Trong tỉnh

Nghệ An: Cần mạnh tay với các dự án chậm tiến độ

Không chỉ kéo dài hàng chục năm, các dự án này còn chậm tiến độ nhiều hạng mục. Mặc dù được cơ quan chức năng nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần, người dân kiến nghị, phản ánh nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp, xem thường quy định.

Dự án Khu dân cư của Công ty CP Dệt may Trung Đô quây tôn nhiều năm.

Các “ông lớn” được xướng tên

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 70/NQ-HĐND thành lập Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh “Về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh”. Tiếp đó, ngày 14/2/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) ban hành Công văn số 459/SKHĐT-DN về việc rà soát danh mục dự án chậm tiến độ, không triển khai năm 2022 trên địa bàn TP Vinh. Đầu tháng 3/2022, UBND TP Vinh đã có văn bản gửi Sở KHĐT báo cáo, đề nghị kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn.

Theo đó, trong danh sách 53 dự án chậm tiến độ tại TP Vinh, có rất nhiều “ông lớn” được xướng tên. Đơn cử như, Dự án Văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng thương mại của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Dự án Khu thương mại dịch vụ gắn với nhà ở và trụ sở làm việc của Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492; Dự án Khu văn phòng, chung cư và nhà ở liền kề của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng công trình 465; Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp của Công ty TNHH Thành Thái Thịnh; Dự án Khu đô thị Đồng Dâu kết hợp nhà ở cho người có thu nhập thấp của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đại Huệ.

Hay như Dự án Trung tâm dịch vụ thương mại và văn phòng làm việc của Công ty CP Vận tải Ô tô số 5; Dự án Tòa nhà Lũng Lô - Vinh của Công ty TNHH Một thành viên (Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô); Dự án Khu dân cư tại phường Hà Huy Tập của Công ty cổ phần Gold Đất Việt; Dự án Khu dân cư của Công ty CP Dệt may Trung Đô; Dự án Khu nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở cán bộ công nhân viên và dây chuyền đóng mới sửa chữa tàu thuyền của Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu thuyền Hải Châu…

Trong số các dự án nói trên, phải kể đến Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại phường Hưng Dũng (nằm ở mặt đường đại lộ Lênin) do Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2010 với tổng diện tích được giao thực địa là 4.056m2. Đến năm 2018, dự án này được UBND tỉnh Nghệ An cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Ngân hàng TMCP An Bình, chi nhánh Nghệ An với 1.500m2. Sau đó, từ 1.500m2 của Ngân hàng TMCP An Bình, tiếp tục chuyển nhượng đất cho Công ty CP Hoa Sen. Đồng nghĩa với việc, trên diện tích hơn 4.056m2 ban đầu của 1 dự án với 1 chủ đầu tư, nay có 3 dự án của 3 nhà đầu tư.

Hệ lụy từ giữ đất, treo đất

Đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, ngoài năng lực hạn chế của chủ đầu tư như năng lực về tài chính và có tình trạng giữ đất từ chủ đầu tư; vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng còn có trách nhiệm của nhà nước như chưa xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đấu nối và việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch cũng làm chậm tiến độ dự án. Một nguyên nhân nữa là hệ thống quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; mặt khác còn có việc không thực hiện đúng hoặc chậm các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, dẫn đến việc thực hiện, xử lý các dự án còn vướng mắc, kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Thắng - phường Hưng Bình (TP Vinh) bày tỏ: Những dự án mang tính găm đất, giữ đất thì nhà nước có chế tài cụ thể, quyết liệt thu hồi. Bởi, nếu không mạnh tay, các chủ đầu tư nhìn nhau rồi bất chấp, nếu vậy quy hoạch đô thị không có tác dụng.

Ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Trước hết cần chú trọng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư có năng lực và thiện chí muốn làm để thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư. Ngược lại đối với các chủ đầu tư năng lực yếu, trách nhiệm triển khai hạn chế thì cần phải có chế tài để kiên quyết xử lý.

Nhiều dự án vẫn chưa san lấp mặt bằng, hiện trạng đang là ao hồ dù được phê duyệt nhiều năm như: Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Tuấn (phường Vinh Tân); Dự án Khu thương mại và dịch vụ tổng hợp của Công ty dịch vụ thương mại Vinh Thịnh Vượng (phường Vinh Tân)… Qua đó cho thấy, những dự án chậm tiến độ đã tạo ra hệ lụy làm lãng phí tài nguyên đất đai; mất mỹ quan; làm chậm sự hình thành đô thị theo Quy hoạch chung của TP Vinh.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP