Nhà đẹp

Người Hà Tĩnh với thiết kế nhà xanh “trốn nóng, tránh lạnh”

Nhằm giúp người dân Hà Tĩnh ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tại tỉnh Hà Tĩnh” (IWMC) đang triển khai xây dựng bộ tiêu chí/tiêu chuẩn và thiết kế mẫu nhà xanh. Hoạt động này cũng góp phần huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và tư nhân để thực hiện chiến lược thích ứng với BĐKH.

77d515t6873l0
Đồ họa cấu trúc ngôi nhà độc đáo của gia đình anh Trần Xuân Hùng (phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh). Ảnh: Archdaily.

Biến đổi khí hậu tác động đến nhà ở

Để chống chọi với cái nóng như “lửa thiêu” vào mùa hè, hơn 20 năm nay, bà Trần Thị Hồng (thôn 1, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) đã lợp phibro xi măng và bổ sung các tấm liếp bằng tre cho ngôi nhà của mình. Nhờ vậy, ngôi nhà của bà Hồng vừa chống nắng được vào mùa hè, vừa hạn chế được mưa tạt và gió lùa vào mùa đông. Bên trong ngôi nhà, bà Hồng phủ một lớp bạt để cách nhiệt cho mái. Xung quanh nhà bà còn trồng một số cây bóng mát.

Bà Hồng chia sẻ: “Giải pháp là vậy nhưng thời tiết ngày càng biến đổi, vì thế, gia đình tôi đã tôn cao nền nhà để chống chọi với BĐKH. Dù vậy, trong xu hướng khí hậu ngày càng cực đoan như hiện nay thì ngôi nhà xây dựng hơn 20 năm đã lỗi thời và chúng tôi rất cần giải pháp để cải tạo, chống BĐKH”.

Tại cuộc khảo sát hiện trạng nhà ở tại TP Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Những kiến trúc sư H&P (Hà Nội) vừa triển khai tháng trước, trong số gần 40 nhà ở thuộc 4 khu vực được khảo sát (bao gồm: Khu vực ven sông Rào Cái (Thạch Hưng), ven các hồ điều hòa (phường Nam Hà, Tân Giang), vùng đô thị cũ (phường Tân Giang, Bắc Hà) và khu vực vùng đô thị mới (Thạch Quý, Trần Phú), hầu hết các gia đình đều cho rằng, ngôi nhà bị ảnh hưởng của BĐKH. Điều này đã tác động tiêu cực tới cuộc sống con người. Trong đó, quá nóng được coi là ảnh hưởng tiêu cực nhất, sau đó đến quá lạnh và cuối cùng là quá khô hạn.
2d515t1709l1
Ngôi nhà có kiến trúc độc đáo anh Trần Xuân Hùng đã được tạp chí chuyên về kiến trúc Archdaily của Mỹ đánh giá là ấn tượng và giới thiệu ra toàn thế giới. Ảnh: Đặng Phương

Xây dựng tiêu chuẩn nhà xanh

Trước tình trạng BĐKH tác động tiêu cực lên nhà ở cũng như đời sống của người dân Hà Tĩnh, Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tại tỉnh Hà Tĩnh” đang triển khai xây dựng bộ tiêu chí/tiêu chuẩn và thiết kế mẫu nhà ở cho dân cư khu vực tỉnh Hà Tĩnh theo tiêu chuẩn nhà xanh. Theo đó, thiết kế mẫu nhà xanh sẽ có sự tích hợp các điều kiện đặc trưng về địa hình, khí hậu, vật liệu, KT-XH của địa phương.

Anh Đặng Hữu Phương - cán bộ Phòng Quản lý nguồn nước và phát triển đô thị (Ban điều phối Dự án IWMC Hà Tĩnh) cho biết: “Đơn vị đã hợp đồng với Công ty cổ phần những kiến trúc sư H&P để tiến hành khảo sát hiện trạng nhà ở tại TP Hà Tĩnh. Dựa trên kết quả khảo sát, chúng tôi sẽ xây dựng bộ tiêu chí/tiêu chuẩn, thiết kế mẫu nhà xanh để cung cấp cho chính quyền và người dân Hà Tĩnh. Đây là một trong những tiểu dự án quan trọng giúp dự án IWMC đạt được mục tiêu huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ tốt cho việc thực hiện chiến lược thích ứng với BĐKH”.

Đến thời điểm hiện tại, báo cáo khảo sát hiện trạng nhà ở tại TP Hà Tĩnh đã hoàn thành. Hiện Công ty cổ phần Những kiến trúc sư H&P đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chí/tiêu chuẩn và thiết kế mẫu nhà xanh.
77d515t2145l3
Đoàn khảo sát của Công ty CP Những kiến trúc sư H&P tiến hành khảo sát hiện trạng nhà ở tại TP Hà Tĩnh.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân - Tư vấn trưởng của công ty nhấn mạnh: “Mẫu thiết kế nhà xanh sẽ tích hợp các yếu tố có khả năng chống chọi với thảm họa thiên nhiên, trong đó, sẽ ưu tiên sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả; đồng thời, giải quyết các vấn đề về lượng nhiệt, cách nhiệt, kiểm soát ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên... Quan trọng hơn nữa là các tiêu chí/tiêu chuẩn và mẫu thiết kế nhà xanh sẽ không xa rời với các kiến trúc truyền thống mà phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương”.
Hà Tĩnh có diện tích bị ngập do nước biển dâng xếp thứ 4 cả nước (sau khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng và tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Theo các kịch bản BĐKH đối với nhiệt độ và lượng mưa được xây dựng cho 7 vùng khí hậu của Việt Nam (Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ), lượng mưa mùa khô có thể giảm ở hầu hết các vùng khí hậu, ngược lại, mùa mưa có thể tăng ở tất cả các vùng khí hậu.

Với kịch bản phát thải trung bình, vào năm 2100, so với giai đoạn 1980-1999, nhiệt độ trung bình ở Hà Tĩnh tăng 2,8oC, lượng mưa tăng lên khoảng 7,7%, mực nước biển trung bình có thể tăng 75 cm.

Tác giả bài viết: Quang Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP