Xã hội

Mộ đá sừng sững của người Thái cổ dọc hai bờ sông Mã

Trong những chuyến khảo sát và điền dã dọc dài đôi bờ sông Mã, tôi từng gặp hàng trăm ngôi mộ có hình thức mai táng tương tự, nhiều ngôi có quy mô không hề thua kém ngôi mộ đá xã Cẩm Thạch.

Hin Hong của người Thái cổ

Ngôi mộ đá phát lộ 10 năm trước, thuộc bản Co Me (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa), từng được viện Viễn Đông bác cổ, trực tiếp là nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani khảo sát và công bố vào năm 1935. Tuy có cả đoàn tùy tùng rước kiệu đưa vào hiện trường, nhưng có lẽ thời gian gấp rút, không thấy bà Colani công bố kết luận về ngôi mộ đá. Những tấm ảnh bà cung cấp, cho thấy kích thước khối đá phiến của khu mộ Co Me to cao xấp xỉ phiến đá dựng ở Cẩm Thạch.

Ngay tại xã Cẩm Thạch trước đây vốn cũng có những ngôi mộ đá có kích thước tương tự. Gò đất này trước kia là khu nghĩa địa, gọi là Đống Cao, rất nhiều mộ lớn trong rừng cây cổ thụ. Khu đất thấp hơn, rộng chừng 5-6 hecta, gọi là Đống Bái, có hàng ngàn ngôi mộ dựng đá thấp, nhỏ.

Ngôi mộ đá cổ ở Kỳ Tân.

Ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái – Mường, từng đồng hành với tôi trong nhiều chuyến du khảo dọc hai bờ sông Mã. Trong trải nghiệm của ông, trước đây, có hàng loạt những ngôi mộ đá lớn như vậy tại các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy. Tuy nhiên, nhiều khu nghĩa địa lớn hiện chỉ còn trong ký ức người bản địa.

Khu vực xã Thiết Ống (huyện Bá Thước) từng có các khu mộ đá đồ sộ, với những phiến đá cao hơn 3m, rộng hơn 1m, như Đống Côn, Đống Lơn, Đống Dồn... Còn những phiến đá to như tấm phản giữa rừng cây cổ thụ, như ở làng Võ (xã Điền Trung), hiện đang được dùng bắc cầu qua mương Mó Khú. Nơi đây, trước cũng dày đặc các rừng mộ đá. Hoặc bên các làng Cộn, làng Chiêng, làng Ré (xã Hạ Trung) cũng từng có những rừng mộ đá sừng sững với đá xếp kín xung quanh các ngôi mộ chỉ chừa một lối vào. Những nghĩa địa nhỏ hơn thì còn rất nhiều, hiện nay vẫn rải rác tìm thấy trong các khu vực dân cư hoặc vườn đồi dọc hai bờ sông Mã.

mo da nguoi thai co 1 1491193933
Một góc nghĩa trang của người Thái.

Ông Hà Nam Ninh, sau một thời gian dài tìm hiểu, đưa ra kiến giải: “Đây có thể là những vùng đất mà trước kia người Thái từng cư trú, do những biến thiên của lịch sử, họ di cư đến vùng khác và để lại những nghĩa địa cũ. Người Thái gọi phiến đá dựng xung quanh các ngôi mộ là Hin Hong, thường đặt tấm lớn phía đầu và bốn tấm phía tay, chân. Rồi đặt quan tài ở giữa, họ đổ than lên trên trước khi đắp đất. Kích thước phiến đá và độ dày của lớp than tùy thuộc vào gia thế của thân chủ. Sau đó con cháu có thể trồng thêm các cây như trầu, cau, mít... tạo thành khu vườn cho người dưới mộ. Hình thức mai táng này vẫn còn ở xã Văn Nho của tôi và các xã lân cận như Kỳ Tân, Thiết Kế..., là các mường của người Thái cổ. Cũng có một số nơi, người Mường còn dấu vết mai táng này, có lẽ là kết quả của sự giao thoa văn hóa trước đây khi hai tộc người còn chung sống”.

Mộ một quý tộc người Thái?

Trở lại với ngôi mộ đá ở Cẩm Thạch, dù có nằm trong vùng đất mà người Mường, người Kinh đang cư trú, nhưng hiện nay người dân không lưu giữ hình thức mai táng này nữa. Người Mường địa phương gọi đó là các “Đống ma lào” và không sử dụng các nghĩa địa này làm nơi chôn cất người thân của mình. Do người Mường hay gọi người Thái và người Lào là một, có thể hiểu “Đống ma Lào” là nghĩa địa của người Thái. Tương tự là các “Đống ma Xá”, là nơi người Thái và Mường chỉ các nghĩa địa của người Khơ Mú xưa.

Vậy chủ nhân của ngôi mộ đá ở Cẩm Thạch là ai? Tôi không có ý định tranh biện về phán đoán của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng rằng có thể đây là mộ của tướng quân Phạm Cuống, chỉ xin đưa ra những cứ liệu sưu tầm được. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, vua Lê Lợi giao vùng đất phía tây nước ta (từ Lai Châu về đến Nghệ An) cho Á hầu Thượng tướng quân Lò Khằm Ban, vốn là con rể vua Lào cai quản. Ông Lò Khăm Ban lấy đất mường Ca Da (huyện Quan Hóa) làm căn cứ, giao cho 12 người con chia nhau cai quản các mường lớn dọc sông Mã. Đến nay, dòng họ Phạm (đổi từ chữ Khăm, nghĩa là Vàng) còn ảnh hưởng rất lớn tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước, đặc biệt là Quan Hóa.

Một dòng họ lớn của người Thái nữa cũng có ảnh hưởng lớn đến cư dân đôi bờ sông Mã, là dòng họ Hà ở mường Khoòng (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước). Đây là dòng họ có công lớn trong công cuộc khôi phục nhà Lê Trung hưng, với các danh nhân nổi tiếng như Tư đồ Quận công Hà Nhân Chính, Thái phó Quận công Hà Thọ Lộc. Mộ của ông Hà Thọ Lộc được đặt ngay bên cạnh làng của Thái sư Trịnh Kiểm ở huyện Vĩnh Lộc, do hai người khá thân thiết với nhau.

Có công bậc nhất trong sự nghiệp của vua Gia Long, ông Hà Công Thái cũng được làm Quận công, với rất nhiều ưu đãi đặc biệt. Các thủ lĩnh Cần Vương sau này như Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt, Hà Văn Nho... là hậu duệ của ông.

Có lẽ nào, chủ nhân ngôi mộ đá ở Cẩm Thạch là một người Thái thuộc dòng quý tộc, như những ngôi mộ đá lớn khác tại hai bờ sông Mã?

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Lê Quân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP