Trong nước

Kỷ Hợi 600 năm trước: Sáng ngời gương tiết nghĩa của Lê Lai

Cách đây 600 năm, năm Kỳ Hợi 1419, khi cuộc khởi nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi diễn ra đang trong giai đoạn khó khăn, dũng tướng Lê Lai đã liều mình cứu chúa.

Nước Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử đã chứng kiến rất nhiều lần khát vọng Việt được thể hiện quật cường, trong đó, có đến 2.000 năm ông cha ta phải đấu tranh cho khát vọng độc lập, tự chủ, đánh đuổi ngoại xâm, tạo tiền để ngày nay chúng ta phấn đấu cho khát vọng vươn lên về kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Hy sinh cứu chúa

Trong những người anh hùng dân tộc thực hiện được khát vọng giải phóng đất nước, có anh hùng dân tộc Lê Lợi, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong 10 năm để đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược nhà Minh. Để góp sức vào chiến công đó của Lê Lợi, có tấm gương tiết nghĩa của dũng tướng Lê Lai.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu nổ ra từ tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418). Lê Lợi xưng là Bình Định vương, cử cháu là Lê Thạch làm Tướng quốc, cùng 50 tướng văn, tướng võ truyền hịch đi các nơi cùng chống quân Minh.

Lê Lai sinh ra ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang huyện Lương Giang (nay là Thôn Thành Sơn (Làng Tép), xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), cách vùng Lam Sơn của Lê Lợi không xa. Ông là con của Lê Kiều, người nối đời cha ông làm chức phụ đạo trong vùng.

Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, Lê Lai và anh trai là Lê Lạn cùng tham gia. Trong chiến dịch năm Ất Tỵ (1425), Lê Lạn hy sinh ở Khả Lưu quan. Sau khi Lê Lợi lên làm vua, đã truy tặng Lê Lạn chức Thái phó, tước Hiệp Trung hầu, rồi sau gia tặng tước Hiệp quận công.

Về Lê Lai, được mô tả rằng: Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao rạng, được giao lo việc hậu cần cho Lê Lợi.

Lễ hội Lam Kinh tái hiện hào khí Lam Sơn với các phần gồm rước linh vị Đức Thái Tổ Cao hoàng đế và Trung Túc Vương Lê Lai tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương.

Theo sách Lam Sơn thực lục, dù nghĩa quân Lam Sơn đánh thắng trận đầu, phá tan đội quân của Nội quan nhà Minh là Mã Kỳ, chém được nghìn thủ cấp địch, nhưng sau đó do có tên Ái phụ đạo ở Nguyệt Ấn đưa đường dẫn quân Minh đánh úp, quân của Lê Lợi bị vỡ, vợ và con gái ông bị giặc bắt. Lê Lợi và các tướng phải rút vào ẩn náu trong núi Chí Linh, ngọn núi hiểm yếu tại thượng nguồn sông Chu ở vùng Lang Chánh, Thanh Hóa.

Tháng 4/1419, Bình Định vương dẫn quân đánh đồn Nga Lạc ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa hiện nay, bắt được chỉ huy quân Minh là Nguyễn Sao đem chém. Nhưng bấy giờ thế lực của giặc còn đang mạnh; về phía Vương, tướng còn hiếm, quân còn ít, nên bị giặc vây ép. Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lại lui về giữ núi Chí Linh.

Quân Minh đem quân đến bao vây, tình hình phía nghĩa quân Lam Sơn rơi vào cảnh khốn quẫn. Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: "Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?".

Điển tích Bình Định vương nhắc đến là thời Hán - Sở tranh hùng bên Trung Quốc. Hán Cao Tổ Lưu Bang bị Sở Vương Hạng Vũ vây ở núi Huỳnh Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), tình hình nguy ngập quá, Kỷ Tín phải ăn mặc giả làm Cao Tổ, thay Cao Tổ ra đầu hàng, bị Hạng Vũ đốt chết. Còn Cao Tổ nhờ đó trốn thoát.

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng:

- Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!

Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng:

- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!

Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến.

Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:

- Ta đây là chúa Lam Sơn!

Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình thức tàn ác nhất, ra hẳn ngoài những cách thường làm.

Tiền đề cho chiến thắng

Sau sự kiện này, quân Minh bèn rút quân về Tây Đô, tức thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa hiện nay. Lê Lợi nhờ đó được thong thả nghỉ ngơi, sức dưỡng nhuệ khí, sau đó quân ngày càng mạnh, đánh thắng liên tiếp, cuối cùng đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi nước ta.

Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (đền Tép) được xây dựng tại quê hương ông ở làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Vua nhớ lòng trung thành của Lê Lai, lúc ông mới mất đã sai người lén tìm di hài về táng ở Lam Sơn. Năm đầu sau khi lên ngôi vua, (1428) Lê Thái Tổ đã phong cho Lê Lai làm công thần đệ nhất, tặng hiệu Súy trung Đông đức hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, Thiếu úy, cho thụy Toàn Nghĩa.

Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tháng Chạp, vua sai Nguyễn Trãi chép hai đạo văn ước thệ và lời thề chung về Lê Lai cất vào hòm vàng, rồi gia phong cho Lê Lai lên chức Thái úy. Sau đến đời vua Lê Thánh Tông, đã phong Lê Lai lên tước trung Túc vương. Các con của Lê Lai đều được vua Lê Thái tổ trọng dụng, con cháu ông nhiều người là danh tướng của triều Lê.

Theo truyền thuyết, Lê Thái Tổ nhớ ơn của Lê Lai, đã ra lệnh cho quần thần và hậu duệ sau này khi làm lễ giỗ nhà vua, phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày. Do đó, ngày nay, vào tháng Tám âm lịch hàng năm, trước ngày giỗ Lê Thái Tổ (21/8), nhân dân ở quanh khu di tích Lam Kinh và đền thờ nhà vua vẫn mở lễ hội lớn để tưởng nhớ vị tướng đã hy sinh thân mình cứu chúa, theo câu ca dao truyền tụng từ đời xưa: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".

Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác, tên đường Lê Lợi, Lê Lai đều được đặt cạnh nhau, để ghi nhớ công ơn của vị tướng đá giúp vua thể hiện khát vọng Việt 600 năm về trước.

Tác giả: Lê Tiên Long

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: lê lai ,lê lợi ,lịch sử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP