Xã hội

Những nét độc đáo trong lễ hội Đền Chín gian của đồng bào thái huyện Quế Phong - Tỉnh Nghệ An

Quế Phong là huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An gồm 14 xã, thị trấn. Diện tích 1.895km2, dân số 69.107 người với 9 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất 56.602 người (chiếm 81,9%). Nhắc đến huyện Quế Phong đồng bào các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An không ai không biết đến lễ hội Đền Chín gian (theo tiếng Thái là Tến Cau Hoong), lễ hội được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ hội Đền Chín gian mang nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng báo Thái huyện Quế Phong nói riêng và vùng miền Tây Bắc Nghệ An nói chung.

1. Lịch sử hình thành

Đền Chín Gian ngày nay tọa lạc trên một ngọn đồi có tên Pú Pỏm thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Di tích có độ cao so với mực nước biển là 186,4m. Phía trước và bên phải Đền là dòng sông Nậm Giải, bến Tà Tạo và cánh đồng Tổng Huống bằng phẳng, rộng lớn, phì nhiêu; phía sau đền là ngọn núi Pú Kẹp; bên trái là bản Kim Khê.

Xung quanh về lịch sử hình thành của Đền Chín gian có khá nhiều ý kiến.

Theo các già bản, Đền được xây dựng vào thời gian Cầm Cần con của Cầm Lan thay cha làm Chẩu mường, kiêm Châu Hủa. Đó là những năm mường lớn Quỳ Châu[1] thịnh vượng hơn cả: “Mỗi bước trâu đi là một chậu nòng nọc, mỗi khoảnh ruộng là một kho thóc vàng. Ở trong nhà, mỗi cái kén to bằng quả quéo, mỗi bắp tơ to bằng quả bí, bên trái nhà treo chiêng, bên phải nhà để sanh đồng. Dưới sàn nhà, trâu đứng chật sàn, lợn gà nhung nhúc. Đi ra ngoài sân, chỗ nào cũng đụng phải sào phơi tơ, chỗ nào cũng vướng phải dây phơi bọc chăn thêu, phơi váy áo”. Những năm đó, dân chúng làm ăn phát đạt, nên theo lời đề nghị của Cầm Cần, cả 9 mường góp công của làm Đền Chín Gian để thờ Trời (Thẻn Phà), vì Trời cho nên mới được như vậy và thờ con gái của trời (nàng Xỉ Đả), người đã dạy dân bản trồng bông, kéo sợi dệt vải, nhuộm màu, thêu thùa, may vá, nấu nướng,... Họ Cầm (Lo Kắm) cho rằng họ là con cháu của trời. Đền làm xong, các mường (Poọng), các họ người Thái dắt trâu đến cúng, đến mừng, thành thông lệ, lễ cúng thường tổ chức rất lớn.

Và ngọn đồi Pú Pỏm được chọn để xây dựng ngôi Đền Chín gian, bởi lẽ theo truyền thuyết: “một hôm dân làng đang mở hội chín mường, trong khi các Mo thực hiện nghi thức tắm trâu ở bến Tà Khoẳng (một đoạn sông Nậm Giải), bỗng dưng có con rồng đến cuốn (Quái Mè Hảo) con trâu cái trắng của mường Tôn vào trong hang đá. Tạo mường cho rằng đây là điềm xấu, liền cho dân chúng giết trâu để lập đàn tế trời. Cả mường đang làm lễ tế trời, bỗng dưng mây đen kéo đến, sấm chớp mịt mùng. Hòn đá có cái hang mà rồng kéo trâu vào nứt ra thành 3 mảnh (hiện nay gọi là Tạch tà Khoẳng thuộc xã Châu Kim). Ngày hôm sau, từ đâu có một con quạ cổ khoang trắng bay đến đậu trên tảng đá bị sét đánh, sau đó cắp miếng xương trâu trắng, bay lên bầu trời lượn 9 vòng, rồi bay thẳng xuống một ngọn đồi có tên Pú Pỏm thuộc bản Piếng Chào thả khúc xương trâu trắng xuống đó. Lấy làm điềm lạ, Tạo mường cho rằng thần linh, Thẻn Phà và Tổ Tiên đã đồng ý chuyển đền về khu vực này, tức địa phận Châu Kim ngày nay, lập tức cả mường tập trung dựng đền tại nơi có khúc xương con trâu mà con Quạ khoang đã thả”.

den+chín+gian
Hình ảnh Đền chín Gian
Theo giới học giả thì căn cứ lịch trình thiên di của nguời Thái vào đất Nghệ An và các nguồn sử liệu dân tộc học, truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua các câu chuyện về quá trình tạo bản lập mường của nhân vật Tạo Ló Ỳ và Cắm Lự - Cắm Lạn qua các bài dân ca dân tộc Thái ở Quế Phong cho rằng: Đền Chín Gian đã có gần 700 năm, gắn liền với quá trình khai phá của cộng đồng dân cư người Thái để lập thành 9 mường (Mường Tôn Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng). Mường Tôn được xem là mường chủ (mường gốc) của đồng bào Thái, đây cũng là trung tâm hành chính của các mường và là nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh để cầu an, cầu phúc cho nhân dân chín mường.

Theo các tư liệu điền dã và ghi chép của Châu Hủa Cần (chủ trì đền Chín Gian từ năm 1883 – 1887) thì Đền Chín Gian được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIV gắn với quá trình khai bản lập làng của dòng họ Lo Kắm. Dòng họ này thiên di từ khu vực miền núi Tây Bắc của Việt Nam qua Lào rồi dạt về vùng núi Phủ Quỳ. Nguyên xưa, Đền được dựng ở vùng Pù Chò Nhàng thuộc thuộc bản Khoẳng (thuộc địa phận xã Châu Kim, huyện Quế Phong ngày nay), sau đó chuyển đến đồi Pú Pỏm thuộc bản Piêng Chào (hiện nay). Lý do dời Đền có nhiều khảo dị khác nhau, nhưng lý do đáng tin cậy hơn cả đó là sự suy tàn của mường thời bấy giờ.

Như vậy, bằng những tư liệu trên có thể khẳng định rằng đền Chín gian được xây dựng cách chúng ta hiện nay khoảng 7 thế kỷ.

2. Những nét độc đáo

Từ ngày 14/2 đến 16/2 (âm lịch), lễ hội Đền Chín gian được tổ chức thu hút rất đông người tham gia nhằm hướng về Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - Người được xem là có công đầu trong việc khai mường, lập đất. Lễ hội Đền Chín gian mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân vùng sơn cước.

Lễ hội Đền Chín Gian xưa được xem là nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào Thái - Phủ Quỳ, nên công việc chuẩn bị cho lễ hội rất được chú trọng và được phân công rõ ràng. Trước khi lễ hội diễn ra, ngoài việc các mo thông báo cho 9 mường biết đồ vật cúng lễ, thời gian tổ chức lễ hội thì các bộ phận khác như: Mo Mường, Mo Chà, Bà Đống,… lo xếp đồ vật tế lễ. Châu Hủa phải thu xếp các việc trong nhà lễ, bãi tổ chức ngày hội. Theo quan niệm của người Thái Phủ Quỳ xưa, 3 ngày lễ là 3 ngày toàn thể nhân dân 9 mường lên ở nhà trời, cho nên mọi đường đi lối lại phải đúng luật nhà trời. Người lên đền dự lễ phải được chọn lọc kỹ càng, không vi phạm các hành vi đạo đức, không ăn cắp, không hút thuốc phiện, phụ nữ chưa chồng, người chưa thành niên không được đến lễ tại đền.

Đặc điểm nổi bật của Lễ hội Đền Chín Gian không chỉ ở chỗ phạm vi ảnh hưởng của nó khá rộng lớn[2], với số lượng vật hiến tế nhiều mà còn thể hiện ở sự pha trộn màu sắc tín ngưỡng khác nhau. Thực chất ở đây là tính cộng đồng của những người nông dân làm nông nghiệp, về yếu tố cầu mùa của sinh hoạt này thể hiện qua các trò diễn dân gian như: ném còn, kéo co, múa sạp,… Những nghi thức trong đền là nghi thức thờ cúng. Vừa mang tính chất thờ cúng các vị thần cao nhất của trời (Thẻn Phà) vừa mang tính chất thờ cúng Chúa đất là (Tạo Ló Ỳ), đây là một dạng của tín ngưỡng thờ cúng, thần, thánh của người Thái. Nó biểu hiện sâu sắc của văn hóa “Việt” đối với các sinh hoạt tín ngưỡng của người Thái lúc bấy giờ.

Lễ hội Đền Chín Gian có khá nhiều công đoạn trong đó có cả phần lễ và phần hội. Từ sáng ngày 14 tháng 2 âm lịch tổ chức lễ khai quang, sang đến buổi chiều, chủ tế và ông mo thay mặt các mường tổ chức lễ cáo yết, để mời các thần về tham dự lễ hội, đồng thời cũng xin các vị thần cho ngày mai, ngày chính tế có thời tiết tốt, mát mẻ để nhân dân khai hội.

Sáng ngày 15 tháng 2 âm lịch, là ngày chính hội. Từ sáng sớm, ban quản lý đền và các ông mo phải dậy sớm để chuẩn bị cho nghi lễ tắm trâu và lễ rước trâu về đền bắt đầu cho lễ chém trâu (Phắn Quái) và lễ đại tế. Bên cạnh các hoạt động tâm linh, thì ở sân lễ hội cũng tổ chức khai hội và các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống bắt đầu diễn ra sôi nổi.
Buổi tối ngày 15 là cuộc thi hát các làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số và vui chơi tại các lán trại. Sang ngày 16 là ngày cuối cùng của lễ hội thì phần hội được diễn ra rất phong phú và đa dạng với rất nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của một bộ phân dân cư ở khu vực miền núi phía Tây Nghệ An như: Khắc Luống (quành long); đánh cồng (tý cồng); vật (pằm cắn); đánh quay (khiếc xảng); đi cà kheo (Phảng cống quến); bắn nỏ (ninh nà); kéo co (Lạc xào); ném còn (vít con); đánh khăng (tành tù); chọi gậy (chìm nều); Tọ mạc lẹ,...

Trong các nghi lễ của lễ hội như Lễ Khai quang (Xó Phí Pù - Phí Pà); Lễ Kháy quan (Yết Cáo); Lễ tắm trâu và lễ rước trâu (Ton đăm ton thẻn); Lễ chém trâu; Lễ Đại tế (Xớ thẻn, xớ đăm; Lễ tạ (Chả ơn, Thào quan). Đây là nghi lễ để tỏ lòng thành kính và biết ơn Thẻn Phà (Vua trời), Tạo Ló Ỳ, người có công khai bản lập mường,... Lễ vật chính dùng trong hiến tế là trâu.
Nghi lễ chém trâu của đồng bào dân tộc Thái trong lễ hội đền Chín Gian trải qua nhiều công đoạn và được chuẩn bị công phu như: cách chọn trâu, phải to khỏe, không dị tật... Trước khi tổ chức buổi lễ, trâu được đem về giao cho các ông mo chăm sóc vỗ béo, bằng các thức ăn sạch như các loại cỏ thơm, mía..., cử người nấu rượu nếp để tắm cho trâu, trang trí cột buộc trâu,...

Lễ chém trâu được bắt đầu bằng việc ông Mo cùng đoàn rước ăn mặc quần áo truyền thống, đem trâu xuống bến sông Tà Tạo phía trước đền Chín Gian để làm lễ tắm cho trâu. Lễ vật được chuẩn bị bao gồm: trầu, cau, 3 ống đựng rượu, hương và cá phóng sinh. Sau khi thầy mo làm lễ bằng bài cúng truyền thống xin thần sông cho phép tắm trâu, là nghi lễ phóng sinh cá chép xuống sông và dắt trâu xuống sông, tưới rượu lên thân trâu và bắt đầu tắm cho trâu. Tiếp theo lễ tắm trâu là nghi thức rước trâu về đền. Đoàn rước theo thứ tự đi đầu là đoàn người cầm giáo mác thể hiện sự uy nghiêm của thần, vừa đi vừa hò hét để dẹp đường cho đám rước, theo sau là đoàn cồng chiêng và đoàn cờ phướn, sau cùng là nhân dân tham gia lễ hội. Trên đường đoàn rước đi qua phải tiến hành một số nghi thức như tế thổ thần tại am thần thổ địa (Pù Xừa), tế thần tại gốc cây Sy cổ thụ (cỏ ba tạc hạc ba chướn), đây được xem là nơi hội tụ khí thiêng của sông núi, đất trời. Trước khi lên tới sân đền các thầy Mo phải qua suối Tiên (Huôi cò Phạt) để làm nghi thức tắm cho mình và cho mọi người bằng các loại nước lá đã được nấu sẵn với ý nghĩa đuổi tà ma, không để tà ma theo mình trước khi vào đền... Trước khi giết trâu, Ủ Mo dẫn các tạo và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu của mường mình 3 vòng, tỏ ý đồng lòng dâng trâu. Sau đó mọi người mới bắt tay vào mổ thịt trâu, đem cỗ thịt trâu đặt lên bậc cao nhất của gian đền. Bà mo làm lễ “hắp quái” suốt ngày đêm thứ 2 đến chiều ngày thứ 3 mới xong lễ. Sau lễ “hắp quái”, thịt trâu được đem nấu tại chỗ và chia cho mọi người cùng thưởng thức.

Đó chỉ là những nghi thức truyền thống, hiện nay tại lễ hội Đền Chín gian thì nghi lễ chém trâu vẫn được duy trì nhưng chém trâu chỉ mang tính chất tượng trưng, đó là đặt rìu lên gáy trâu chứ không còn hình ảnh chém trâu như truyền thống. Thể hiện một nét văn minh, tiến bộ trong xã hội hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào.
le+hoi+dươc+to+chuc+hàng+nam
Lễ chém trâu tại Lễ hội

Có thế nói, Lễ hội Đền Chín Gian ở huyện Quế Phong là một sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng, biểu hiện rõ nét sắc thái địa phương mà ở một số vùng người Thái không thể tìm thấy hình thức sinh hoạt văn hóa tương tự ở cấp trên mường trong cộng đồng người Thái. Lễ hội Đền Chín Gian, thông qua những nội dung sinh hoạt của nó đã góp phần không nhỏ vào việc bảo lưu những giá trị tinh thần truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong nói riêng và đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An nói chung.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Thuần (Bí thư Huyện đoàn Quế Phong)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP