Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều trạm y tế, bệnh viện huyện xuống cấp trầm trọng

Sau khi được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, nhiều xã đã “quên” trả nợ tiêu chí về cơ sở vật chất khiến trạm y tế ngày càng xuống cấp, không đảm bảo chất lượng hoạt động. Tương tự, cơ sở vật chất nhiều bệnh viện tuyến huyện sau nhiều năm sử dụng bị hư hại nặng nhưng bản thân các đơn vị này không có nguồn để tái đầu tư...

Cơ sở vật chất xuống cấp nặng

Trạm y tế (TYT) xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là đơn vị y tế cơ sở thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 9.000 người dân và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn xã. Những năm qua, TYT xã đã thực hiện tốt các tiêu chí, nhiệm vụ được giao góp phần để xã Nghi Thái được công nhận xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 1 vào năm 2007, đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế vào năm 2012, về đích nông thôn mới vào năm 2014... Dẫu vậy, sau khi đạt được các danh hiệu, tiêu chí, TYT xã Nghi Thái gần như không được đầu tư xây dựng. Đến nay, trạm y tế xuống cấp nặng nề.

Thời điểm này, TYT xã có 2 khối nhà, đều được xây dựng vào năm 1990, bằng gạch táp lô và xi măng. Khối nhà chính gồm 1 số phòng chức năng nhỏ hẹp, rêu phong và rấm mốc. Tường và nền đều lỗ chỗ bong tróc. Mỗi khi mưa xuống, tất cả các phòng đều bị dột. Khối nhà cấp 4 gồm 3 phòng phía sau thì “thảm hại” hơn. Đứng trong nhà nhìn qua khe tường nứt có thể thấy rõ mọi hoạt động diễn ra phía ngoài.

BS. Nguyễn Thị Hương, Trưởng TYT xã Nghi Thái cho biết: Trạm xuống cấp trầm trọng đã từ rất lâu. Trước năm 2014, trạm có đôi lần được tu sửa nhưng chắp vá. Từ năm 2015 trở lại đây, không có một hoạt động sửa chữa nào ngoài việc khắc phục dàn tôn phía ngoài bị hư hại do bão. Hiện nay, mặt bằng trạm thấp hơn đường nên mỗi lần mưa to là nước tràn ngập trạm, phải sau mấy ngày nước mới rút hết. Vườn cây thuốc vì thế cũng hư hỏng cả.

Sau nhiều năm sử dụng, cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa Yên Thành đã xuống cấp nặng.

Trạm xuống cấp, môi trường y tế không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn (trung bình mỗi tháng trạm khám chữa bệnh cho khoảng 350-400 người). TYT đã đề xuất được xây mới nhiều lần và cũng đã được Đảng ủy, HĐND đề ra kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương còn quá khó khăn nên việc xây dựng mới chưa được thực hiện.

Thông tin từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nghi Lộc: Không chỉ riêng TYT xã Nghi Thái, trên địa bàn huyện còn có nhiều TYT xuống cấp khác, như các TYT xã Nghi Hoa, Nghi Long, Nghi Hưng... Nhiều xã sau khi đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế thì không đầu tư nữa, “quên” việc “trả nợ” tiêu chí cơ sở vật chất về y tế. BS. Võ Văn Thắng, Giám đốc TTYT huyện Nghi Lộc cho hay: Hầu hết các trạm y tế này đều đã được xây dựng từ lâu. Việc tu sửa hiện nay đang được thực hiện theo cách chắp vá, hư hại đâu thì sửa chữa và sơn ve lại đấy; theo kiểu “đối phó” với việc thẩm định Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Bệnh viện huyện thiếu đầu tư

Ở Nghệ An hiện nay, không chỉ riêng cơ sở vật chất nhiều TYT xuống cấp, hư hỏng chưa được tu sửa, xây dựng mới, mà ngay cả ở các bệnh viện tuyến huyện cũng thế. Điển hình là BVĐK huyện Yên Thành. Bệnh viện có quy mô gần 300 giường bệnh, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân thị trấn Yên Thành và các xã phụ cận như Bắc Thành, Tăng Thành, Xuân Thành, Hậu Thành, Quang Thành... Mỗi ngày có khoảng 500 người đến khám chữa bệnh.

Ở bệnh viện này, đến bất cứ đâu cũng có thể nhìn nhận rõ tình trạng xuống cấp của phòng ốc. Đơn cử như Khoa Dược, phòng ẩm thấp, nấm mốc, không đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc. Khoa Sản và nhiều khoa khác, phòng bệnh cũ kỹ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều thiết bị hư hại. Phòng mổ của bệnh viện trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 9 vừa qua cũng thấm dột.

BS. Nguyễn Duy Chính, Giám đốc BVĐK Yên Thành chia sẻ: Trong hệ thống bệnh viện tuyến huyện thì bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành là một đơn vị y tế còn nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, nhất là khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị y tế...

Hầu hết cơ sở vật chất ở các bệnh viện tuyến huyện đều đã được xây dựng cách đây từ 15 đến 40 năm. Qua thời gian sử dụng, tất cả phòng ốc đều đã không đảm bảo công năng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Trong bối cảnh tự chủ tài chính, thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến huyện, các bệnh viện tuyến huyện không thu hút được bệnh nhân. Nguồn kinh phí tự chủ chỉ đảm bảo chi trang trải một phần thu nhập tăng thêm cho cán bộ và mua sắm 1 số trang thiết bị cỡ nhỏ. Hoạt động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị không tìm được nhà đầu tư.

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, các đơn vị y tế này trực thuộc ngành quản lý thì ngành có trách nhiệm đầu tư. Nhưng thực tế thì nguồn ngân sách đều đã được đưa về các địa phương. Ở ngành chỉ quản lý 1 số đề án về đầu tư trang thiết bị và có chăng là dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dành cho trạm y tế khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới... Trong điều kiện nguồn vốn không có, các bệnh viện tuyến huyện không có kinh phí tái đầu tư, ngành y tế rất mong các địa phương quan tâm xây dựng cơ sở vật chất ở các bệnh viện tuyến huyện để đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Tác giả: Thành Chung - Từ Thành

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP