Xã hội

Ngày về của 'đứa con' làng biển

Năm 2017 này tôi ngoài 60, nặng xấp xỉ 60kg, từng có 6 năm sống ở Nghệ An. Ngẫm trong đời cơ thể tôi có một yến là nước sông Lam, là nhút Thanh Chương, là tương Nam Đàn...

Tôi có người bạn vong niên làm ở báo Nông nghiệp Việt Nam. Gã người Quỳnh Lưu. Năm ngoái, bố Trần Cao mất tôi đi công tác không kịp về viếng. Lần này, giỗ đầu cụ Lang tôi lại có dịp về với biển Quỳnh Lưu.

Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, núi Rồng, hang Đầu Rồng... những địa danh thân thương ấy đã trở thành máu thịt tôi từ khi nào chẳng rõ.

Bình Minh trên biển Quỳnh (Ảnh: Gia Minh)

Cùng đi nhờ xe như tôi là một thanh niên tuổi trạc bốn mươi, cũng là bạn vong niên của Cao. Hắn ấp úng: Chào, chào chú! Trông chú quen lắm, như đã gặp đâu đó.

Gã trai da sạm nắng, diện cả "cây bò" bạc phếch, trước ngực đeo toòng teng một cái máy ảnh. Anh lái xe là phóng viên kỳ cựu của báo Nông nghiệp Việt Nam định giới thiệu nhưng tôi giơ tay ngăn lại: Để bạn ấy tự tìm hiểu.

Gã trai Hà Nội nhíu mày, rồi buông lỏng cơ mặt mỉm cười, đầu gật gật ra ý sẽ tham gia "trò chơi" tôi bày ra.

- Cháu tên gì?

- Gia Minh ạ.

- Nhà ở đâu, học cấp 3 ở đâu?

- Nhân Chính ạ, cấp 3 Nhân Chính luôn ạ.

Xe qua Ninh Bình, anh lái xe quên điều tôi dặn, vô tư hỏi:

- Chú Mẫn ơi, ta ăn trưa ở thành phố Thanh Hóa nhé.

- Ok, nếu không ai có địa chỉ nào tốt hơn thì chúng ta đến 22 Hàng Than, cửa hàng bình dân, giá cả phải chăng. Hoặc đến cửa hàng Thắm Hùng phố Hàng Đồng gần tượng đài Lê Lợi.

Gia Minh quay sang nhìn tôi:

- Cháu xin lỗi vì đã không nhận ra chú. Bây giờ thì không chỉ quen mặt, giọng nói chú cũng thân quen, chú là BLV bóng đá, cha của hai cầu thủ Thể Công, Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương.

- Lỗi gì chứ, chúng ta có quyền không biết đến các ngôi sao thể thao cũng như giới sô-bít, huống chi chú chẳng phải ngôi sao, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên truyền hình thôi.

- Sao chú thông thạo Thanh Hóa thế ạ?

- Mình là "Hỏa thanh rế, rể Thanh Hóa". Mình đã từng dạy cấp 3 Quảng Xương 1 gần hai năm, dạy Toán nhé. Cháu đeo cái máy ảnh có đắt tiền không?

- Chưa đến mười triệu ạ.

- Thế cũng xịn rồi.

Tôi nói với anh PV đang cầm lái: Này, cháu lái xe, ta đi đường một cũ nhé qua cầu Hàm Rồng cho anh chàng này tác nghiệp. Chú cũng muốn dừng ở chân cầu mươi phút...

Tháng Tư, hoa xoan nở trắng các ngõ xóm, bờ đê. Sông Mã mùa này nước cạn, sền sệt phù sa màu nước hến.

Gia Minh lao xuống mép sông, đứng lên ngồi xuống bấm lia lịa. Lúc gần trưa này chụp khó đẹp. Mà chúng tôi không phải dân chuyên nghiệp để đợi hoàng hôn hoặc bình minh. Có hai người đàn bà mò hến ở mép sông đang rửa chân tay để còn về kịp bữa trưa. Tôi nhắm mắt lại, nhớ về thời xa vắng, bạn gái tôi người Thanh Hóa rất hay hát "hôm nao cấy lúa ven cầu, dưới ánh đèn dù soi sáng đêm thâu...”.

Gia Minh kéo tôi về thực tại:

- Chú ơi! Những hố tròn tròn này có phải hố bom không?

- Không, dẫu ngày ấy Hàm Rồng là túi bom, bom từ trường, bom laze, cả ngư lôi của thủy quân Mỹ thả ngoài biển theo thủy triều vào tận nơi đây. Hơn 40 năm rồi, những vết sẹo trên mặt đất dường như đã liền da. Chỉ còn những vết sẹo trong tâm hồn. Đây chỉ là những vũng trâu đằm thôi cháu ạ.

Chú nói tiếp đi.

- Mùa đông năm 1972, chú là sinh viên năm thứ hai khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh, lúc ấy đang sơ tán ở Yên Thành. Tháng Chạp, giáp Tết chú về quê. Không có xe khách, cứ đi bộ gặp xe bộ đội là vẫy. Dịp đó cầu Hàm Rồng trúng bom laze bị hất xuống sông, một mố cầu phía nam vẫn dính với bờ. Chú đi bộ qua cầu phao bắc tạm. Giữa cầu gặp thầy giáo dạy đại số chú năm thứ nhất đang khoác ba lô cùng đơn vị hành quân. Hai thầy trò ôm nhau giữa dòng sông Mã hùng vĩ. Cả hai đều không nghĩ rằng đó là cái ôm vĩnh biệt. Thầy đi vào phía nam, đi mãi không về...

- Một thời thật bi thương, Gia Minh nói.

- Thế hệ chú ít trò chơi, đọc nhiều. Cũng có thể gen kể chuyện do ba chú truyền cho. Hơn nữa khi xúc động câu chuyện kể ra sẽ hay thôi. Vả lại, các cháu là người biết lắng nghe và thích nghe chuyện ngày xưa. Còn đến thế hệ 9x không còn muốn nghe chuyện cũ...

Chúng tôi ghé vào quán cơm Hùng Thắm phố Hàng Đồng. Chủ quán cao lớn với bộ ria rất ấn tượng chạy ào ra: “Ôi anh Mẩn, anh lại về thăm bà ngoại thằng Phương Nam à?”. “Không, về thăm bà ngoại thì sao lại ghé quán chú. Anh đi đám hiếu ở Quỳnh Lưu”.

Xe qua thị trấn Quảng Xương, tôi đặt nhẹ tay lên vai chàng lái xe khẽ nhắc, chạy đúng tốc độ nha. Thực ra tôi muốn kéo dài những phút giây hiện tại, muốn quay về với thời xa vắng.

... Tôi đã cưới vợ trong một phòng học ở ngôi trường này. Đám cưới đời sống mới, nghĩa là chỉ tiệc trà. Vợ tôi đã sinh đứa con đầu lòng ở đây. Mấy năm trước báo Thể Thao và Văn hóa đặt viết bài trả lời câu hỏi của bạn đọc: Thày giáo Toán đã trở thành cầu thủ như thế nào? Tôi đã viết bài "Cha, con và bóng đá".

- Gia Minh nghe chuyện ngày xưa không?

- Có ạ, chú kể đi.

Đêm mùa đông mười lăm tháng mười hai năm 1976, tôi trong đoàn giáo viên của bộ Giáo dục lên tàu ở ga Hàng Cỏ để tăng cường cho vùng mới giải phóng. Tàu qua Thanh Hóa lúc nửa đêm. "Anh ơi! Chị sinh con trai rồi". "Anh ơi chị đặt tên cháu là Phương Nam như anh đã dặn". Đêm ấy, nỗi buồn, niềm thương nỗi nhớ cuồn cuộn trong tôi.

- Hay quá chú ơi, như là thơ ấy.

- Chú đã từng đọc đoạn này trong một chương trình trò chơi Thể thao của VTV3. Một bạn trẻ cũng nghĩ như cháu, nhắn lên màn hình dòng chữ: "Bác Mẫn làm thơ còn hay hơn đá bóng". Với chú đó không là thơ, chẳng phải văn, đó là máu trong tim tràn ra mặt giấy. Ngày ấy, chú thương vợ trẻ vượt cạn một mình, thương con đầu lòng chào đời không được bố đón.

- Cháu cảm ơn chú, chuyện hay quá ạ.

Thôi mọi người nghỉ trưa đi. Chiều, bên biển tôi sẽ tặng mọi người một câu chuyện khác...

Tôi choàng tỉnh khi anh lái xe hỏi: “Chú ơi, ta rẽ vào làng Quỳnh Đôi nhé”. “Đúng rồi, rẽ đi. Làng này rất đặc biệt”.

Quỳnh Đôi là đất địa linh nhân kiệt. Là quê hương của nhà cải cách Hồ Quý Ly, của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tên ngày nhỏ là Hồ Thơm, của Hồ Xuân Hương, Hồ Tùng Mậu... Các doanh nhân thành đạt, các nhà khoa học. Nhà giáo nổi tiếng Văn Như Cương dạy tôi cũng sinh ra ở đây. Nhìn cái cổng thấy vóc dáng của làng.

Qua Quỳnh Đôi là đến Quỳnh Minh. Ngày mai mới là giỗ đầu bố Trần Cao. Chúng tôi uống trà xanh Xứ Nghệ và lần lượt sắp lễ viếng ông thầy thuốc Nam có tiếng ở vùng biển Quỳnh. Gió biển thổi vào, quyện với mùi hương của các cỏ cây đang phơi làm thuốc dâng lên một mùi thật dễ chịu, một mùi rất khó gọi tên, nó ở đâu đó sâu thẳm trong ký ức tuổi thơ.

Trần Cao thật chu đáo, đã về tới nhà trước 30 phút để đón khách. Rồi gã trịnh trọng: Mời chú và các bạn sang thăm bác ruột tôi, nhà văn Trần Huy Quang. Ông đang “ở ẩn” trong ngôi nhà thờ họ Trần rất gần biển.

Tác giả tiểu thuyết "Nước mắt đỏ", phóng sự "Vua lốp", "Lời khai của bị can" xôn xao văn đàn một thời đang ngồi sắp xếp tuyển chọn các tác phẩm đã in, những bản thảo sắp in. Ở tuổi 74 ông vẫn còn nhanh nhẹn hoạt bát lắm. Ông bước nhanh xuống ba bậc tam cấp bằng đá xanh nhẵn thín bắt tay chúng tôi: “Chú là chú Mẫn?”. “Dạ vâng”, chắc ông Cao đã "mách lẻo". “Nó có báo trước. Ngày ở Hà Nội tôi cũng đôi lần nhìn thấy chú "chém gió" về bóng đá trên ti vi”.

Trà xanh lại được rót ra. Tôi chăm chú nhìn bức tranh trên mảng tường tối rồi dè dặt thưa: Bức này quen lắm, phong cách này... đúng rồi, chữ ký bác Lê Trí Dũng. “Chú mày dân bóng đá mà rành hội họa nhỉ”. “Không phải ạ. Bác Dũng là thông gia với anh họ em, nhìn chữ ký bác ấy em nhận ra”.

Nhà văn Xứ Nghệ vuốt mái tóc bồng bềnh, gật gù: Có duyên đấy.

Trần Cao lại trịnh trọng: Bây giờ ta xuống Quỳnh Nghĩa cho chú Mẫn thăm lại "mái nhà xưa". Nghe thế, nhà văn hỏi luôn, quê Nam Định sao lại có mái nhà xưa ở đây? Tôi nói nhỏ chỉ ông nghe thấy: Lát nữa em sẽ thưa chuyện với bác.

Chúng tôi sang đến Quỳnh Nghĩa, nhận phòng rồi lao ngay ra quán gió sát mép biển. Trần Cao đã lôi ra một két bia rồi gọi với vào bếp: Cá đục nướng. Cá bạc má hấp sả, ngao cũng hấp sả, cứ tạm thế đã...

Đúng lúc ấy một trung niên cao lớn chạy xe máy tới, dừng xe rồi ào vào ôm lấy tôi: “Anh tới lâu chưa?”. “Vừa mới tới”. “Sáng nay em mới lên quét vôi cho bố mẹ. Tôi thở dài, buồn bã: “Anh lại muộn rồi... Em cứ ngồi đây để anh thưa chuyện với nhà văn”.

“Thưa bác, năm sáu chín em ở đây một năm”. “Chú học sư phạm Vinh à?”. “Vâng năm ấy mới lớp 9 khối chuyên Toán. Câu chuyện này em đã kể trên VTV3, chương trình cà phê sáng cùng BTV Hồng Cư”. “Chú thuộc à?”. “Vâng, vì nó ngắn và... nó ngấm vào máu thịt em”.

..."Mùa thu năm 1969 tôi học lớp 9 chuyên Toán Sư phạm Vinh. Trường sơ tán về làng chài Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An. 16 tuổi, ngoài giờ học tôi chạy, đá bóng tắm biển nên bụng lúc nào cũng đói. Một buổi chiều vắng vẻ, người ra biển, người ra đồng. Trong bếp bay ra một mùi thơm thật quyến rũ. Cá nục kho gừng với nước mắm chắt. Tôi lẻn qua cánh cửa khép hờ, vào bếp, kiễng chân nhón một miếng cá kho bỏ vào miệng. Đúng lúc ấy có tiếng dép loẹt quẹt ngoài cổng. Bà chủ nhà hai tay bế hai đứa bé sinh đôi chưa đầy năm. Thấy tôi trong bếp, bà rảo bước lên nhà trên.

Cơ thể tôi lớn lên hôm nay không vì miếng cá nục ấy, nhưng tâm hồn, lối sống đã được ảnh hưởng rất nhiều từ sự bao dung từ người đàn bà Xứ Nghệ ít học".

Một phút yên lặng trôi qua.

Nhà văn cũng xúc động nắm chặt tay tôi:

- Hay, hay lắm em ạ. Trong cái thật của em nổi lên sự bao dung của người đàn bà Xứ Nghệ. Hôm nay em mới trở lại à?

- Không, lần thứ tư rồi bác ạ. 2008 lớp em kỷ niệm 40 năm vào Chuyên Toán. Chúng em đi cả lớp vào đúng trung thu. Một bạn từ Hung ga ri về chuẩn bị sẵn mấy chục hộp bánh. Em bỏ thêm một phong bì viếng bà. Mấy năm sau em vào một mình, lần ấy lại không gặp ông... Năm ngoái em vào dịp 49 ngày Thầy Lang là em trai bác. Cứ có cơ hội đi Quỳnh Lưu là em đi. Hôm nay vào thì chú em lại đã quét vôi cho ông bà từ hôm qua. Hình như em làm việc gì cũng muộn một chút.

Nhà văn an ủi, không sao đâu em. Chiều vào thắp hương ban thờ cho ông bà. Anh tin họ hiểu tấm lòng của em...

Mặt trời cuối xuân vẫn còn lơ lửng trên đỉnh núi Rồng. Nắng đẹp quá, biển xanh và dịu dàng...

Cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn thay cờ mới cho ngư dân Quỳnh Nghĩa (Ảnh: Gia Minh)

Tôi tìm một lão ngư đang sửa soạn ra khơi, sau phút ngỡ ngàng lão hiểu ngay rồi cùng thay những chiếc lá cờ cũ nát cùng tôi. Mọi việc diễn ra giản dị như đời sống. Xấp cờ còn lại tôi giao cho người đàn ông mà ngày xưa tôi đã ăn của nó một miếng cá: Em giao số cờ này cho trưởng thôn. Nếu còn thiếu anh sẽ gửi vào.

Nhà văn Trần Huy Quang có vẻ xúc động. Tôi cũng thấy nhẹ lòng. Tổ quốc, đôi khi chỉ là một phần tư lá quốc kỳ tả tơi bạc màu sương gió. Nhân dân, nhiều khi là miếng cá kho ta ăn vụng lúc ấu thơ...

Biển Quỳnh tháng Tư, sương mù u ám, phía chân trời tiếp tục đùn lên những đám mây xám. Gia Minh đi lại bồn chồn. Liệu mây có tan không chú ơi? Cháu hy vọng chuyến đi này sẽ có một "pô" thật đẹp về bình minh, vậy mà...

Chú chịu, chú chỉ được sống bên biển một năm, mà cái năm "sáu chín" ấy đã xa lắc xa lơ... Minh à, thời sinh viên chú đọc được câu này: "Sự đầy đủ của cuộc đời con người chính là ở chỗ đi tìm hạnh phúc. Cho dù, hạnh phúc không phải bao giờ cũng lạc bước đến với ta".

Bỗng Minh reo lên, đây rồi đây rồi. Không cần bình minh nữa. Chú xem này.

Tôi ghé mắt vào màn hình máy ảnh. Minh chớp được khoảnh khắc tôi và lão ngư đang treo cờ dưới ánh hoàng hôn chưa tắt trên biển Quỳnh. Lão ngư săn chắc, lá cờ mới đỏ tươi bay phần phật trên biển xanh.

Tôi nhìn thấy tôi ở tuổi đôi mươi trong Gia Minh. Thấy thằng bé làng chài Quỳnh Nghĩa lang thang nhặt sỏi dưới bóng núi Rồng...

Tác giả: CỰU DANH THỦ ĐẶNG GIA MẪN

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP