàng không của Trung Quốc tụt hậu.

Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong ngành hàng không thông qua hoạt động mua lại hay thậm chí là sao chép, đánh cắp công nghệ, giúp nước này hình thành cơ sở để xây dựng công nghệ riêng của mình.

Một khi làm chủ được công nghệ chế tạo, trực thăng của Trung Quốc sẽ có độ tin cậy cao hơn và hoạt động xuất khẩu loại phương tiện này sẽ có bước phát triển mới. Bên cạnh đó, nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc trong những năm gần đây giúp hạn chế tình trạng cho xuất xưởng những chiếc trực thăng kém chất lượng.

Trực thăng tấn công Z-19E bay thử nghiệm tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc tháng 5/2017. Ảnh: Reuters.

Đầu tháng 10, Xinhua đưa tin trực thăng tấn công Z-19E của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chuẩn bị được đưa vào sản xuất hàng loạt sau quá trình thử nghiệm và kiểm định chất lượng.

AVIC nhấn mạnh rằng trực thăng Z-19E đã trải qua các cuộc thử nghiệm toàn diện về hệ thống kiểm soát hỏa lực cũng như các chuyến bay thử. Thông cáo này của AVIC được giới phân tích nhận định là nhằm giảm những nghi ngờ về chất lượng trực thăng "Made in China".

Có một yếu tố khác khiến Trung Quốc buộc phải phát triển những mẫu trực thăng có độ tin cậy cao hơn: những chiến trực thăng này phải đáp ứng được yêu cầu sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra đối với quân đội nước này.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện trở thành điểm nóng xung đột liên quan đến nhiều cường quốc mà Trung Quốc là một bên tham gia, buộc nước này phải xây dựng lực lượng đổ bộ đường biển mạnh. Trực thăng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này, bởi chúng không chỉ vận chuyển binh sĩ và trang thiết bị bằng đường không mà còn cung cấp hỏa lực chi viện cho các chiến dịch thâm nhập, đổ bộ.

Trung Quốc đang tiếp tục phát triển công nghệ của mình trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nói chung và ngành công nghiệp hàng không nói riêng, trong đó có lĩnh vực chế tạo trực thăng. Nếu hoạt động này được thực hiện nghiêm túc, ấn tượng về dòng chữ "Made in China" trên các loại khí tài quân sự, trong đó có trực thăng, có thể được cải thiện, Machado kết luận.

Tác giả: Nguyễn Tiến

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP