Trong tỉnh

Nghệ An sẽ ưu tiên bố trí vốn cho dự án trọng điểm, có tính liên vùng

Nghệ An yêu cầu các sở, ban, nghành và các địa phương xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho dự án trọng điểm, có tính liên vùng, có sức lan toả.

Một góc TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

UBND tỉnh Nghệ An ngày 5/8/2021 đã có chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, các cấp triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 theo từng nội dung, cụ thể:

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước…; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh thời gian tới; bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển.

Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải bảo đảm tính khả thi; gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội .

Về xây dựng Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu phải dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu đối với từng ngành, lĩnh vực, năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng nộp thuế, những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế theo chế độ.

Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá cụ thể tác động, ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế. Cùng với đó, tính toán các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, quản lý thu, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế…

Về xây dựng Dự toán chi ngân sách nhà nước 2022, căn cứ vào nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, trên cơ sở mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của địa phương; Khi xây dựng dự toán và bố trí ngân sách nhà nước năm 2022, các sở, ban, ngành và địa phương cần thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công. Cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay…

Chỉ thị nêu rõ, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 các sở, ban, ngành và các địa phương phải xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bố trí vốn thực hiện trong năm 2022; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.

Đồng thời xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho dự án trọng điểm, có tính liên vùng, có sức lan toả, tạo động lực cho phát triển nghành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với nội dung hiệp định, cam kết của nhà tài trợ…

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP